Tình trạng chuyển giá, trốn thuế, gian lận thương mại còn là nguy cơ lớn

Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2018 với chủ đề 'Tái cấu trúc nền tài chính quốc gia hướng đến phát triển nhanh, toàn diện và bền vững của Việt Nam' diễn ra hôm nay (20/9) đã đánh giá: Trong những năm qua, công tác tái cấu trúc nền tài chính quốc gia đã đạt được một số kết quả tích cực, đóng góp quan trọng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh và công bằng xã hội.

Ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng, có 6 thách thức lớn trong việc tái cấu trúc nền tài chính công của Việt Nam (ảnh T.D)

Các cấu phần của nền tài chính quốc gia đã được từng bước được tái cấu trúc nhằm phát triển đất nước theo hướng nhanh, toàn diện và bền vững. Chính sách thuế đã được hoàn thiện nhằm đáp ứng nhu cầu huy động nguồn lực phục vụ các chương trình phát triển kinh tế trong bối cảnh một số nguồn thu giảm như thu từ dầu thô, thu từ nhập khẩu (do thực hiện cắt giảm thuế theo các cam kết hội nhập quốc tế)… Quy mô thu ngân sách nhà nước (NSNN) được mở rộng, tổng thu ngân sách năm 2017 tăng, tạo điều kiện để tăng chi đầu tư đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo.

Bên cạnh đó, cơ chế về phân cấp ngân sách được điều chỉnh theo hướng tăng quyền chủ động của các địa phương. Cơ cấu thu NSNN bền vững hơn do được điều chỉnh theo hướng tăng tỷ trọng các khoản thu gắn trực tiếp với hoạt động sản xuất - kinh doanh trong tổng thu NSNN. Cơ cấu chi NSNN cũng được điều chỉnh theo hướng giảm chi thường xuyên, tăng chi đầu tư phát triển với việc đa dạng hóa, xã hội hóa nguồn lực đầu tư, chi cho y tế, giáo dục nhằm mục tiêu đảm bảo công bằng xã hội. Chính sách tài chính cho an sinh xã hội cũng tiếp tục được sửa đổi… Ngoài ra, các chính sách về bảo vệ môi trường cũng được tăng cường như thuế tài nguyên, thuế bảo vệ môi trường, chi sự nghiệp bảo vệ môi trường...

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn khẳng định, tái cơ cấu tài chính công để góp phần tăng trưởng nhanh, toàn diện và bền vững là nhiệm vụ then chốt, quan trọng đối với lĩnh vực Tài chính.

Tại diễn đàn, các đại biểu đã thảo luận nhiều vấn đề để nâng cao hiệu quả tái cấu trúc nền tài chính ( ảnh: T.D)

Theo ông, sau 3 năm tái cơ cấu tài chính công, đã đạt được những kết quả tích cực: đã chặn đứng được đà giảm sút của việc huy động nguồn lực từ thuế, phí vào NSNN, đã phục hồi tỷ lệ động viên vào NSNN, tạo thuận lợi thương mại, tạo môi trường để huy động vốn đầu tư, chống chuyển giá, chống xói mòn thuế.

Đặc biệt, bội chi được kiểm soát từ 5,12% GDP vào năm 2015 xuống còn 3,6% GDP năm 2016. Cùng với đó, nợ công được kiểm soát tốt hơn, cuối 2017, chỉ còn trên 61% GDP. Nợ nước ngoài quốc gia được kiểm soát dưới 50%. Cùng với đó tăng được tỷ trọng chi đầu tư phát triển, từ 21- 22% đến nay đã đạt được 26-27%...

Ngoài ra, ông cho hay, hệ thống luật pháp tài chính đã được xây dựng phù hợp với nền kinh tế thị trường, định hướng XHCN, trên cơ sở phù hợp với kinh nghiệm quốc tế. Một số luật quan trọng được ban hành trong thời gian qua như: Luật NSNN, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý, sử dụng vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp… đã đáp ứng được các tiêu chí này.

Hơn nữa, nhiều biện pháp đổi mới, tăng cường quản lý nợ công đã được thực hiện, qua đó chỉ tiêu an toàn nợ công nằm trong giới hạn được Quốc hội phê duyệt, đảm bảo an ninh, an toàn tài chính công. Cơ cấu nợ được điều chỉnh hợp lý hơn, nghĩa vụ trả nợ được thực hiện đầy đủ, đúng hạn.

Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề đặt ra cần được quan tâm, chú trọng nhằm hướng đến phát triển nhanh, toàn diện và bền vững. Ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng, có 6 thách thức trong tái cấu trúc nền tài chính công của Việt Nam.

Cụ thể, thách thức lớn nhất đó là tỷ lệ động viên vào NSNN từ thuế phí mặc dù đã chiếm khoảng 27% GDP nhưng chưa bền vững. “Các khoản thu nội địa năm 2017 chiếm khoảng 82% tổng thu, song một bộ phận thu nội địa ở địa phương còn phụ thuộc vào việc bán tài sản công; tình trạng chuyển giá, trốn thuế, gian lận thương mại còn là nguy cơ lớn”, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn nói.

Thứ hai, cơ cấu về ngân sách tuy có chuyển biến nhưng hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng tài chính công và NSNN đang là thách thức lớn. Cùng với đó cần nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản trị và quản lý vốn nhà nước tại khu vực doanh nghiệp, sử dụng hiệu quả tài sản công quốc gia.

Dù nợ công đã được cải thiện, nhưng theo ông Tuấn, các khoản nợ dự phòng, những rủi ro về tỷ giá, nợ dự phòng bảo lãnh của nhà nước đối với khu vực doanh nghiệp vẫn tiếp tục là thách thức lớn trong thời gian tới.

Những thách thức tiếp nữa là cần nâng cao kỷ luật kỷ cương tài chính, công khai, minh bạch về tài chính - ngân sách; Xây dựng thể chế để giải quyết được thách thức lớn nhất của nền kinh tế hiện nay là chi phí vốn khu vực doanh nghiệp.

Còn ông Bruno Angelet- Trưởng phái đoàn đại diện Liên Minh châu Âu tại Việt Nam cho biết: “Liên minh châu Âu coi cải cách tài chính công ở Việt Nam là quan trọng. Là nước có thu nhập trung bình nhưng Việt Nam phải đảm bảo cung cấp dịch vụ tài chính công bằng cách tăng nguồn thu trong nước và quản lý tài chính hiệu quả. Liên minh châu Âu muốn giúp Việt Nam giải quyết những vấn đề về biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, vấn đề về thuế và quản lý tài chính trong chuyển đổi nền kinh tế xanh”.

Minh Nhật

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/kinh-te/tai-chinh-ngan-hang/tinh-trang-chuyen-gia-tron-thue-gian-lan-thuong-mai-con-la-nguy-co-lon-59524.html