Tính toán để khai thác hiệu quả, tránh lãng phí quỹ đất hai bên đường dự án

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, ngày 10/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và dự án đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh. Các đại biểu Quốc hội cho rằng cần quy hoạch, tính toán để khai thác hiệu quả quỹ đất hai bên đường dự án, tránh lãng phí...

Đồng tình với Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và các ý kiến của nhiều đại biểu về sự cần thiết phải xây dựng đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội và đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh, theo đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội), đường Vành đai 4 vùng Thủ đô và đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh đều là đường cao tốc nhưng khác hoàn toàn với các tuyến đường cao tốc khác mà đây là cao tốc của vành đai. Cho nên khi tuyến đường này hình thành thì các khu vực lân cận quanh đường sẽ hình thành lên các trung tâm đô thị, các trung tâm thương mại, các trung tâm phân phối. Đây chính là một nguồn lực rất lớn cho quá trình phát triển ở các vùng.

 Quang cảnh phiên làm việc của Quốc hội ngày 10/6.

Quang cảnh phiên làm việc của Quốc hội ngày 10/6.

Đại biểu cho biết thêm, thời gian qua khi mới chỉ nghe dư luận là Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận về tuyến đường này thì giá đất đai ở khu vực này đã sôi động lên và giá tăng lên rất nhiều lần. Đại biểu cho rằng nếu không có biện pháp khai thác thì nguồn lực này sẽ bị lãng phí. Do đó, cùng với việc phê duyệt chủ trương xây dựng tuyến đường này, đại biểu đề nghị Chính phủ nên đề xuất với Quốc hội có một cơ chế đặc thù để khai thác nguồn lực này.

Theo đó, cơ chế này được thực hiện theo phương thức là cùng với việc quy hoạch chi tiết xây dựng các tuyến đường vành đai thì nên quy hoạch đồng thời khu vực hai bên đường để hình thành nên các khu đô thị hiện đại, các trung tâm thương mại, các trung tâm phân phối, các trung tâm trung chuyển hàng hóa và các hệ thống đường không chỉ là đường song hành mà kể cả các hệ thống đường kết nối trong khu vực.

Đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội phát biểu.

Đại biểu cho biết, việc này sẽ khác so với việc thực hiện các dự án BT trước đây. BT trước đây là dạng đổi đất lấy hạ tầng, còn đây là thực hiện cơ chế thị trường để đấu thầu các dự án và đấu thầu các công trình xây dựng. Đại biểu cho rằng khi tiến hành đấu thầu các dự án này sẽ có được các khu đô thị hiện đại, khai thác nguồn lực và tránh tình trạng phát triển tự phát.

Cùng vấn đề quan tâm, đại biểu Nguyễn Đại Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên lưu ý trong quá trình triển khai thực hiện cần quản lý tốt đất đai dọc tuyến đường ngay từ khi Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư dự án nhằm ngăn chặn tình trạng lấn chiếm, chờ dự án để đòi bồi thường hoặc xây dựng trên hành lang giao thông.

Nhất trí với các đại biểu Quốc hội, trong phần tranh luận, đại biểu Lê Thanh Vân – Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau cho rằng cần phải xây dựng các dự án đô thị, các khu công nghiệp ở tuyến kết nối dự án đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh và Vành đai 4 vùng Thủ đô. Đại biểu nhấn mạnh, đã đến lúc chúng ta phải nhận thức về hiệu quả của đầu tư công không chỉ là về giao thông mà đằng sau đó là địa tô chênh lệch do Nhà nước tạo ra từ hoạt động đầu tư công. Lâu nay do không đánh giá vấn đề này cho nên mất đi một nguồn lực quan trọng, đó là thu được chênh lệch địa tô từ tác động kinh tế của dự án.

Đại biểu Nguyễn Phi Thường – Đoàn ĐBQH TP Hà Nội phản ánh thực trạng quy hoạch và hình thái đô thị vùng Thủ đô và vùng TP Hồ Chí Minh đều chưa phát huy được hiệu quả với hạt nhân, 2 siêu đô thị đang có dấu hiệu phát triển chậm lại, hụt hơi với những điểm nghẽn giao thông hướng tâm, cấu trúc đô thị hút đầu tư, hút nguồn lực, hút dân di cư vào khu vực lõi. Từ đây quá tải hạ tầng, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường. Các đô thị vệ tinh được quy hoạch đều chưa thể hình thành, bởi thiếu giao thông kết nối.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo giải trình, làm rõ một số nội dung mà các đại biểu Quốc hội nêu.

Chính vì thế, một trong những sứ mệnh quan trọng mang tầm chiến lược của dự án Vành đai 4 vùng Thủ đô là tái cấu trúc lại hình thái đô thị của Hà Nội và định hình sự phát triển của vùng Thủ đô với 10 tỉnh, thành. Hai dự án này như những tiền đề quan trọng giúp 2 thành phố có thể tránh đi vào lối mòn của các siêu đô thị trong việc cạnh tranh và thu hút tài nguyên và không gian tắc nghẽn để trở thành những đô thị hiện đại, có chức năng dẫn dắt, tạo hiệu ứng lan tỏa, phát triển cả nước.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, báo cáo giải trình làm rõ một số nội dung, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, việc quản lý chặt chẽ quỹ đất ở 2 bên đường từ quy hoạch cho đến quản lý, khai thác, đấu thầu, thu tiền về cho nhà nước, phát triển bài bản, đúng quy hoạch có vai trò rất quan trọng. Do đó, đề nghị Đoàn ĐBQH các địa phương giám sát chặt chẽ việc khai thác, sử dụng hiệu quả đối với các dự án, công trình dọc 2 bên của các tuyến đường...

Vũ Cảnh

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/kiem-sat-24h/van-de-su-kien/tinh-toan-de-khai-thac-hieu-qua-tranh-lang-phi-quy-dat-hai-ben-duong-du-an-123898.html