Tình trạng xả thải ra sông Mã tại huyện Quan Hóa và trách nhiệm người trong cuộc

Sự cố cá chết hàng loạt trên sông Mã vừa qua được xem là hồi chuông báo động về tình trạng xả thải trái phép gây ô nhiễm của nhiều cơ sở chế biến lâm sản trên địa bàn huyện Quan Hóa. Kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm là giải pháp mà địa phương này đã và đang thực hiện nhằm chấm dứt tình trạng trên.

Cơ quan chức năng của huyện Quan Hóa phát hiện đường ống ngầm xả thải ra sông Mã của HTX Hợp Phát (xã Phú Nghiêm).

Liên tiếp trong tháng 3 và 4-2021, từ việc cá lồng nuôi trên sông Mã của người dân ở một số huyện miền núi Thanh Hóa chết hàng loạt, cơ quan chức năng của các ngành tài nguyên và môi trường, nông nghiệp và phát triển nông thôn và các địa phương có liên quan (Cẩm Thủy, Bá Thước và Quan Hóa) đã cùng vào cuộc điều tra, làm rõ nguyên nhân dẫn đến sự cố nói trên. Nguyên nhân đã được xác định rõ là do nguồn nước trên sông Mã bị ô nhiễm do nước thải, chất thải được xả ra trái phép từ các cơ sở sản xuất giấy, bột giấy, chế biến lâm sản. Ngay sau khi xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt, huyện Quan Hóa đã thành lập các đoàn công tác, khẩn trương rà soát, kiểm tra toàn diện công tác bảo đảm môi trường đối với tất cả các cơ sở chế biến lâm sản trên địa bàn, đặc biệt là các cơ sở nằm trên lưu vực sông Mã. Qua công tác kiểm tra thực tế, phần lớn các cơ sở có các hạng mục công trình đã được xây dựng từ những năm 2002 trở lại đây, một phần do chuyển đổi hình thức sản xuất với máy móc, công nghệ lạc hậu; việc sử dụng các loại hóa chất, phụ phẩm đều theo kinh nghiệm, chưa thực hiện đúng theo định lượng báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt; phần lớn các công trình bảo vệ môi trường chưa được đầu tư xây dựng đúng quy định, dẫn đến chưa đáp ứng được các quy định về bảo vệ môi trường, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường, đặc biệt là môi trường nước.

Theo kết quả kiểm tra, huyện Quan Hóa đã phát hiện 9 cơ sở đã vi phạm các quy định của pháp luật về xả thải nói riêng và bảo đảm môi trường nói chung. Trong đó, cả 9/9 cơ sở không có kho lưu trữ chất thải nguy hại, đổ chất thải rắn không đúng nơi quy định. Nghiêm trọng hơn, cơ quan chức năng đã phát hiện, bắt quả tang 6 cơ sở lắp đặt đường ống xả thải trái phép ra sông Mã, đó là: HTX Xuân Dương (bản Khằm, xã Hồi Xuân); HTX Hợp Phát (bản Cổi Khiêu, xã Phú Nghiêm); Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Hạnh Nguyễn; HTX Hà Long; HTX chế biến lâm sản Quan Hóa và HTX chế biến lâm sản Sông Mã cơ sở 2 (bản Chăm, xã Phú Nghiêm)... Đa phần các ống ngầm xả thải được thiết kế lắp sâu xuống lòng đất để ngụy trang tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng. Bằng những thủ đoạn tinh vi như vậy, rất khó có thể xác định được các cơ sở này đã xả trộm chất thải từ bao giờ và bao nhiêu lượng chất thải bẩn đã bị xả ra môi trường hàng ngày. Bên cạnh đó, hầu hết các cơ sở này còn không thực hiện đầy đủ các quy định về môi trường ở các hạng mục công trình như: nhà xưởng, khu xử lý nước thải; bể chứa, ngâm, ủ chất thải, nước thải; nhà vận hành xử lý nước thải; nhà chứa nguyên liệu...

Sự vô trách nhiệm, coi thường pháp luật của các cơ sở này đã trực tiếp khiến nguồn nước sông Mã bị “đầu độc”, ô nhiễm nghiêm trọng ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và sản xuất của người dân trên địa bàn huyện Quan Hóa nói riêng và các huyện có sông Mã chảy qua. Tình trạng này còn cho thấy một “lỗ hổng” lớn, sự hạn chế trong công tác quản lý, giám sát, kiểm tra của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương. Điều này đã được thể hiện rõ qua kết quả kiểm tra tại 9 cơ sở nói trên. Các doanh nghiệp này đã vi phạm các quy định về môi trường, từ lâu ngang nhiên xả thải ra sông Mã nhưng vẫn hoạt động, sản xuất bình thường như không có vấn đề gì xảy ra. Chỉ khi xảy ra hiện tượng cá chết, cơ quan chức năng vào cuộc điều tra mới “phơi bày” thực trạng đáng báo động nói trên.

Theo Báo cáo số 357/BC-UBND ngày 30-8 của UBND huyện Quan Hóa, các cơ sở bên cạnh việc phải nộp phạt theo quy định, còn phải khẩn trương khắc phục hậu quả, trong đó buộc phải tháo dỡ đường ống xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường, ra sông Mã; các kho chứa chất thải nguy hại, kho hóa chất và kho vật tư không đúng quy định, thiết kế; các bể ngâm, ủ có nguy cơ gây ô nhiễm cao. Ngoài ra, các doanh nghiệp đều phải cam kết thu gom chất thải rắn đúng nơi quy định, ký hợp đồng với đơn vị có giấy phép xử lý chất thải nguy hại phù hợp trước khi chuyển giao chất thải để xử lý theo quy định... Đến đầu tháng 9-2021, các cơ sở đã và đang khẩn trương thực hiện công tác khắc phục theo đúng quy định và thời hạn để sớm đưa hoạt động sản xuất trở lại.

Từ tháng 4 đến nay, UBND huyện đã giao các phòng, ban, ngành chức năng và UBND các xã, thị trấn liên quan đôn đốc, kiểm tra, giám sát và theo dõi tiến độ thực hiện của các cơ sở vi phạm. Đây cũng được xem là nhiệm vụ quan trọng của huyện Quan Hóa trong những tháng cuối năm 2021. Các cơ sở không bảo đảm các quy định về xả thải cũng như về môi trường sẽ không được hoạt động. Nếu phát hiện cơ sở nào tái phạm, tùy theo mức độ sẽ có biện pháp xử lý nghiêm minh theo pháp luật, kiên quyết không để cơ sở, doanh nghiệp nào được hoạt động khi chưa thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về môi trường. Ngoài ra, huyện cũng xem xét, đánh giá cụ thể đối với các cơ sở chưa hoàn thiện công trình bảo vệ môi trường, cũng như các hạng mục khác, để các cơ sở chủ động định hướng đầu tư xây dựng hoặc chuyển đổi loại hình sản xuất phù hợp và hiệu quả hơn.

Bài và ảnh: Mạnh Cường

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/moi-truong/tinh-trang-xa-thai-ra-song-ma-tai-huyen-quan-hoa-va-trach-nhiem-nguoi-trong-cuoc/144455.htm