Tính toán của Bộ GTVT khi mua 164,7 triệu cổ phiếu VNA?

Theo chuyên gia, Bộ GTVT buộc phải mua cổ phiếu Vietnam Airlines để đảm bảo giữ được tỷ lệ sở hữu của mình tại doanh nghiệp này.

Thông báo của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines (VNA, mã HVN) ngày 30/7 cho biết, Bộ GTVT đã đăng ký mua 164,7 triệu cổ phiếu HVN mới với giá 10.000 đồng/cổ phiếu.

Động thái trên diễn ra sau khi việc đấu giá quyền mua cổ phiếu HVN của Bộ GTVT không thành công do không có nhà đầu tư mua.

Lý giải động thái của Bộ GTVT, chuyên gia kinh tế - TS Đinh Thế Hiển cho biết, VNA có vai trò quan trọng, nếu không muốn nói là độc quyền, vì thế Bộ GTVT vẫn phải là người quản lý vốn thuộc doanh nghiệp và những vị trí lãnh đạo doanh nghiệp này phải trực thuộc Bộ GTVT.

Bộ GTVT phải mua cổ phiếu VNA để giữ quyền chi phối

"Bộ GTVT nắm công ty này và đưa vốn vào công ty với 3 hình thức: vay Nhà nước, vay ngân hàng; Nhà nước cấp vốn; mua cổ phiếu với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Cả ba hình thức này đều là vốn Nhà nước.

Bộ GTVT vẫn là cổ đông chính của VNA, nếu như kỳ này VNA muốn tăng vốn bằng cách phát hành cổ phiếu mệnh giá 10.000/cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu thì Bộ GTVT vẫn phải bảo đảm không thay đổi tỷ lệ sở hữu để giữ quyền chi phối.

Trường hợp Bộ GTVT không mua thì sẽ làm giảm tỷ lệ sở hữu của Bộ xuống, tức bị giảm quyền lực chỉ huy xuống và như vậy rất nguy hiểm.

Song song với đó, với nhu cầu thoái vốn, từng bước cổ phần hóa chuyển thành công ty cổ phần đại chúng thực sự theo yêu cầu của Chính phủ, Bộ GTVT có thể thực hiện việc bán quyền mua cổ phiếu. Việc bán quyền mua cổ phiếu sẽ làm giảm tỷ lệ sở hữu của Bộ xuống. Nếu việc bán quyền này thu được lợi nhuận tốt thì nó phù hợp với chiến lược thoái vốn của Nhà nước và thu lời.

Nhưng bởi vì thoái vốn không được, không có người mua, Bộ không thể nào không mua cổ phiếu HVN vì như đã nói, không mua tức là họ sẽ bị giảm tỷ lệ sở hữu của mình xuống", ông Hiển giải thích.

Về việc không có nhà đầu tư nào mua quyền bán cổ phiếu HVN của Bộ GTVT, TS Đinh Thế Hiển cho biết, trong lộ trình phát triển của VNA ra đại chúng phải trải qua 3 bước:

Thứ nhất, thực hiện cổ phần hóa. Sau bước này thường chuyển đổi từ Công ty TNHH MTV nhà nước sang công ty cổ phần như các loại doanh nghiệp khác. Và mặc dù hình thức là công ty cổ phần nhưng vẫn do Nhà nước chi phối.

Thứ hai, để tiếp tục biến thành công ty cổ phần đại chúng theo lộ trình cổ phần hóa của Nhà nước thì doanh nghiệp cần phải kiếm một vài đối tác mạnh cùng tham gia như quỹ đầu tư, công ty dịch vụ...

Thông thường, với quy mô như VNA sẽ kiếm được đối tác là những công ty lớn của nước ngoài tham gia và như vậy doanh nghiệp sẽ bán một phần vốn nữa.

Thứ ba, IPO để bán ra đại chúng trước khi lên sàn.

"Như vậy, VNA lẽ ra nên tìm một tổ chức lớn trong, ngoài nước, nên ưu tiên nước ngoài để họ cùng tham gia, sau đó mới IPO bài bản.

Giai đoạn này, nếu Bộ GTVT không bán quyền mua và nhà đầu tư muốn tìm kiếm lợi nhuận sau này, thì chưa chắc người ta đã mua. Thường nhà đầu tư phải mua để cùng tham gia HĐQT, cùng tham gia đối tác chiến lược trước, sau này khi ra đại chúng, lúc đó bán quyền mua và nhà đầu tư khác sẽ mua, đó cũng là chuyện bình thường.

Giờ những nhà đầu tư muốn gom mua quyền bán cổ phiếu VNA thì dẫu có mua xong họ cũng chờ, không phải là đối tác chiến lược mà họ chờ VNA phát triển đến mức nào đó.

Bên cạnh đó, trong giai đoạn mua cổ phiếu lần này, đối tượng mua không phải là đối tượng bình thường mà phải là đối tượng đối tác chiến lược. Cổ phiếu VNA kém hấp dẫn là ở chỗ đấy", TS Đinh Thế Hiển chỉ rõ.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/tinh-toan-cua-bo-gtvt-khi-mua-1647-trieu-co-phieu-vna-3362956/