Tình tiết bất ngờ, lật đổ quan điểm tên lửa Nga bắn hạ MH17

Phía Nga cho rằng loại đạn tên lửa 9M38 bắn hạ MH17 trong vụ việc thảm khốc đã bị Nga loại bỏ vào năm 2011, nhưng một số nước như Ukraine vẫn còn sử dụng phiên bản cũ này.

Nhà thầu Almaz-Antey trình bày kết quả mô phỏng thử nghiệm vụ bắn rơi MH17 vào năm 2015.

Nhóm điều tra quốc tế (JIT) - bao gồm đại diện Hà Lan, Úc, Malaysia, Bỉ và Ukraine - về vụ máy bay MH17 bị bắn hạ bí ẩn cách đây 4 năm đã một lần nữa cáo buộc quân đội Nga đứng đằng sau vụ việc.

Tuy nhiên, trong bản báo cáo được nhóm này công bố hôm 24/5, một lần nữa những câu hỏi nhạy cảm nhất liên quan đến cuộc điều tra đều bị bỏ qua, theo Sputnik.

"Nhóm nghiên cứu đã kiểm tra tất cả các hình ảnh có sẵn và xác định rằng hệ thống tên lửa Buk có những đặc trưng kỹ thuật ứng với những yếu tố có trong vụ việc", Wilbert Paulissen, trưởng nhóm điều tra của phía Hà Lan cho biết.

"Chúng tôi xác định rằng hệ thống bắn hạ chiếc Boeing thuộc Lữ đoàn tên lửa phòng không số 53 từ khu vực Kursk của Liên bang Nga".

Tuy nhiên, JIT lại không chia sẻ bất kỳ hình ảnh nào trong số những hình ảnh mà nhóm điều tra này nhắc đến trong tuyên bố của mình, cũng như không nói chi tiết về "đặc trưng kỹ thuật" mà họ đang nói đến.

Cuộc điều tra cũng cho biết, JIT nghi ngờ khoảng 100 người đã tham gia vào vụ bắn hạ, nhưng không công bố cụ thể danh tính.

Trưởng nhóm điều tra Fred Westerbeke, nói rằng ông không thể nói ai chịu trách nhiệm về tội ác này. Thay vào đó, ông nhấn mạnh rằng cuộc điều tra vẫn đang tiếp tục.

"Chúng tôi có rất nhiều manh mối và bằng chứng, nhưng chúng tôi chưa sẵn sàng công bố", Westerbeke nói. "Vẫn còn rất nhiều việc phải làm".

Bộ Quốc phòng Nga ngay lập tức ra thông cáo bác bỏ cáo buộc của JIT: “Nga đã đưa ra những chứng cứ đầy đủ, bao gồm các thử nghiệm ngay tại hiện trường, trong đó cho thấy rõ chính hệ thống BUK của Ukraine có liên quan tới vụ việc bắn rơi máy bay MH17”.

"Chúng tôi lấy làm tiếc với giả thuyết do JIT đưa ra hôm 24/5, cho rằng Lữ đoàn tên lửa phòng không số 53 của Nga đã phóng tên lửa Buk bắn hạ máy bay MH17 trên bầu trời Ukraine. Một lượng lớn thông tin do Nga cung cấp đã bị làm ngơ trong cuộc điều tra. Đây là cáo buộc nhằm bôi nhọ hình ảnh của Nga trước cộng đồng quốc tế", TASS dẫn thông cáo do bộ Ngoại giao Nga.

Nga khẳng định các nhà điều tra không nhắc tới việc nhóm chuyên gia Hà Lan đã được mời tới Moscow để tiếp cận những tài liệu kỹ thuật của hệ thống Buk, cũng như kết quả thử nghiệm của nhà sản xuất Almaz-Antey nhằm mô phỏng vụ bắn hạ máy bay MH17.

Sự khác biệt giữa hai loại tên lửa

Một trong những yếu tố khiến cho tuyên bố của JIT không có đủ cơ sở vững chắc đó là phiên bản của loại tên lửa bị cáo buộc đã bắn hạ MH17.

Một trong những bằng chứng mà nhóm điều tra gọi là số sê-ri của tên lửa. Theo JIT, số sê-ri này cho biết tên lửa "được chế tạo ở Moscow vào năm 1986".

Đạn tên lửa 9М38 nghi bắn hạ MH17 đã không còn được Nga sử dụng từ năm 2011.

Cần lưu ý ở đây rằng năm 1986 là năm cuối cùng đạn tên lửa 9М38 sử dụng cho hệ thống Buk được sản xuất, theo tuyên bố của nhà thầu quốc phòng Almaz-Antey hồi năm 2015.

Công ty cho biết, tên lửa này đã bị Nga loại bỏ vào năm 2011, thay thế bằng một phiên bản mới hơn là 9M38M1. Tuy nhiên, tên lửa 9M38 bản cũ vẫn được sử dụng phổ biến ở Ukraine, Georgia và Ai Cập.

Đáng chú ý là đạn tên lửa phiên bản 9M38M1 được phát hiện gần khu vực xảy ra sự cố nhưng lại không hề có dấu vết đặc trưng do loại đạn này gây ra trên thân máy bay.

Nhà thầu Almaz-Antey, đã tiến hành một thử nghiệm mô phỏng vào tháng 10/2015, cho thấy các lỗ trên thân máy bay của MH17 được tạo ra bởi đạn pháo hình khối, đặc trưng của loại tên lửa 9M38 cũ.

Thử nghiệm mô phỏng vụ bắn MH17 của công ty dẫn đến kết luận khác với kết quả điều tra của JIT phát hiện rằng tên lửa bắn hạ máy bay không phải là 9M38M1 và tên lửa không được bắn từ thị trấn Snezhnoye.

Theo Almaz-Antey, JIT cố tình bóp méo hoặc bỏ qua thông tin do nhà thầu này đưa ra trong quá trình điều tra, bao gồm báo cáo về thử nghiệm trên, mặc dù thực tế là tài liệu kỹ thuật liên quan đến 9M38 và phiên bản 9M38M1 được phân loại rất cụ thể trong cuộc điều tra này.

Mikhail Malyshevsky, cố vấn của nhà thầu Almaz-Antey nói: "Chúng tôi đã sẵn sàng trình bày cả chương trình và phương pháp thử nghiệm, nhưng chỉ nhận được lời cảm ơn và mọi thứ kết thúc”.

Bản ghi âm của ai?

Theo tuyên bố của JIT về diễn biến vụ việc, một hệ thống tên lửa Buk của Nga đã được chuyển đến lãnh thổ Ukraine ngay trước khi vụ việc xảy ra, đồng thời cung cấp một bản ghi âm cuộc trò chuyện điện thoại được cho là liên quan đến kế hoạch tấn công.

Trên băng, ai đó nói rằng một hệ thống Buk là cần thiết để chống lại máy bay của kẻ thù. JIT chưa bao giờ xác nhận tiếng nói trong đoạn băng là của ai và cũng không cung cấp bằng chứng cho thấy băng ghi âm là có thật hay dàn dựng, cũng như không chứng minh được hệ thống Buk được chuyển qua biên giới Ukraine như thế nào.

Trong tuyên bố của Tổng thống Putin hôm 24/5, nhà lãnh đạo Nga cũng bác bỏ việc công nhận kết quả điều tra của JIT khi rõ ràng nước này không được tham gia cùng quá trình điều tra.

"Ngay từ đầu chúng tôi đã đề nghị hợp tác điều tra thảm kịch nhưng hoàn toàn bị gạt ra ngoài. Phía Ukraine lại là bên thực hiện công việc đó khi họ vi phạm các luật pháp quốc tế và không đóng cửa không phận ở khu vực xảy ra chiến sự”.

"Muốn chúng tôi công nhận kết quả điều tra, chúng tôi phải được tham gia điều tra đầy đủ. Trong bất cứ trường hợp nào, Nga sẽ có thái độ cư xử đúng mực và tôn trọng các phân tích của điều tra viên quốc tế và sẽ có phản hồi. Nhưng đến nay, thậm chí một văn bản chính thức cũng không có”, ông Putin nhấn mạnh.

Nguồn Người Đưa Tin: http://nguoiduatin.vn/tinh-tiet-bat-ngo-lat-do-quan-diem-ten-lua-nga-ban-ha-mh17-a371543.html