Tình trạng lãng phí vẫn ở mức cao

(CAO) Ngày 27 - 5, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2009; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2010 trong những tháng đầu năm. Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, lãng phí, thất thoát tài nguyên, tài sản công đang ở mức báo động.

Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, chủ trương cho giáo viên được hưởng phụ cấp thâm niên được đưa vào Nghị quyết của Quốc hội đã 2 năm nhưng vẫn chưa được thực hiện... Cùng đó, đào tạo nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; cán bộ ở vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn chưa được đào tạo còn nhiều; đào tạo nghề cho những vùng phải di dân tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng chưa được quan tâm giải quyết thỏa đáng. Vấn đề di dân quy mô lớn để thực hiện các dự án cũng tạo ra nguy cơ tiềm ẩn gây mất ổn định chính trị nếu như chính sách chưa thực sự thỏa đáng, đáp ứng được yêu cầu chính đáng của người dân. Đại biểu Nguyễn Lân Dũng phát biểu tại hội trường Đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến (đoàn Quảng Trị) nhận định, hoạt động khai thác tài nguyên, khoáng sản đang bộc lộ nhiều bất cập từ khâu cấp phép đến quản lý, khai thác, sử dụng. Trước hết là dễ dãi, tràn lan trong việc cấp phép. Từ 427 doanh nghiệp năm 2000 đã lên tới 1.500 doanh nghiệp hiện nay, tăng gấp 3,5 lần. Đó là chưa kể hàng nghìn băng nhóm khai thác tự do, không giấy phép mà các cơ quan quản lý dường như bất lực, bó tay. Hậu quả là nguồn tài nguyên thiên nhiên quý hiếm như vàng, đá quý, titan, đồng, thiếc, than, sa khoáng... thất thoát, lãng phí, cạn kiệt, môi trường bị tàn phá, kéo theo những hệ lụy về mặt xã hội như tội phạm và tệ nạn xã hội hoành hành, băng hoại về đạo đức, mất an ninh, an toàn xã hội. Đại biểu Lê Như Tiến cho rằng, “top” gây lãng phí thất lớn có lẽ là lĩnh vực đất đai, theo báo cáo mới nhất của Bộ Tài nguyên và Môi trường chúng tôi có được trong tay, có 3.311 tổ chức sử dụng đất không đúng mục đích, để hoang hóa, lãng phí với diện tích 25.587,82 ha. Sau 1 năm với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, của Bộ Tài nguyên và Môi trường và của các địa phương cũng chỉ thu hồi được 4.731 ha, bằng 1/5 diện tích đất lãng phí thất thoát vi phạm pháp luật. “Đến cuối năm 2009, trên cả nước có 1.763 trường hợp quy hoạch treo và dự án treo với tổng diện tích là 110.447 ha. Sau 1 năm xử lý vẫn còn trên 20.000 ha đất dự án treo với 1.000 khu "đất vàng, đất ngọc" hiện còn đang treo lơ lửng như thách thức các cơ quan quản lý, kéo theo hàng trăm nghìn tỷ đồng giá trị đất đang bị chôn vùi trong đất” – đại biểu Lê Như Tiến nhấn mạnh. Nhiều đại biểu cũng cho rằng, lãng phí còn thể hiện trong quản lý và điều tiết điện năng. Trong khi chúng ta đầu tư nhiều nghìn tỷ đồng cho một nhà máy nhiệt điện hoặc một nhà máy thủy điện, mỗi nhà máy cũng chỉ góp phần vào lưới điện quốc gia từ 2 đến 3% tổng điện năng của cả nước. Sau thất thoát lãng phí điện năng từ đường dây, trạm điện đến các hộ tiêu thụ, con số công bố mới nhất khoảng từ 11 - 15% tổng lượng điện cả nước. “Thiếu điện thì cắt điện, đó là cách giải thích rất hồn nhiên của ngành điện mà chưa hình dung được tác hại nặng nề của việc cắt điện đối với tăng trưởng kinh tế phát triển xã hội và đời sống nhân dân” – đại biểu Tiến chua sót. Đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, có một dạng lãng phí vừa hữu hình vừa vô hình, đó là hàng năm cả nước ta có 7.966 lễ hội từ quy mô làng xã đến quy mô quốc gia. Trung bình mỗi ngày diễn ra hơn 20 lễ hội. Cả nước có hàng nghìn hội nghị, hội thảo, tọa đàm giao lưu gặp mặt, lễ động thổ, lễ khởi công, lễ khánh thành, lễ kỷ niệm truyền thống, lễ đón nhận các loại danh hiệu.

Nguồn CA TP.HCM: http://www.congan.com.vn/?catid=681&id=84835&mod=detnews&p=