Tình trạng “gỗ tặc” hoành hành trên thế giới

Một số quốc gia trên thế giới vẫn còn xảy ra tình trạng chặt cây trộm để lấy gỗ. Gỗ tốt thì đóng bàn ghế, tủ giường. Gỗ xấu thì bán làm củi đun. Chính quyền các nước có tệ nạn này cũng đã nhanh chóng vào cuộc, nhưng thật không dễ dàng gì để ngăn chặn nạn “gỗ tặc”!

Nhân tin về kế hoạch chặt cây để xây đường tại Hà Nội, mời các bạn tìm hiểu các lý do khác nhau khiến hàng triệu cây xanh bị đốn hạ trên thế giới.

Scotland:

Theo báo Telegraph, tính từ 2007 - 2014, hàng triệu cây bị đốn hạ để xây các trạm điện gió ở vùng nông thôn Scotland. Ủy ban Lâm nghiệp công bố số liệu nói 2.510 hectare cây xanh ở Scotland đã bị chặt.

Con số cây trồng bù lại mới chỉ đạt diện tích ¼ số bị chặt. Tính ra, 3,4 triệu cây bị chặt và không được trồng đủ để bù lại dù chính phủ Scotland từng hứa sẽ buộc các công ty xây trạm điện gió phải có biện pháp trồng thế vào số bị mất.

Chính phủ địa phương ở Scotland bị phê phán vì đã cho chặt nhiều cây để dựng các trạm phong điện mà không bắt các công ty năng lượng trồng đủ để bù lại (Ảnh: Tim Graham/Getty)

Madagascar:

Tờ The Guardian năm 2015 viết rằng tại Madagascar có nạn chặt gỗ hồng (rosewood) để cung cấp cho thị trường Trung Quốc. Nạn chặt cây phá rừng lan cả vào đô thị và các rặng cây hồng trong phố ở Antanandavehely cũng bị đốn để chuyển thẳng về thị trấn mới xây là Xianyou, có một triệu dân, ở tỉnh Phúc Kiến.

Chỉ trong năm 2012, Trung Quốc chính thức nhập về 757 nghìn mét khối gỗ hồng, đa số từ châu Phi. Sức ép quốc tế khiến quốc gia này ra lệnh giảm nhập khẩu nhưng vào thời điểm các nhà báo của tờ The Guardian từ Anh tới Madagascar, thì họ vẫn chứng kiến chỉ trong một điểm, có 400 khối gỗ nằm chờ xuất khẩu.

Cây gỗ hồng bị đốn tại Madagascar để xuất khẩu sang châu Á (Ảnh: Reuters)

Cây gỗ hồng bị đốn tại Madagascar để xuất khẩu sang châu Á. Phải cần 40 năm, cây mới to đủ cỡ như các khối gỗ đã bị đốn hạ. Một tàu mang cờ Singapore cũng bị cáo buộc vận tải 420 tấn gỗ hồng rời hòn đảo. Con tàu rời Zanzibar trên đường đi Hongkong đã bị Interpol báo động cho hải quan ở Mombassa chặn lại và thu được số gỗ trị giá 13 triệu USD.

Được biết lãnh đạo Madagascar sau đó đã nêu cao cam kết chống lâm tặc chặt gỗ hồng để xuất khẩu lậu.

Hongkong:

Tạp chí TIME năm 2016 có phóng sự về nạn chặt gỗ trộm nhắm vào cây gỗ hương để bán. Năm 2013, chính quyền Hongkong (Trung Quốc) ghi nhận 96 vụ đốn trộm, phá hoại 168 cây. Họ cũng thu về 133 kg gỗ hương và bắt 41 người.

Các vùng rừng giáp đường biên với Quảng Đông bị lâm tặc và xã hội đen chuyên buôn gỗ quý tấn công mạnh. Họ bán một kilogram gỗ hương (agarwood) với giá 13 nghìn dollar Hongkong.

Cây bị đốn trên đường gần Gdansk, Ba Lan (Ảnh: Reuters)

Ba Lan:

Một luật mới của chính phủ Ba Lan nới lỏng chính sách bảo vệ cây đã dẫn đến tình trạng đốn gỗ vô tội vạ, theo trang Fakt24.pl. Bị những người phản đối đặt tên là Luật Szyszko - theo họ của Bộ trưởng Jan Szyszko - quy định này cho phép chủ đất đốn bất cứ cây nào trên đất của họ, kể cả cây có 2.000 tuổi, vốn trước đó được chính quyền bảo vệ.

Lãnh đạo Phong trào bảo vệ cây “Mẹ Ba Lan bị chặt phá” (Matka Polka na wyrębie) đã sang tận Rome để đề nghị Đức Giáo hoàng Francis lên tiếng bảo vệ cây ở Ba Lan. Luật này có một lỗ hổng lớn khiến cách đốn gỗ trở nên dễ dàng: luật cấm các doanh nghiệp không được phá rừng nhưng lại cho phép chủ tư nhân muốn làm gì với cây xanh trên đất của mình cũng được.

Theo các báo Anh, cách làm ăn của người Ba Lan là sau khi mua một khoảng rừng có nhiều cây trên đó, công ty xây dựng bán trên giấy cả miếng đất cho một cá nhân, với giá rẻ bất ngờ. Người chủ dùng quyền chủ sở hữu tư nhân để chặt cây và bán lại gỗ cho công ty. Sau đó, người đó "bán lại" cả mảnh đất đã không còn cây cho công ty xây dựng để dựng nhà một cách hợp pháp.

Theo các nhà vận động, từ khi luật Szyszko có hiệu lực từ 1/1/2017, tính đến tháng 6/2017, chừng hai triệu cây to đã bị đốn ở Ba Lan. Báo chí châu Âu gọi đây là các vụ “thảm sát cây xanh” và một phong trào “Cây ở đâu?” (Gdzie jest Drzewo?) đã ra đời để vận động sửa đổi luật này. Người Ba Lan cũng phản đối. Nhiều cuộc biểu tình phản đối “Lâm tặc” và “Gỗ tặc” cũng đã xảy ra. Riêng phụ nữ phản đối chặt cây ở Ba Lan có cách độc đáo hơn: các bà mẹ ngồi trên nền rừng cho con bú để nêu ra thông điệp vì tương lai của môi trường xanh!

Phản đối chặt cây ở Ba Lan: các bà mẹ ngồi trên nền rừng cho con bú để nêu ra thông điệp vì tương lai của môi trường xanh (Ảnh: Fakt24.pl)

Thủy Tiên (Theo BBC News, 7/2017)

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://www.nguoitieudung.com.vn/tinh-trang-go-tac-hoanh-hanh-tren-the-gioi-d59670.html