Tình trạng 'hạ độc' cây rừng diễn biến phức tạp

UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng, thời gian qua, tình trạng 'ken' cây, khoan lỗ vào thân sau đó đổ hóa chất khiến cây rừng chết đứng; chiếm dụng đất lâm nghiệp để sản xuất nông nghiệp, sang nhượng trái phép gia tăng, diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn đến tài nguyên rừng, môi trường sinh thái và ảnh hưởng xấu trong dư luận.

Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo xử lý nghiêm vụ hủy hoại rừng thông tại tiểu khu 292, xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà.

Quản lý bảo vệ rừng lỏng lẻo

Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đoàn Văn Việt vừa có công điện gửi giám đốc các sở ngành liên quan; bí thư huyện ủy, thành ủy và chủ tịch UBND các địa phương trực thuộc về triển khai thực hiện quyết liệt các biện pháp kiểm tra, ngăn chặn, xử lý tình trạng “ken” cây, làm chết cây rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái pháp luật trên địa bàn. Công điện “cấp tốc” truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng được ban hành sau khi xảy ra vụ hủy hoại rừng thông rất nghiêm trọng, quy mô lớn tại tiểu khu 292, địa bàn xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà, gây xôn xao dư luận thời qua.

Trong bài “Cần “thuốc đặc trị” bảo vệ những cánh rừng thông”, báo Nhân Dân Điện tử đã phản ánh khá chi tiết việc thời gian qua, nhiều cánh rừng thông tại Lâm Đồng liên tục bị “bức tử”, cưa hạ trái phép. Động thái này được cho là “để lấy đất” sản xuất nông nghiệp, hoặc sang nhượng trái phép. Điều đáng nói, trong khi vụ án “hủy hoại tài sản” (rừng sản xuất) trên chưa kịp khép lại, thì tại những cánh rừng khác trên địa bàn các huyện: Lạc Dương, Đức Trọng, Bảo Lâm và TP Đà Lạt,… nhiều cây rừng vẫn ngã xuống, hoặc “chết đứng”, do bị “bức tử” bằng hóa chất.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Lâm Đồng, năm tháng đầu năm nay, lực lượng kiểm lâm và các đơn vị chức năng đã phát hiện, lập biên bản 272 vụ vi phạm, diện tích thiệt hại 34,5 ha, lâm sản thiệt hại hơn 2,3 nghìn m3. Ngành lâm nghiệp địa phương cho rằng, tuy số vụ vi phạm giảm so cùng kỳ 2018, nhưng mức độ thiệt hại tăng mạnh (diện tích thiệt hại tăng 41%, lâm sản thiệt hại tăng 101%); tỷ lệ số vụ vi phạm chưa phát hiện được đối tượng còn cao, chiếm 52% trong tổng số vụ vi phạm. Tình hình vi phạm Luật Lâm nghiệp vẫn còn diễn biến phức tạp, có chiều hướng tái xuất hiện những “điểm nóng” về tình trạng “ken” cây, hủy hoại rừng bằng phương thức khoan lỗ đổ hóa chất, gây chết cây rừng hàng loạt.

Thời gian qua, rất nhiều văn bản chỉ đạo về công tác quản lý, bảo vệ rừng của tỉnh Lâm Đồng đã được ban hành; nhiều giải pháp cũng đã được đặt ra. Song, những cánh rừng nhiều năm tuổi vẫn ngã xuống… Vậy, nguyên nhân do đâu? “Chủ yếu do chính quyền cấp huyện, xã (đặc biệt là các xã, phường, thị trấn có rừng), các đơn vị chủ rừng và lực lượng chức năng chưa triển khai thực hiện quyết liệt công tác quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) trên địa bàn. Việc QLBVR lỏng lẻo, không kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm ngay từ khi vụ việc mới phát sinh; chưa kịp giải tỏa, thu hồi diện tích đất lâm nghiệp do phá rừng, lấn chiếm trái pháp luật để trồng lại rừng…”, Công điện của Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng nêu.

Xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu

Cây thông hơn 17 năm tuổi bị ngấm độc, chết khô.

Trước tình trạng “ken” cây, hủy hoại rừng bằng chiêu thức trên, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu các sở, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị chủ rừng khẩn trương tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện quyết liệt công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục để nâng cao ý thức, trách nhiệm của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và người dân trong việc chấp hành, thực hiện nghiêm các quy định về QLBVR; các đơn vị chủ rừng, UBND cấp xã, lực lượng kiểm lâm, công an tập trung các biện pháp, kiểm tra thường xuyên, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp “ken” cây, phá rừng, lấn chiếm đất rừng để sản xuất nông nghiệp, san ủi, sang nhượng đất lâm nghiệp trái phép. Coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách phải tập trung nguồn lực để ngăn chặn, xử lý dứt điểm ngay từ khi mới phát sinh.

Yêu cầu lãnh đạo các huyện, thành phố chỉ đạo đơn vị chủ rừng rà soát toàn bộ hiện trường các vụ bị “ken” cây, phá rừng trước đây, để tổ chức hoàn thành việc giải tỏa cây trồng, công trình trái phép, thu hồi và đưa diện tích này vào trồng rừng, khôi phục rừng ngay trong mùa mưa năm 2019.

Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giám sát chặt việc quản lý, sử dụng diện tích đất do phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép tại các đơn vị chủ rừng; yêu cầu các Hạt Kiểm lâm huyện, thành phố xác minh, làm rõ các vụ “ken” cây, phá rừng, lập họa đồ vị trí diện tích rừng bị phá để giám sát, kiểm tra, xử lý; kịp thời chỉ đạo kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm đối với người đứng đầu lực lượng kiểm lâm trong việc để xảy ra tình trạng “ken” cây, phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trên địa bàn. Công an tỉnh xử lý dứt điểm các vụ việc vi phạm về QLBVR có dấu hiệu hình sự, hoặc đã khởi tố vụ án hình sự trước đây để đưa ra xét xử, nhằm tăng tính giáo dục, răn đe, phòng ngừa.

Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đoàn Văn Việt quyết liệt: “Sẽ xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu địa phương, đơn vị và tổ chức, cá nhân liên quan khi để xảy ra tình trạng “ken” cây, phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp nhưng không kịp thời kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn, xử lý; không thực hiện việc giải tỏa, thu hồi diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm để trồng lại rừng, phục hồi rừng”.

Kỳ vọng, “thông điệp” mạnh mẽ trên của Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng sẽ “dệt” thêm những mảng xanh giữa đại ngàn Nam Tây Nguyên!

BẢO VĂN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/khoahoc-congnghe/vi-moi-truong-xanh/item/40429302-tinh-trang-%E2%80%9Cha-doc%E2%80%9D-cay-rung-dien-bien-phuc-tap.html