Tình thế lưỡng nan của thân phận người trong Cách mạng Pháp

'Hai kinh thành' của Charles Dickens hé lộ góc khuất nhập nhằng giữa lý tưởng ái quốc và lòng hận thù mù quáng, khám phá những mưu mô hận thù cộng sinh cùng tình yêu lý tưởng.

Người ta nói cứ 10 người Anh quốc biết đọc thì có một người đọc Charles Dickens và kể lại cho 9 người khác cùng nghe. Có lẽ không quá khi nhận xét rằng “nhà văn quốc dân” Charles Dickens chính là tiểu thuyết gia Anh nổi tiếng nhất mọi thời đại.

Ông là một bộ óc thiên tài, nỗ lực sáng tác miệt mài, nhiệt tâm với công chúng, lòng nhân ái bao la. Tất cả đã hợp lực để đưa ông trở thành một hiện tượng văn chương thời đại.

Trong số những tác phẩm để lại ảnh hưởng sâu rộng như Oliver Twist (1837), A Chrismas Carol (1843), Great Expectations (1861)… thì Hai kinh thành (A Tale of Two Cities - 1859) là tiểu thuyết mà nhà văn tự nhận hay nhất mình từng viết.

Charles Dickens - tiểu thuyết gia Anh nổi tiếng nhất mọi thời đại.

Đặt trong bối cảnh cuộc Cách mạng Pháp và Thời kỳ Khủng bố (Reign of Terror) cuối thế kỷ 18 loạn lạc, Hai kinh thành đã hé lộ những góc khuất nhập nhằng giữa lý tưởng ái quốc và lòng hận thù mù quáng, khám phá những mưu mô hận thù cộng sinh cùng tình yêu lý tưởng.

Nỗi bần cùng và sự xa hoa ngạo ngược

Hai kinh thành được in thành từng hồi trên tuần san All The Year Round do Dickens chủ biên trong vòng nhiều tháng. Truyện xoay quanh số phận của hai cha con bác sĩ Manette trên nền bối cảnh Cách mạng Pháp.

Hai kinh thành là một thiên truyện tuy đồ sộ nhưng có tốc độ dồn dập, kịch tính, cấu thành bởi liên tiếp các biến cố. Bằng việc phát hành dàn trải, nhà văn có cơ hội lắng nghe và tiếp thu cảm nhận của thời cuộc, cho phép độc giả có tiếng nói trong diễn biến câu chuyện.

Như tác giả John Forster của cuốn tiểu sử The Life of Charles Dickens đã nhận xét: “Dickens cho các nhân vật của ông sự sống, không phải bằng cách miêu tả họ mà cho phép họ miêu tả chính mình".

Để tăng độ tin cậy, Charles Dickens tham chiếu trên tác phẩm The French Revolution: A history của nhà sử học Thomas Carlyle. Ông là người có tầm quan trọng rất lớn đối với các diễn biến lịch sử thực tế và tạo hình nhân vật trong Hai kinh thành.

Charles Dickens cho rằng Hai kinh thành là tác phẩm hay nhất mà mình từng viết.

Cách mạng Pháp hiện lên dưới ngòi bút Charles Dickens sống động như ghim thẳng vào tâm trí người đọc. Ai có thể quên cảnh lầm than của khu phố Saint Antoine: “Ở mọi góc đường, ra vào mọi ngưỡng cửa, đứng trong mọi cửa sổ, quấn mình bằng mọi thứ áo xống rách rưới phần phật trong gió, là những con người đã bị xay nghiền, tán nhừ trong cỗ máy bần cùng".

"Cái cỗ máy đã nhào nặn họ là cỗ máy biến người trẻ thành già; lũ nhi đồng có bộ mặt lão niên và giọng nói nghiêm trọng; và trên mọi gương mặt trẻ con lẫn người lớn, hằn sâu trên những nếp nhăn tuổi tác, đều lồ lộ một dấu hiệu: Đói".

Trái ngược với nỗi bần cùng này là sự xa hoa ngạo ngược của giới quý tộc. Chúa công Monseigneur không thể uống sô-cô-la cho trôi họng nếu không có sự trợ giúp của bốn người hầu. Đám bác sĩ làm giàu nhờ kê đủ thứ thuốc đắt giá cho những căn bệnh tưởng tượng không hề có thật.

Đám quân sư mách nước không phát minh được giải pháp làm việc nghiêm túc để tiệt trừ một căn nguyên nào trong những chuyện nan giải của quốc gia. Đám triết gia vô đạo muốn cải tổ thế giới bằng mồm và dùng lá bài xây tháp chống trời tán chuyện...

Đỉnh điểm là việc xe ngựa của ngài Hầu tước Marquis sau khi vô tình cán chết đứa bé con một người nông dân, ngài chỉ hờ hững thảy một đồng tiền vàng.

Ông ta nói: “Ta rất lấy làm lạ, lũ dân chúng các ngươi không biết lo thân và lo cho con cái. Lũ bay không đứa này thì đứa khác cứ mãi cản đường ta. Không biết lũ bay có gây thương tích gì cho mấy con ngựa của ta không”.

Những kẻ như Marquis đã gieo gió gặt bão. Lòng hận thù sục sôi của công dân Pháp quốc đã đạt đến điểm tới hạn và kết cục là sự kiện tấn công ngục Bastille, mở màn cho cuộc trả thù cuồng loạn sôi máu hận khắp thành Paris.

Nhưng chính tại thời điểm này, lòng cảm thông với giới cơ hàn của Charles Dickens đã xói mòn rất nhanh và thay vào đó là một tâm trạng bàng hoàng ghê rợn.

Cái máy chém, biểu tượng của nền Cộng hòa, không một ngày nào khô máu, nó tự động hóa việc lấy mạng, rẻ rúng hóa sinh mệnh con người, nó là hiện thân chuẩn xác của cụm từ “hay là Chết” mà Dickens đã thêm vào khẩu hiệu của Nền Cộng Hòa Hợp Nhất Bất Khả Phân Ly: Tự do, Bình đẳng, Bác ái, hay là Chết.

Hai kinh thành do Đăng Thư dịch, mới phát hành tháng 5.

Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến hình tượng ám ảnh “bánh xe đá mài” dùng để mài khí giới. “Bánh xe đá mài có hai tay quay, đang được quay điên cuồng bởi hai người đàn ông; vòng quay dữ dội hất ngược mái tóc dài của họ ra sau phơi bày hai bộ mặt tàn bạo và khủng khiếp hơn cả phường man di mọi rợ".

"Trong lúc hai tên vô lại này quay bánh xe không ngừng, mấy người đàn bà nâng cốc rượu kề môi hai tên này cho chúng uống; rượu giọt đỏ như vang, rượu giọt đỏ như huyết, thêm dòng tia lửa bắn ra từ phiến đá mài, khiến cả không gian hung ác này như tràn trề máu lửa".

Bình đẳng không có nghĩa là luôn ủng hộ tầng lớp cơ hàn

Tuổi thơ nghèo khó đã hình thành trong Charles Dickens những mầm mống đầu tiên về công bằng xã hội, nhưng với ông bình đẳng không phải là luôn ủng hộ tầng lớp cơ hàn. Dickens lên án giới quý tộc tàn ngược nhưng đồng thời cũng phê phán những nhà cách mạng khát máu.

Ông cảm thông với người nghèo khi bị người giàu chà đạp và ông cảm thông với người giàu vô tội khi bị người nghèo đẩy lên đoạn đầu đài. “Cứ đập bẹp nhân tính một lần nữa thì lập tức nó sẽ oằn oại sinh sôi ngay dưới nhát búa trong cùng hình thù đã bị biến dạng méo mó đó. Cứ gieo xuống cũng một thứ hạt giống đặc quyền tham tàn và bạo ngược thì nhất định nó sẽ mọc ra thứ trái quả tương tự".

Charles Dickens chống lại mọi hình thức áp bức ở bất kỳ đâu, bất kỳ lúc nào và ông cũng nhìn thấy trước kết cục chung quyết cho những kẻ áp bức. “Tất cả rồi sẽ đều bỏ mạng dưới cỗ máy trừng phạt này trước khi nó bị loại bỏ không còn dùng tới”.

Nhưng Dickens chưa bao giờ là một người yếm thế bi quan. Trong một câu chuyện bị bao trùm bởi vô vàn mảng tối, mảng tối của đêm đen, của ngục tù, của mưu hèn kế bẩn, người ta lại thấy rực rỡ hơn hết ánh sáng đến từ tấm lòng của Lucie Manette, hành động hy sinh của Sydney Carton, hay thậm chí những lời nguyện cầu nhỏ bé của bà vợ Jerry Cruncher.

Tất cả những điều đó đều quý báu hơn địa vị cao sang hay lý tưởng mù quáng, vì cuộc cách mạng của tình yêu thương mới là cuộc cách mạng vĩ đại và hào hùng hơn tất thảy.

Quan trọng hơn, Charles Dickens không chỉ đơn thuần dạy chúng ta phê phán những kẻ ác tâm mà còn phải nhìn thấu những động cơ ẩn sâu trong họ. Trong tuyến phản diện của Hai kinh thành nổi lên một nhân vật phức tạp đa diện đầy ấn tượng mà thông qua đó Dickens đã chuyển tải thông điệp này.

Tranh vẽ tái hiện cảnh cướp ngục Bastille.

Là công dân tận tụy của nền Cộng hòa, mụ vợ Defarge áp dụng kĩ thuật đan len điêu luyện để mã hóa tên của những kẻ quý tộc mà mụ muốn đưa lên máy chém.

Ta dễ dàng cảm thông với người cha ám sát gã Chúa công đã cán chết con mình, thương hại bác sĩ Manette bị tống vào ngục Bastille vì dũng cảm đứng lên tố cáo hai anh em Hầu tước. Nhưng ta cũng có thể hoàn toàn thấu hiểu tham vọng cháy bỏng của mụ Defarge là xóa sổ dòng họ quý tộc đã giáng họa lên gia đình mụ.

“Cả đời chúng ta chỉ toàn thấy chị em phụ nữ khổ sở thôi, con cái họ cũng khổ sở, toàn nghèo đói, rách rưới, đói khát, đau ốm, cơ cực, áp bức và bị bỏ mặc đủ kiểu thôi mà?”

Defarge là sản phẩm và cũng là nạn nhân của bàn tay thế cuộc. Thời loạn nhồi nhét vào đầu mụ đầy ý thức về sự bất công và lòng hận thù giai cấp đậm sâu, nhào nặn mụ thành loài hổ dữ sắt đá; nhưng đồng thời cũng triệt tiêu trong mụ lòng xót thương, dù là xót thương cho chính mình.

Cũng vì những lý do ấy mà nhân vật này từng được bầu chọn là một trong năm tạo tác xuất sắc nhất của Charles Dickens, đồng thời cũng nằm trong số nhân vật phản diện bất hủ trong lịch sử văn học.

Tinh túy trong câu chữ, sắc bén trong hình ảnh, chan chứa trong ý nghĩa, Hai kinh thành là thiên truyện đau thương nhưng đầy tình người, vén màn cho bao thế hệ độc giả không chỉ những sự kiện chính trị xã hội đẫm máu mà còn cả những biến cố trọng đại của bao kiếp người phía sau.

Để hiểu thêm những góc khuất của một giai đoạn lịch sử loạn lạc, hãy đọc Hai kinh thành. Để đồng cảm cùng những kiếp người khổ nạn, hãy đọc Hai kinh thành.

Để hiểu vì sao Charles Dickens là một tên tuổi vĩ đại, chắc chắn hãy đọc Hai kinh thành.

Vĩnh Ngân

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/tinh-the-luong-nan-cua-than-phan-nguoi-trong-cach-mang-phap-post846527.html