Tính toán của Nhật khi đưa tàu sân bay tới Biển Đông

Việc Nhật cử tàu sân bay Izumo tham gia sứ mệnh kéo dài ở khu vực nhằm chứng tỏ cam kết hợp tác với các nước ASEAN và để kiểm chứng năng lực hoạt động của hàng không mẫu hạm này.

Tàu sân bay trực thăng Izumo của Nhật Bản Tàu Izumo được chế tạo cho nhiệm vụ chống ngầm, chở quân, tìm kiếm cứu nạn và một số hoạt động khác. Nhật Bản không hoạt động tàu sân bay tấn công kể từ sau Thế chiến 2.

Trong giai đoạn Thế chiến 2, Nhật Bản từng là quốc gia sở hữu đội tàu sân bay hùng mạnh thứ hai thế giới. Ngày nay, nước này vẫn giữ vị trí số 2 về số lượng tàu sân bay với 3 tàu đang hoạt động và một tàu dự kiến sớm ra mắt.

Nhật Bản không gọi hàng không mẫu hạm của họ là tàu sân bay, mà là “tàu sân bay trực thăng”. Trong số này, JS Izumo là chiến hạm lớn nhất mà Nhật từng sở hữu kể từ thời Thế chiến 2.

Muốn đóng góp nhiều hơn vào an ninh khu vực

Giữa tháng 3/2017, giới chức quốc phòng Nhật Bản thông báo kế hoạch điều tàu Izumo đi hoạt động ở nhiều nơi trong Biển Đông. Đây là hành trình kéo dài nhiều tháng của tàu. Theo kế hoạch, các điểm dừng chân của tàu trong khu vực gồm Singapore, Indonesia, Philippines, Sri Lanka…

Tàu JS Izumo đang đậu tại cảng Cam Ranh. Ảnh: Hải An.

Tàu Izumo không đi một mình, mà nó đi cùng tàu hộ tống là tàu khu trục Sazanami với tổng số thủy thủ là 700 người. Theo Straits Times, đây là lần triển khai quân lực lớn nhất của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản (JMSDF) tới khu vực kể từ sau Thế chiến 2. Thời điểm của việc điều động giữa lúc vấn đề tự do hàng hải và an ninh biển ở biển Hoa Đông và Biển Đông trở thành chủ đề nóng trong những năm gần đây.

Trả lời Zing.vn sau khi tàu JS Izumo cập cảng Cam Ranh ngày 20/5 để cùng Hải quân Mỹ và Hải quân Việt Nam tham gia những cuộc tập huấn trong khuôn khổ chương trình Đối tác Thái Bình Dương 2017 (PP17), Chuẩn đô đốc Nhật Yoshihiro Goka, cho biết: "Vừa qua tàu Izumo đã tham gia diễn tập hải quân ở Singapore và hiện là chương trình PP17 cùng đồng minh Mỹ. Các hoạt động này nhằm nói lên rằng Nhật Bản muốn góp phần thêm nữa để duy trì và bảo vệ hòa bình, ổn định ở châu Á - Thái Bình Dương".

Theo Chuẩn đô đốc Goka, việc tàu Izumo đến thăm các nước Đông Nam Á là cử chỉ thể hiện thiện chí từ Nhật Bản trong bối cảnh ASEAN kỷ niệm 50 năm thành lập. “ASEAN là những đối tác tuyệt vời của Nhật Bản. Chúng ta luôn dành cho nhau những sự hỗ trợ tuyệt vời nhất”.

Tàu Izumo là tàu sân bay lớn nhất của Nhật Bản. Ảnh: Hải An.

Ông Goka cũng nhắc lại về cuộc họp không chính thức giữa Bộ trưởng Quốc phòng (BTQP) Nhật Bản Tomomi Inada với những người đồng cấp ASEAN. "Tại dịp này, bộ trưởng của chúng tôi cũng đã khẳng định Tokyo tiếp tục cam kết tăng cường hợp tác hơn nữa với các nước ASEAN", ông nói với Zing.vn.

Năng lực chống ngầm của Nhật Bản

Đến tháng 7, tàu Izumo sẽ tham gia tập trận Malabar cùng Hải quân Mỹ và Ấn Độ trên Ấn Độ Dương, sau đó sẽ trở về Nhật Bản vào tháng 8. Tập trận Malabar luân phiên diễn ra ở Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Nhật Bản đã tham gia cuộc tập trận này từ năm 2007.

Trên boong tàu Izumo. Ảnh: Hải An.

Tuy nhiên, CNN nhận định việc Nhật cử tàu Izumo với năng lực chuyên chống ngầm để tham gia lần này đánh dấu động thái phô trương năng lực hiếm hoi của Tokyo. Qua hoạt động kéo dài này, Nhật Bản muốn kiểm chứng năng lực vận hành của tàu Izumo, đưa 700 thủy thủ của JMSDF ra khỏi "vùng an toàn" để đối mặt với các thách thức mới.

Trước đó, sứ mệnh gần nhất của tàu Izumo là đi bảo vệ một tàu Mỹ hồi đầu tháng 5, khi nó trên đường tiếp tế nhu yếu phẩm cho nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson hoạt động ở gần bán đảo Triều Tiên.

Tokyo lẽ ra đã có thể cử một tàu khu trục nhỏ hơn để hộ tống tàu tiếp tế Richard E Byrd của Mỹ, nhưng BBC cho rằng đây là cơ hội không thể bỏ qua đối với Thủ tướng Shinzo Abe và Bộ trưởng Inada để điều tàu Izumo.

Nhật Bản trong những năm gần đây, đặc biệt dưới thời Thủ tướng Abe, đã "kéo giãn" giới hạn được quy định trong hiến pháp định hướng hòa bình thời hậu thế chiến, qua đó nhằm mở rộng phạm vi hoạt động của lực lượng tự vệ nước này, đồng thời cho phép Nhật có thể triển khai hoạt động bảo vệ đồng minh.

Nhật xếp Izumo vào loại tàu khu trục vì hiến pháp cấm việc thu nạp các loại vũ khí tấn công. Tuy nhiên, hàng không mẫu hạm này cho phép Nhật Bản triển khai sức mạnh quân sự ngoài phạm vi lãnh thổ.

Bên cạnh đó, giới phân tích nhận định Mỹ đánh giá rất cao và rất mong muốn tận dụng năng lực tác chiến chống ngầm, cả về công nghệ và khả năng vận hành của các tàu Nhật. “Nhật Bản từ lâu đã nổi tiếng với đội tàu săn tàu ngầm, các tàu sân bay trực thăng, máy bay săn ngầm xuất sắc”, nhà phân tích an ninh Corey Wallace (Đại học Freie, Đức), nói với CNN.

Cảnh Toàn

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/tinh-toan-cua-nhat-khi-dua-tau-san-bay-toi-bien-dong-post748059.html