Tính toán của ông Kim khi công bố tên lửa ICBM mới

Bằng cách khoe tên lửa đạn đạo liên lục địa mới, Bình Nhưỡng muốn gửi đi thông điệp với thế giới rằng họ tiếp tục theo đuổi chiến lược răn đe để tạo lợi thế trên bàn đàm phán.

Ngay cả khi theo đuổi các cuộc đàm phán phi hạt nhân với Mỹ, Triều Tiên vẫn tiếp tục tăng cường kho vũ khí của họ. Giờ đây, sự tiến bộ ở hậu trường đã được tiết lộ với công chúng. Trong cuộc duyệt binh kỷ niệm 75 năm thành lập đảng Lao động Triều Tiên, Bình Nhưỡng đã tiết lộ loại tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) to chưa từng có.

Nhà lãnh đạo Kim Jong Un từng tuyên bố chương trình hạt nhân của Triều Tiên đã hoàn tất vào đầu năm 2018. Khi đó, có thể ông đặt cược rằng việc tung ra một ICBM có khả năng tấn công lục địa Mỹ sẽ giúp ông giành được lợi thế trên bàn đàm phán.

Nhưng gần 3 năm sau, triển vọng về một thỏa thuận nhằm phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên vẫn rất mong manh. Nhà lãnh đạo Kim đang quay trở lại với việc khoe tiến bộ vũ khí, Wall Street Journal nhận định.

Màn trình diễn hoành tráng nhất

Cuộc duyệt binh hôm 10/10 được giới phân tích nhận định là màn trình diễn hoành tráng, tiết lộ nhiều vũ khí bộ binh được nâng cấp, tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) mới và thứ được thế giới quan tâm nhiều nhất là ICBM mới.

 ICBM khổng lồ mới của Triều Tiên. Ảnh: KCNA.

ICBM khổng lồ mới của Triều Tiên. Ảnh: KCNA.

“Cuộc duyệt binh cho thấy nhiều lựa chọn khác nhau mà ông Kim Jong Un có thể sử dụng trong một cuộc khủng hoảng. Đây không phải là kho vũ khí kế thừa từ cha ông ấy”, Adam Mount, thành viên cao cấp tại Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ (FAS), nhận định.

ICBM mới là sự kế thừa từ ICBM Hwasong-15 - loại tên lửa chứng tỏ tiềm năng của Triều Tiên trong việc tấn công lục địa Mỹ. Giới phân tích nhận định ICBM mới có tầm bắn tương tự Hwasong-15 hoặc xa hơn. Nhưng nó dài và có đường kính lớn hơn, có thể mang theo gấp 3 lần tải trọng hoặc số lượng đầu đạn, theo các nhà nghiên cứu tại 38 North, một trang web chuyên nghiên cứu về Triều Tiên có trụ sở tại Mỹ.

Bằng cách tiết lộ vũ khí đáng sợ hơn, ông Kim đang hy vọng sự đe dọa hoặc bất kỳ thử nghiệm phóng nào sẽ gây áp lực đối với Mỹ. Người ta vẫn chưa thể chứng minh liệu ICBM mới đã sẵn sàng để thử nghiệm hay chưa.

Tuy vậy, đối với Washington và Seoul, việc Bình Nhưỡng công bố tên lửa này cho thấy quan điểm của nhà lãnh đạo Kim vẫn là không thể từ bỏ kho vũ khí hạt nhân.

“Càng lúc càng rõ rằng không thể thuyết phục Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân, vì vậy chúng ta nên cố gắng kiềm chế. Bình Nhưỡng đang hy vọng một ngày nào đó điều này sẽ trở thành chính sách chính thức của Mỹ”, Wi Sung Lac, cựu đặc phái viên hạt nhân của Hàn Quốc, nói.

Sau cuộc duyệt binh, truyền thông nhà nước Triều Tiên cho biết lực lượng hạt nhân chiến lược của họ đã được củng cố năng lực, nhưng không đề cập đến loại ICBM cụ thể.

Tên lửa mới to và dài hơn nhiều so với ICBM Hwasong-15. Ảnh: KCNA.

Bộ Ngoại giao Mỹ bày tỏ sự thất vọng về cuộc duyệt binh quy mô lớn của Triều Tiên. Điều đó cho thấy Bình Nhưỡng đang ưu tiên cho chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Hội đồng an ninh quốc gia Hàn Quốc và Lầu Năm Góc cho biết vẫn đang phân tích về vũ khí mới của Triều Tiên.

ICBM mới và nhiều câu hỏi

ICBM mới của Triều Tiên vừa công bố được đặt trên khung gầm xe tải 11 trục, 22 bánh, đưa nó trở thành ICBM di động lớn nhất thế giới. Tuy vậy, giới phân tích hoài nghi Bình Nhưỡng sẽ đối phó thế nào với nền kinh tế suy thoái, thiệt hại do thiên tai và đại dịch Covid-19.

Bình Nhưỡng dường như đang đứng giữa ngã ba đường khi còn vài tuần nữa là cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ sẽ diễn ra. Các cuộc đàm phán tiếp theo với Washington vẫn bế tắc và chưa thể biết tổng thống tiếp theo (nếu được bầu lên vào tháng sau) sẽ làm những gì.

Tại cuộc duyệt binh hôm 10/10, Triều Tiên đã chọn phô trương các khí tài quân sự có thể sử dụng trong các đợt khiêu khích ở tương lai.

Tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm mới của Triều Tiên. Ảnh: KCNA.

Các chuyên gia vũ khí nhận định rằng bất chấp tuyên bố đã hoàn thành chương trình hạt nhân của nhà lãnh đạo Kim, Triều Tiên vẫn còn nhiều lĩnh vực cần cải thiện đối với kho vũ khí.

Giới phân tích cũng hoài nghi khả năng sống sót của đầu đạn hạt nhân Triều Tiên khi quay trở lại bầu khí quyển - nơi nó phải chịu được áp suất và sức nóng khủng khiếp. Bình Nhưỡng cũng chưa cho thấy được khả năng gắn nhiều đầu đạn vào tên lửa.

ICBM mới vẫn là tên lửa nhiên liệu lỏng, thay vì nhiên liệu rắn. Điều này ít nhiều ảnh hưởng đến thời gian sẵn sàng phóng của các ICBM Triều Tiên. “Hãy biết ơn vì chúng ta đã không nhìn thấy ICBM nhiên liệu rắn”, phó giáo sư Vipin Narang, Viện Công nghệ Massachusetts, viết trên Twitter.

Theo các chuyên gia, trở ngại lớn nhất trong việc chứng minh năng lực ICBM của Triều Tiên là thử nghiệm tầm xa. “Mọi vũ khí đều phải được thử nghiệm trong thực tế nhiều lần để hoàn thiện”, Chun In Bom, một tướng cấp cao Hàn Quốc, nói.

Ngoài ra, Bình Nhưỡng phải đối mặt với rủi ro liên quan đến tầm xa của cuộc thử nghiệm. Dưới thời ông Kim, Bình Nhưỡng áp dụng việc thử nghiệm ICBM theo chiều gần như thẳng đứng, còn gọi là quỹ đạo Lofted. Tầm bắn của tên lửa được tính toán dựa trên việc phóng nó lên theo chiều thẳng đứng, thay vì quỹ đạo parabol như các ICBM thông thường.

Điều đó cho phép Bình Nhưỡng có thể tiến hành các cuộc thử nghiệm mà không gặp rủi ro, khi tên lửa thử nghiệm bay vào phần lãnh hải của Mỹ ở Thái Bình Dương.

Tuy vậy, các chuyên gia vũ khí cho rằng cách tốt nhất để đánh giá khả năng tái nhập bầu khí quyển của đầu đạn là thực hiện vụ phóng theo quỹ đạo bình thường.

Giới phân tích dự đoán ICBM mới của Triều Tiên có thể được thử nghiệm theo quỹ đạo hơi nghiêng. Tên lửa sẽ rơi xuống đâu đó giữa Nhật Bản và bán đảo Triều Tiên, giống như các cuộc thử nghiệm trước đó.

“Vì vậy, nó có thể không bay xa hơn Hwasong-15, nhưng mang theo nhiều thứ hơn”, Jeffrey Lewis, giám đốc chương trình không phổ biến vũ khí tại Viện Middlebury về nghiên cứu quốc tế, nói.

Trung Hiếu

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ten-lua-moi-nhung-toan-tinh-cu-cua-trieu-tien-post1141074.html