Tình trạng trẻ em được tiêm vắc-xin thiết yếu bị giảm đáng báo động do dịch Covid-19

Do đại dịch Covid-19, có ít nhất 30 chiến dịch tiêm vắc-xin sởi đã không được thực hiện hoặc có nguy cơ bị hủy, điều này có thể dẫn đến sự bùng phát bệnh sởi vào năm 2020 và những năm sau đó. Tình trạng trẻ em được tiêm các vắc-xin thiết yếu trên toàn thế giới đã giảm xuống một cách đáng báo động.

Đây là cảnh báo được đưa ra bởi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) trước tình trạng tỉ lệ tiêm chủng đã dừng ở mức 85% trong gần một thập kỷ, với 14 triệu trẻ sơ sinh không được tiêm chủng hàng năm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Số trẻ em được tiêm các vắc-xin thiết yếu trên toàn thế giới đã giảm xuống một cách đáng báo động.

Nguyên nhân do sự gián đoạn trong vận chuyển và dịch vụ tiêm chủng gây ra bởi đại dịch Covid-19; người dân không muốn ra khỏi nhà; giao thông bị đình trệ; hoặc do sợ nguy cơ tiếp xúc với những người bị Covid-19. Nhiều nhân viên y tế cũng không thể tiếp tục công việc do bị hạn chế đi lại hoặc do được điều chuyển công tác để ứng phó với Covid-19, hoặc do thiếu các trang thiết bị bảo hộ.

Những số liệu ước tính cập nhật nhất về bao phủ vắc-xin của WHO và UNICEF trong năm 2019 cho thấy những cải thiện trong tiêm chủng như mở rộng việc tiêm vắc-xin HPV trên 106 quốc gia và những nỗ lực bảo vệ được nhiều trẻ em hơn khỏi các bệnh tật đang có nguy cơ bị giảm xuống. Ví dụ, các số liệu sơ bộ trong 4 tháng đầu năm 2020 cho thấy số trẻ em hoàn thành tiêm chủng 3 mũi vắc-xin bạch hầu, uốn ván và ho gà (DTP3) đã giảm mạnh. Đây là lần đầu tiên trong 28 năm qua tỷ lệ tiêm chủng DTP3, là chỉ số theo dõi về tiêm chủng tại từng quốc gia cũng như trên toàn thế giới, đã giảm xuống.

Không được tiêm vắc-xin thì nguy cơ số trẻ em tử vong do bệnh tật khác nhiều hơn cả do Covid-19. Ảnh: UNICEF

Không được tiêm vắc-xin thì nguy cơ số trẻ em tử vong do bệnh tật khác nhiều hơn cả do Covid-19. Ảnh: UNICEF

Có ít nhất 30 chiến dịch tiêm vắc-xin sởi đã không được thực hiện hoặc có nguy cơ bị hủy, điều này có thể dẫn đến sự bùng phát bệnh sởi vào năm 2020 và những năm sau đó. Theo một cuộc khảo sát nhanh mới do do UNICEF, WHO và Gavi thực hiện với sự hợp tác của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ, Viện Vắc-xin Sabin và trường ĐH Y tế công cộng Johns Hopkins Bloomberg, thì 3/4 trong số 82 quốc gia tham gia khảo sát báo cáo rằng các quốc gia này có những gián đoạn trong chương trình tiêm chủng do Covid-19 gây ra tính đến tháng 5-2020.

Một cuộc thăm dò ý kiến nhanh được thực hiện trước đó vào tháng 4 cũng nhận được sự tham gia của 801 người từ 107 quốc gia, cho thấy sự gián đoạn của chương trinh tiêm chủng thường xuyên đã ở diện rộng và ảnh hưởng đến tất cả các khu vực. 64% quốc gia đại diện trong cuộc thăm dò ý kiến này cho thấy tiêm chủng thường xuyên bị gián đoạn hoặc thâm chị bị ngừng hẳn.

Bà Henrietta Fore, GĐ điều hành UNICEF cho biết, Covid-19 đã tạo nên nhưng thử thách khắc nghiệt cho chương trình tiêm chủng thường xuyên. Chúng ta phải ngăn chặn tình trạng tỷ lệ tiêm chủng bị giảm hơn nữa và nhanh chóng tiếp tục thực hiện chương trinh tiêm chủng trước khi cuộc sống của trẻ em bị bệnh tật đe dọa. Chúng ta không thể đánh đổi khủng hoảng y tế này bằng một cuộc khủng hoảng y tế khác.

TS.Tedros Adhanom Ghebreyesus, TGĐ WHO nhấn mạnh, vắc-xin là một trong những công cụ mạnh mẽ nhất trong lịch sử y tế công cộng, và hiện nay có nhiều trẻ em được tiêm chủng hơn bao giờ hết. Nhưng đại dịch đã làm cho những tiến bộ này đứng trước nguy cơ những bệnh tật và tử vong ở trẻ em do không được tiêm vắc-xin thường xuyên còn nhiều hơn do Covid-19.

“Điều này không đáng phải xảy ra. Vắc-xin có thể được vận chuyển một cách an toàn ngay cả trong thời gian dịch bệnh và chúng tôi kêu gọi các quốc gia hãy đảm bảo tiếp tục chương trình tiêm chủng thiết yếu”-TS. Tedros Adhanom Ghebreyesus nói.

Thịnh An

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/tinh-trang-tre-em-duoc-tiem-vac-xin-thiet-yeu-bi-giam-dang-bao-dong-do-dich-covid-19-202274.html