Tình thế 'tiến thoái lưỡng nan' của 2 Học viện đào tạo nghệ thuật

Sau khi Luật Giáo dục ĐH có hiệu lực từ 1/7/2019, Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp đã ra văn bản yêu cầu các trường ĐH, học viện không được phép đào tạo hệ trung cấp, cao đẳng nữa.

Trước nguy cơ không được đào tạo bậc trung cấp, cao đẳng, hàng trăm giảng viên Học viện Múa Việt Nam không biết sẽ ra sao khi từ năm 2020 Học viện sẽ chỉ đào tạo từ trình độ ĐH trở lên.

Được biết, trường Cao đẳng Múa Việt Nam mới chính thức trở thành Học viện Múa Việt Nam từ năm 2019. Cuối năm 2020 trường này mới đăng ký đào tạo bậc ĐH.

"Trước việc bậc ĐH thì chưa được đào tạo, bậc trung cấp không được dạy, năm nay Học viện Múa sẽ tuyển sinh thế nào vẫn còn là câu hỏi khiến lãnh đạo trường đau đầu vì tiến không được, lùi không xong", ông Trần Văn Hải - Giám đốc Học viện Múa Việt Nam cho hay.

Không chỉ Học viện Múa Việt Nam mà Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam cũng đang trong tình thế tương tự.

Theo ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia, hệ trung cấp của Học viện Âm nhạc quốc gia là hệ đào tạo năng khiếu kéo dài từ 6-9 năm, vì để có một cử nhân ngành nghệ thuật thì cần phải có 13 năm đào tạo liên tục chứ một học sinh học xong lớp 12 mới thi vào học viện để học đàn là không thể.

Hơn nữa, do tính đặc thù đào tạo nghệ thuật không phải là giáo dục nghề (6-12 tháng) theo Luật giáo dục nghề nghiệp nhưng năm học 2020- 2021 trường Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam cũng phải "nói không" với đào tạo trung cấp theo công văn mà Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp yêu cầu.

Ảnh minh họa

Có thể thấy việc yêu cầu các trường ĐH, học viện bỏ đào tạo trung cấp đang gây ra xáo trộn rất lớn, nhất là khi các trường này đều đang thực hiện nhiệm vụ đào tạo tài năng lĩnh vực văn hóa nghệ thuật.

Được biết, trước kia Luật giáo dục nghề nghiệp cho phép các trường ĐH có thể đào tạo trung cấp, cao đẳng với điều kiện được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cấp phép. Tuy nhiên kể từ khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục ĐH có hiệu lực, các cơ sở giáo dục ĐH không được đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng nữa. Đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng do Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp phụ trách quản lý.

Vậy làm sao gỡ nút thắt cho các trường đào tạo lĩnh vực tài năng, nghệ thuật khi đang bị “vướng luật” như hiện nay?

Theo TS. Lê Viết Khuyến - Trưởng ban Hỗ trợ chất lượng giáo dục (Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) thì hiện nay không chỉ âm nhạc, nghệ thuật mà kể cả công nghệ, việc đào tạo liên thông từ THCS lên trung cấp, cao đẳng, đại học là xu hướng chung của các nước có nền giáo dục phát triển. Ở các nước này đào tạo từ bậc mầm non lên đại học và sau đại học đều thuộc Bộ Giáo dục quản lý nên nhất quán.

Ở Việt Nam, điều oái oăm là tách đào tạo nghề ra khỏi hệ thống giáo dục do Bộ GD&ĐT quản lý và đào tạo nghề lại thuộc Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) quản lý.

“Người ta đang nói phải xin cơ chế đặc thù cho Học viện Âm nhạc quốc gia và Học viện Múa Việt Nam để được đào tạo cả trung cấp, cao đẳng nhưng theo tôi không chỉ với hai trường này mà tất cả những trường đại học xuất thân từ cao đẳng nâng cấp lên phải được đào tạo hệ cao đẳng, trung cấp.

Ví như, ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội xuất phát là trường cao đẳng đào tạo về công nghệ may, thiết kế thời trang hàng đầu cả nước sau đó nâng cấp thành trường đại học. Hiện giờ Tổng Cục giáo dục Nghề nghiệp không cho những trường này đào tạo cao đẳng là bất hợp lý vì bản thân nó là cao đẳng và là cha đẻ của đào tạo may, thời trang hiện nay. Giờ không cho đào tạo cao đẳng thì đào tạo gì, khác gì đẩy các trường này vào ngõ cụt?

Theo tôi Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp phải cho phép đào tạo liên thông với các trường này, mở cửa cho họ để giáo dục là một hệ thống nhất”, TS. Lê Viết Khuyến cho hay.

Cũng theo TS. Lê Viết Khuyến, đương nhiên, không phải tất cả trường đại học đều sẽ được mở cửa đào tạo cao đẳng, trung cấp. Những trường đào tạo về học thuật, định hướng nghiên cứu như ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Y dược hay ĐH Quốc gia mà đào tạo cao đẳng trung cấp thì không được.

“Suy cho cùng đằng sau câu chuyện trường đại học, học viện đào tạo hệ trung cấp, cao đẳng là việc giành giật nguồn tuyển mà thôi”, TS. Lê Viết Khuyến nói.

Liên quan đến vấn đề trên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết đơn vị này đang làm văn bản gửi lên Thủ tướng đề nghị cho các trường đào tạo văn hóa nghệ thuật được đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng trong năm nay. Ngoài ra, xin cơ chế cho các trường tiếp tục duy trì mô hình đào tạo từ sơ cấp lên đến đại học.

Hoàng Thanh

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/gioi-tre/tinh-the-tien-thoai-luong-nan-cua-2-hoc-vien-dao-tao-nghe-thuat-259594.html