Tính toán đảm bảo quyền lợi tối ưu cho người lao động khi cải cách tiền lương

Căn cứ đóng bảo hiểm xã hội và bình quân tiền lương đóng bảo hiểm xã hội là vấn đề liên quan trực tiếp tới cải cách tiền lương. Các cơ quan đang tính toán phương án tối ưu để bảo đảm quyền lợi cho người lao động.

Sáng 19/5, Tổng Thư ký Quốc hội tổ chức họp báo thông tin về dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV (khai mạc vào sáng mai 20/5).

Trả lời câu hỏi liên quan đến dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), ông Lâm Văn Đoan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho biết, đây là dự án luật rất khó, tác động đến đông đảo người lao động cũng như người nghỉ hưu.

Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) là một trong 10 dự án được dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 7, trong đó, vấn đề liên quan đến tiền lương, bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần nhận được sự quan tâm, còn nhiều ý kiến khác nhau.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Lâm Văn Đoan trả lời báo chí tại cuộc họp báo

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Lâm Văn Đoan trả lời báo chí tại cuộc họp báo

Dự án luật đang nhận được sự thu hút của đông đảo người dân và cử tri cả nước. Các cơ quan đã tiến hành lấy ý kiến về các đối tượng chịu tác động, đặc biệt là nội dung hưởng BHXH một lần.

Dự kiến tại Kỳ họp thứ 7, sẽ xem xét hông qua Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), tuy nhiên, ông Đoan cho biết, việc này sẽ phải căn cứ theo thảo luận của đại biểu tại kỳ họp. Hiện tài liệu hồ sơ dự thảo đã được gửi các đại biểu Quốc hội theo quy định.

Về căn cứ đóng BHXH, ông Lâm Văn Đoan cho rằng, đây là vấn đề liên quan trực tiếp đến cải cách tiền lương. Hiện Chính phủ đã có báo cáo gửi sang Quốc hội, căn cứ theo đề xuất của Chính phủ, để điều chỉnh trong luật, làm sao đảm bảo được quyền lợi tối ưu cho người lao động trước và sau khi cải cách tiền lương, không có khoảng cách quá xa giữa những người đang hưởng lương mới với những người đã nghỉ hưu trước 1/7/2024.

“Đây là vấn đề rất khó, đòi hỏi phải có sự nghiên cứu thận trọng. Ủy ban Xã hội của Quốc hội cũng đang phối hợp với các cơ quan tiếp tục nghiên cứu, trình Quốc hội phương án tối ưu để bảo đảm quyền lợi cho người lao động”, ông Đoan nói.

Đến 1/7/2024, mức lương cơ sở sẽ được bãi bỏ, thay bằng mức điều chỉnh mới là mức tham chiếu. Mức tham chiếu này, hiện các cơ quan Chính phủ đang tính toán mức phù hợp, làm sao không thấp hơn khi đang áp dụng mức lương cơ sở.

Lý giải về mức tham chiếu, ông Lâm Văn Đoan cho biết, theo Nghị quyết 28, khi thực hiện cải cách tiền lương sẽ bãi bỏ mức lương cơ sở - mức lương này được sử dụng làm căn cứ đóng BHXH, tính hưởng lương hưu, trợ cấp xã hội, và nhiều chính sách khác. Các cơ quan của Quốc hội cũng đang tiến hành xem xét, đánh giá cho toàn diện vấn đề này vì đây là vấn đề tác động đến người lao động và người nghỉ hưu.

"Việc tính mức lương tham chiếu cùng hệ số, nhân với nó cụ thể như thế nào cùng với cải cách tiền lương, để áp dụng vào những năm tiếp theo ra sao cần tính toán chặt chẽ, khoa học, làm sao cho người nghỉ hưu và người đang làm việc hưởng mức tối ưu sau khi luật ban hành”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội nhấn mạnh.

Lê Hoàng/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/tinh-toan-dam-bao-quyen-loi-toi-uu-cho-nguoi-lao-dong-khi-cai-cach-tien-luong-post1096124.vov