Tình Tứ Xã

Tám năm, cho một hò hẹn được hiện thành, đến lần đầu và cũng là trở lại. Trong sự eo hẹp quỹ sống đời người, mỗi kỷ niệm quý báu được chủ động thiết kế và đón nhận, sẽ thành ký ức đẹp đẽ trong tâm tưởng. Tứ Xã - Lâm Thao đã vào tôi, một áng trữ tình trung du như mơ.

Đi tìm cuốn lịch của người Việt cổ1

Năm 2010, tôi mới được ngắm ngã ba sông. Theo triền đê mướt cỏ trong ánh sáng tháng tư, tôi đã "bay trên sông Thao" bằng sự dịu dàng, mơ mộng, quyến luyến của người và cảnh trong lần đầu tương ngộ.

Bay trên sông Thao, vang vọng theo sóng nước thơ ca lịch sử từng triều đại, vừa mơ bốn phương tám hướng tưới dọc đan ngang bốn chiều không gian, vừa tỏa hương thời gian vào gió chan hòa tóc người, tóc cỏ. Ở đất này, mỗi thân cây, tấc đất đều như chứa một câu chuyện quá khứ với độ lùi niên đại theo sức nghĩ, am hiểu của mỗi người.

Giàu to về vật chất thì chưa, nhưng chắc chắn Lâm Thao giàu văn hóa, lịch sử. Những di chỉ khảo cổ đã chứng minh nơi đây là một cái nôi của người Việt Cổ.

Nổi trội nhất ở đất Lâm Thao là Tứ Xã. Nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn, hơn nửa thế kỷ cầm bút, tuổi 81 vẫn đầy hào hứng viết về nông thôn, về quê hương, niềm tự hào, vốn sống, bề dày am hiểu của ông đang chạy đua trước tốc độ nghiệt ngã của thời gian.

8 năm trở lại đất Lâm Thao lại đánh dấu lần đầu tôi đến với Tứ Xã. Cả gia đình tôi trong ôtô xanh lá - taxi Mai Linh - theo sau ôtô của nhà thơ Nguyễn Đình Phúc chở trưởng đoàn Nguyễn Hữu Nhàn (Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Việt Nam tỉnh Phú Thọ), hai nhà thơ Kim Dũng (Chi hội phó, 80 tuổi), Nguyễn Hưng Hải (59 tuổi, sở hữu nhiều giải thơ nhất miền Bắc).

15km từ trung tâm Việt Trì về giữa làng Tứ Xã, đường mịn như cỏ hai bờ, cảm giác người cầm vô lăng lượn theo đường hai bờ xanh mướt tựa hồ trôi dần vào miền xanh rất thơ.

Ngày cuối cùng của tháng tư vẫn còn vương víu mùa xuân mà tặng cho tôi, người sinh tháng tư lắm nỗi ngạc nhiên. Về đất thiêng của xứ trung du, thấy đang được phép màu xoay lại thời gian. Tỉnh lộ láng mịn về đến xã lộ chẳng phân biệt được, vì đẹp như nhau.

Đường 5,8km về Tứ Xã do Tiến sĩ Nguyễn Văn Niên đầu tư.

Một người con của làng thành đạt khi rời xa làng, đã về đầu tư đoạn đường 32C này, để cho dân Tứ Xã sống tại đây được đi lại nhanh êm, để người Tứ Xã ở khắp nơi thuận bước trở về, và ai ghé qua dù lý do gì, cũng muốn quay trở lại.

Đấy không chỉ là con đường mở rộng địa giới, đền bù giải tỏa qua nhiều vất vả, chướng ngại; mà là con đường của tấm lòng trong trẻo yêu thương. Cánh chim Lạc vỗ qua mặt thạp, trống đồng, qua thời kỳ đồ đá, đồ đồng tới thời công nghệ 4.0 vẫn còn xoải vùng di chỉ Gò Mun Tứ Xã.

Hội đền Trò Trám với trò diễn "Linh tinh tình phộc" nức tiếng vẫn là dịp quần tụ trai gái khắp nơi, khách thăm quan, các nhà nghiên cứu về trầm tích đắc địa này.

Khi Giáo sư Phạm Huy Thông (1916 - 1988) đưa sinh viên Khoa Lịch sử của Đại học Tổng hợp Hà Nội về điền dã ở Tứ Xã (huyện Lâm Thao), ông đã từng ngợi ca: “Mỗi hạt bụi ở làng này cũng có thể viết được một tiểu luận khoa học”.

Giáo sư, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ Hoàng Văn Hành đứng trước dân làng Tứ Xã với khẩu ngữ rất riêng đặc trưng cho một đảo ngôn ngữ.

Ông ví Tứ Xã giống quê hương của Tần Thủy Hoàng cậy thần cậy thế mà bảo thủ giữ riêng một giọng nói, một lối sống cổ lỗ của mình. Vốn là xã giàu mạnh đông dân nhất tỉnh mà xưa nay người Tứ Xã vẫn giữ riêng giọng nói.

Tứ Xã chia khu, cách phân theo đội sản xuất nông nghiệp từ xưa. Từ đầu thế kỷ 20, dân đã gọi đây là Ngũ Xã, một làng lớn có 5 xã. Xã cuối cùng vừa lập thì cách mạng nổi lên, nên đành theo Thổ bộ cũ của triều đình mà gọi Tứ Xã. "Cậy mình" hợp bởi "4 xã" hay nơi này là tứ chốn tụ hùng mà những người trai đất này đều cá tính mạnh mẽ.

Tôi không biết trước mình sẽ được gặp những con người đặc biệt đến thế, chỉ được nhà văn Hữu Nhàn hé lộ: "Sẽ đưa đến một gia đình có cống hiến lớn cho xã nhà, ở hàng nhất tỉnh".

Nhà bề thế ở khu 22 không khác biệt thự, sơn vàng, phía trước có vườn, ao bên trái là nhà ngói dựng theo kiểu cổ. Bước qua bậc cửa, sập gụ kê trước bàn thờ ba bát hương cong tàn, một cụ bà mặc áo tím sẫm ngồi bên bàn nước mắt hướng ra sân, đon đả đáp lại lời hỏi thăm của khách.

Các con cháu mới tổ chức khao thọ 250 mâm cỗ cho cụ Hoàng Thị Đức tuổi 100 (sinh 26/12 năm Mậu Ngọ, tức 2/2/1919). "Bủ sinh được mấy người con?" - ông Nhàn hỏi. Bủ đáp ngay: "Sáu. Có sáu ông".

Cụ ông Nguyễn Văn Thấu đã khuất 25 năm, cụ bà Đức ở cùng con cháu. Ngôi nhà gốc này, cụ ở cùng con trai trưởng, chốn quây quần của đàn con phương trưởng, cháu chắt chút họ hàng sum suê.

Bốn người con của cụ định cư Hà Nội, họ thường xuyên trở về đóng góp cho quê nhà, từ việc lớn đến việc nhỏ, luôn đủ đầy, nhất là kính lão. Các bậc cao niên trong xóm xã đều được quan tâm, tặng quà.

Một người đàn ông da trắng đỏ lên vì nắng trưa hay vì những năm bôn ba sương gió, bước vào, khẽ khàng bên Bủ. Giọng của anh nhẹ hơn người Tứ Xã tại quê, tác phong nhanh nhẹn và nói năng hiểu biết.

Thì ra anh là con trai thứ tư của Bủ Đức, sinh năm 1955, trẻ hơn tuổi 63 khá nhiều. Anh say sưa nói về di chỉ Gò Mun, về văn hóa dân gian quê mình và đọc thơ. Thơ lục bát diễn tả hành trình khẩn hoang, xây nền móng nước nhà, gây dựng cơ đồ của người Việt cổ đất này. Thơ chặt ý, tả thực mà lại hàm súc, thiết tha, khiến tôi chú ý nghe, dù "tạng" không phải tín đồ lục bát...

Anh hồn hậu: "Quê tôi nhiều người nói ngọng, gần hết tiểu học tôi mới biết mình là Niên, không phải Liên".

Niên là năm tháng. Năm tháng thử thách người lính mặt trận Tây Nguyên từ thời chống Mỹ, vào Gia Lai năm 1973, tới thời bình trên mặt trận kinh tế.

Vượt qua bom đạn sống chết của chiến tranh, anh tiếp tục đứng vững "thương trường là chiến trường" cạnh tranh khốc liệt, không phải bằng vận may gặp thời hay thủ thuật làm ăn thương vụ, mà bằng tư duy của một trí thức, xây dựng doanh nghiệp, triết lý sống - kinh doanh bằng văn hóa doanh nhân của một tiến sĩ đích thực.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Niên từng du học Nga, đồng môn của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện... Đại gia đình cụ Đức có 6 con trai thì 4 người đi bộ đội. Người con trưởng Nguyễn Văn Hậu (1944) nhập ngũ năm 1963, khởi đầu là bộ đội tên lửa, chiến đấu năm 1979 tại Campuchia xong mới xuất ngũ.

Cả thời tuổi trẻ phục vụ quân đội, ông Hậu tuổi 74 vẫn nếp giản dị, khiêm nhường, ở cùng mẹ già, là hậu phương vững chắc của các em. Ông tự nhận mình chỉ "làm nền cho các chú" ấy.

Em út của ông, là Phó tổng Thanh tra Nhà nước, vợ là Phó chánh án Tòa án nhân dân Tối cao. Người em kế út, Nguyễn Văn Xuân, cùng vợ, mở nhà hàng chay Phổ Đà mà khi tôi đến 191 Tô Hiệu, Hà Nội, bị "lạc" vào không gian tịnh yên miền Phật.

Anh cả và em thứ tư đều giống nhau khi chia sẻ: "Chúng tôi từ chối các phóng viên viết về mình khi công trình đang xây, kẻo lại mang tiếng làm một tí cho quê mà đã kể".

Một tí ấy, là vài trăm tỉ đồng đầu tư xây chuỗi hạng mục phi lợi nhuận, một hiện thực tôi chưa gặp ở đâu. Nhiều thương gia, doanh nhân, người giàu về quê xây nhà, từ thiện, làm cầu, đường, trường học; xây nhà máy, lập công ty trên đất ruộng, giải quyết việc làm cho lao động địa phương.

Nhưng cách của Tiến sĩ Nguyễn Văn Niên riêng biệt, độc đáo và khiến tôi ngỡ ngàng, xúc động. Bởi lâu nay, nhiều công trình từ thiện, từ cái ghế đá đến lư hương cúng tiến cho chùa đều khắc tên gắn biển người tặng - một cách lưu danh, hoặc đầu tư doanh nghiệp, cũng đều nhằm sinh lợi, thu hồi vốn.

Song các công trình lớn ở Tứ Xã như tấm lòng rộng mở của một tâm hồn tình tự làng quê bằng chiều sâu ân nghĩa, bề dày văn hóa, chỉ để hiến dâng.

Chợ Tứ Xã đang xây.

Để được cống hiến vô điều kiện, cũng vấp phải không ít khó khăn, cản trở. Khát vọng lớn của trái tim siêu thường khiến Nguyễn Văn Niên bền bỉ tình yêu mà "lễ vật" là những công trình cần cho đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân Tứ Xã.

Anh đi khắp Việt Nam và thế giới, muốn thanh niên làng mình tiếp cận văn minh từ nơi tổ chức tiệc cưới, sự kiện. Không phải dựng rạp, đun nấu vất vả trong vườn.

Họ có quyền rạng rỡ ở trung tâm tiệc sang, đẹp. Trẻ con sẽ không phải đá bóng ở đường làng, bãi sông, sẽ có sân vận động với cỏ nhựa (đã trải, 10 năm thay một lần). Chợ làng không mỏi gối bà con mua bán như nghìn năm nay, mà có khu chợ hai tầng khang trang, thuận tiện. Các chùa, đền của xã được tôn tạo, trùng tu.

Đến chùa Vân sửa mất 9 tỉ, có anh Niên góp phần lớn, chúng tôi đứng dưới cây xoài trĩu quả, mùi hoa đại hòa hương trầm. Đền Trò Trám "Linh tinh tình phộc" xưa kia rợp cây trò, cây trám, sau này mất hết, khuôn viên hẹp, lại đang được mở rộng, lấy lại mặt bằng, trồng lại cây trò, hàng rào xây mới, đang nạo vét hố để làm đài phun nước.

Đường vào xã 5,8km bề ngang gần 10m, do mình Tiến sĩ Niên đầu tư, tiếp đến sẽ làm đường liên thôn. Ngay đầu làng, đền Xa Lộc uy nghi cổng, hồ nước, tường bao tôn nghiêm, nhờ anh Niên công đức. Đứng trước lư hương khấn Thành hoàng làng, tựa hồ trong khói hương màu nhiệm, huyền tích và lịch sử quyện hòa dưới mái đền rêu phong và cây si cổ thụ.

Trồng cây, tạo nhiều công trình thiết yếu, quan trọng với cuộc sống bằng tâm huyết chăm lo cả vật chất lẫn tâm linh văn hóa, người cựu chiến binh Nguyễn Văn Niên hành động chỉ từ mong mỏi: "Để những người con Tứ Xã trở về an cư lạc nghiệp quây quần. Tôi rất hạnh phúc khi về quê xóm làng trù mật, đông vui, không gì hạnh phúc hơn. Tôi không muốn làng toàn người già, trẻ con, thanh niên phiêu bạt khắp nơi làm thuê. Đây là động lực thúc giục hành động. Tất cả những gì tôi dốc lòng cho quê, để họ trở về, để cho các thế hệ sau này".

Các công trình lớn khởi công từ tháng 8 năm ngoái, dự kiến hoàn tất cuối năm nay. Nhanh thôi, qua hai mùa nữa, là có một Tứ Xã lộng lẫy và hùng mạnh khi mọi bề được vun chăm, bảo tồn tận lực, với sự đồng lòng của bà con. Một nông thôn mới, rất mới, kiểu mẫu ước mơ và độc đáo có một không hai.

Giáo sư Phạm Huy Thông nếu còn sống, hay một phép màu đưa linh hồn ông trở lại nơi này, sẽ thấy lúc này Tứ Xã vô vàn hạt bụi của đại công trường, vô vàn "tiểu luận khoa học" bay trong không gian, thời gian đồng hiện nhiều thế kỷ từ những công trình trên nền di chỉ trầm thiêng. Đó là những hạt bụi của sức sống phồn thực dân gian, của mơ ước chân thành và cao cả.

Lửa ánh sáng nhịp đời ắp tình Tứ Xã.

Vi Thùy Linh

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/nhan-dam/21githang___-tinh-tu-xa-491157/