Tình yêu còn lại

Như một chớp mắt. 10 năm đã không còn Trần Hòa Bình nữa trên cõi đời này. Nhưng những câu thơ của anh vẫn sống cùng mọi người. Và tình yêu của anh dành cho cuộc đời này vẫn còn lại mãi. Cũng như tình yêu của mọi người đối với anh. Nhớ Trần Hòa Bình, tôi muốn cùng chia sẻ với mọi người một phần những ghi chép từ các cuộc trò chuyện với anh.

1. Những người chết trẻ bao giờ cũng khiến chúng ta thương tiếc một cách đặc biệt. Khi Trần Hòa Bình rời bỏ cõi trần, vì một tai nạn thật là không phải lẽ, ngày 16/8/2008, anh mới ở tuổi 52. Tôi tới giờ vẫn nhớ nỗi đau và khung cảnh trong đám tang anh trên phố Phủ Doãn chật chội và đông đúc. Ngoài những thân thích và bầu bạn quen thuộc, trong đám tang ấy có khá nhiều những thiếu phụ lạ mặt (ít ra là đối với tôi) và xinh đẹp vận đồ đen… Thi sĩ lúc nào cũng được nhiều mỹ nhân ngưỡng mộ!

Tôi ít hơn Trần Hòa Bình 6 tuổi nhưng trong suốt thời gian chúng tôi giao du với nhau, anh luôn coi tôi như cùng thế hệ, không xưng anh bao giờ mà chỉ ông ông tôi tôi… Tôi rất tôn trọng anh nhưng cũng không xưng em với anh bao giờ, vì luôn nghĩ theo cách cổ, “cùng một lứa bên giời”… Dễ đến cả chục năm, tôi rất hay tham gia các cuộc tụ bạ mà anh là chủ xướng, cùng những người học trò thân tín của anh, cùng những mỹ nhân rất tuyệt vời hâm mộ anh. Khi chén rượu, lúc cuộc trà, chúng tôi đã có nhiều lần tâm sự với nhau, có khi chỉ vu vơ thôi, nhưng toàn về những điều rất khó nói với những ai khác. Chúng tôi đã đặt ra không ít những dự định công việc cho tương lai. Khi Trần Hòa Bình ra đi, tôi đã hiểu rằng, chúng tôi đã vĩnh viễn phải nợ nhau một cuốn sách mà trong đó, như anh đã không chỉ một lần thúc giục, "tôi với ông sẽ cùng nhau trò chuyện về tình yêu và phụ nữ, chắc là sách sẽ bán chạy lắm..."

Nghĩ tới Trần Hòa Bình, đã có lúc tôi chợt nhớ, có một nhà thơ Brazil tên là Manuel Bandeira (1886-1968) từng viết:

"Tôi vô cùng thương cảm
những khách đa tình
lúc về già không trở nên
tàn nhẫn..."

Trần Hòa Bình và tôi còn chưa già nhưng với những trải nghiệm của mình, chúng tôi có đủ lý do để trở nên tàn nhẫn với ai đó trong những cảnh huống nào đó. Vậy mà mỗi khi nói tới tình yêu và phụ nữ, chúng tôi vẫn luôn háo hức với những tín điều có lẽ là khờ khạo tới mức siêu tưởng của chính mình.

Trò chuyện với tôi, Trần Hòa Bình từng đặt ra luận điểm: Một lời thơ mà có lẽ chúng ta đều biết: "Tình chỉ đẹp khi còn dang dở...". Sau này, người bạn già của tôi nói: tình yêu nếu đã lỡ "động chạm" vào nhau, ít khi còn đẹp nữa, thậm chí trở thành bi kịch. Người con gái - mối tình đầu của anh, khi anh đứng trước mặt là "hồn siêu phách lạc", và chưa một lần nắm tay người ấy, chỉ để chiêm ngưỡng, bởi nếu "phàm phu" thì cái đẹp tan biến đi. Có phải chính vì lẽ đó mà anh mãi mãi giữ được tình cảm vô cùng tốt đẹp với cô bé tên là Thanh mà anh đã phải lòng thời học trò và coi cô là biểu tượng của nữ tính?

Và tôi đã trả lời: Thi sĩ Hồ Dzếnh đã viết về điều này quá hay rồi: "Tình chỉ đẹp khi còn dang dở/ Đời mất vui khi trót vẹn câu thề..." Nói vậy thôi nhưng thực sự không phải lúc nào "con cá mất cũng là con cá to" đâu. Cá nhân tôi vẫn nghĩ rằng, có vẫn hơn không. Nói một cách công bằng, cô bạn học trò đầu tiên mà tôi phải lòng là một hình tượng tập trung mọi điều tốt đẹp mà một cậu bé Hà Nội có thể hình dung được về phụ nữ. Nói thật là cho tới hôm nay, tôi vẫn không rõ trong đời thường, cô bé ấy là người thực sự như thế nào. Tôi chỉ biết là đời tư của nàng cũng không nhàn nhã gì... Và vì vậy, quả thực là tôi rất thương. Và rất tôn trọng, vì ít ra nhờ nàng, tôi mới được có những ký ức hoa niên trong trẻo và thân ái đến như vậy. Tôi vẫn luôn cố gắng sống sao để nếu hôm nay không vui vẻ lắm thì vẫn giữ nguyên được cảm xúc tốt đẹp với những gì tử tế đã có. Nếu hôm nay chúng ta chia tay với nhau thì điều đó hoàn toàn không có nghĩa là chúng ta đã sai lầm khi đến cùng nhau, yêu nhau và mang lại cho nhau hạnh phúc, dẫu chỉ trong một hữu hạn thời gian. Cách đây khoảng một năm, cũng vào mùa hè, tôi đã viết bốn câu thơ như sau:

"Điều tốt thì đã tốt,
Điều vui thì đã vui...
Thất vọng giờ cũng vậy,
Chia tay cho khỏi xui..."

Nguyên tắc của tôi là, không báng bổ quá khứ dù hiện tại có là thế nào đi chăng nữa...".

Trần Hòa Bình lại hỏi: Tôi biết những câu thơ tình rất hay, trong trẻo của anh nữa về cô bé tên là Thanh ấy: "Mẹ nghĩ thế nào mà gọi em là Thanh/ Để tôi cảm, tôi đằm trong âm điệu/ Mọi thứ quanh em đều thành tuyệt diệu/ Trong ánh mắt tôi nhìn và nét bút tôi đưa"?

Không trầm ngâm lắm, nhưng tôi đã đáp: Khi trẻ người ta nghĩ về tình yêu, người yêu như vậy đấy... Ca dao từng có câu: "Yêu nhau củ ấu cũng tròn...". Tình yêu thực sự có sức mạnh kỳ diệu, có thể biến cải mọi thứ thành một cơn mơ bất tận... Nhưng cũng trớ trêu thế này, có những người ta thấy vô cùng gần gụi với ta trong những mộng tưởng của ta, nhưng họ lại hóa ra cực kỳ xa lạ với ta khi tiếp xúc trong đời thực. Đôi khi tôi có cảm giác như mọi tình yêu của tôi đã sinh ra trước hết trong trí tưởng tượng của tôi từ lâu lắm rồi và tôi thường "gán" hình ảnh ý trung nhân tưởng tượng ấy cho những người con gái mà tôi gặp và thấy rằng họ có nét gì hao hao như cơn mơ của tôi... Rốt cuộc là tôi thường hay bị thất vọng hoặc chí ít là cảm thấy ngỡ ngàng... Đáng đời!

Trần Hòa Bình: Bây giờ, anh có tin phần đông bạn trẻ cho rằng, tình yêu của anh là "cổ lỗ sĩ", khi họ nói: Yêu là tận hưởng, là sống gấp, là... Anh nhận xét thế nào?

Hồng Thanh Quang: Tôi nghĩ, thời nào cũng có những người thực dụng trong tình yêu và thời nào cũng có những thi sĩ trong tình yêu, từ "thi sĩ" ở đây không phải hiểu theo nghĩa là có viết thơ đâu, mà theo nhân sinh quan tình yêu. Người có kết cấu tâm hồn thi sĩ bẩm sinh thường tìm thấy trong tình yêu nguồn cảm hứng sáng tạo. Tất nhiên, tôi cũng có biết những nhà thơ là tác giả của những câu thơ mơ mộng được truyền tụng nhưng đồng thời cũng là những kẻ cực kỳ "ngấu nghiến" trong quan hệ nam nữ...

Trần Hòa Bình: Nếu tình yêu nào của anh cũng mãnh liệt, tha thiết như tình đầu, với những ai là "người đến sau", có lẽ họ rất buồn?

Hồng Thanh Quang: Rasul Gamzatov từng viết: "Yêu như lần đầu tiên Viết như lần sau cuối...". Còn khi người ta yêu nhau thực sự, người ta sẽ không thấy có ai ở phía trước và đằng sau cả. Tình yêu là hiện tại, tới tận cùng, không ngoái đầu lại đằng sau cũng không vươn lên nhìn về đằng trước. Tự kiểm điểm lại, sống với ai, tôi cũng hết lòng, như chưa từng có và sẽ không bao giờ có một chuyện gì khác nữa... Vậy có gì mà buồn?..

Trần Hòa Bình: Tình yêu, có gì mà ghê gớm thế, thưa nhà thơ? Người đọc có thể cảm thấy, mỗi mối tình đã qua đều gây cho anh những đau khổ, tan nát, và cố nhiên là cả những giây phút thăng hoa, tuyệt vời nữa. Anh thấy, độc giả nghĩ vậy có đúng không?

Hồng Thanh Quang: Thưa nhà thơ Trần Hòa Bình, dồn mọi ý nghĩa của đời mình vào tình yêu là cách làm của trẻ con. Nhưng nếu không có tình yêu thì mọi hoạt động của chúng ta trở nên vô nghĩa. Tôi là kẻ "mỏng da" nên nhạy cảm với mọi mất mát, mọi bạc bẽo, mọi thất vọng... Hình như trời phú cho tôi xu hướng tư duy mọi điều trong đời sống tình cảm theo một cấp số nhân nào đấy nên tôi thường nhìn thấy mọi chuyện dưới những gam màu chói chang hơn những người khác. Một bậc đàn anh hay khuyên tôi đừng "cả nghĩ", nhưng đó đã là bản chất của tôi rồi...

Trần Hòa Bình: "Cả nghĩ" như thế nào, thưa anh?

Hồng Thanh Quang: Tôi xin trả lời câu hỏi này của thi sĩ Trần Hòa Bình bằng một bài thơ nhé:

"Thương vay khóc mướn mà chi
Một khi em đã xuân thì bán rong
Chữ yêu có cũng bằng không
Hoa ngâu cứ rụng
vào trong bão bùng

Anh nhìn bến cũ rưng rưng
Nhớ đôi môi đã hôn từng ý thơ
Lục bình trôi tím cơn mơ
Trái tim lở cả hai bờ vân vi

Thương vay khóc mướn mà chi
Em đi trăng khuyết
cả khi sắp rằm
Đã mang thân phận con tằm
Ủ bao kén vẫn
căm căm rét lòng...".

2. Trần Hòa Bình nổi tiếng không chỉ là một nhà thơ, tác giả của tuyệt tác “Thêm một”. Anh còn từng là giảng viên khoa báo chí của Học viện Báo chí và Tuyên truyền, một giảng viên vô tiền khoáng hậu. Khi được giao du với anh, tôi đã từng trò chuyện của anh về “sự nghiệp trồng người” của anh.

Hồng Thanh Quang: Anh là người trực tiếp đào tạo nhiều nhà báo trẻ, hiểu họ, gần họ. Theo anh, đâu là điểm khác cơ bản giữa thế hệ nhà báo trẻ hiện nay với các thế hệ đi trước?

Trần Hòa Bình: Khác căn bản là ở chỗ, những nhà báo trẻ hôm nay được đào tạo khá bài bản. Những nhà báo đàn ông phần nhiều sống và làm việc bằng năng khiếu bẩm sinh một cách tự phát... Tất nhiên, mỗi kiểu làm việc đều có cái mạnh của nó. Tự học mà thành nhà báo thì bền vững. Tôi luôn luôn có quan điểm thế này, trên con đường trở thành nhà báo chuyên nghiệp, vai trò của giảng đường chỉ chiếm khoảng 30% ý nghĩa thôi, 70% còn lại trong tố chất, lẩn khuất đâu đó trong người học và nhiệm vụ của người thầy dạy về báo chí là cũng giống như dạy âm nhạc, dạy mỹ thuật: ngoài việc truyền đạt những tri thức mà anh có ra thì quan trọng nhất vẫn là anh phải đánh thức 70% cái đang tiềm ẩn trong sinh viên. Việc dạy 5-6 tiết một ngày không quan trọng bằng việc đánh thức khả năng tiềm ẩn của sinh viên. Thật nhầm lẫn nếu cho rằng sau 4 năm đào tạo có thể “đẩy” ra xã hội một nhà báo theo đúng nghĩa của nó. Bởi lẽ, có bằng cử nhân báo chí đến việc trở thành một nhà báo theo đúng nghĩa của nó là con đường khá xa...

Hồng Thanh Quang: Và với không ít người đó là con đường lắm khi đi hết đời vẫn không tới được?

Trần Hòa Bình: Đúng thế. Tôi vốn thoạt đầu là dân mỹ thuật. Tôi không tin rằng một sinh viên học 4-5 ở trường mỹ thuật ra là có thể ngay lập tức trở thành một họa sĩ. Còn lâu! Còn phải mày mò, tìm kiếm phong cách, ổn định phong cách, còn phải “tu luyện” thực nhiều trong nghề mới may ra trở thành một họa sĩ theo đúng nghĩa của nó... Đối với các sinh viên của mình, tôi chỉ chịu trách nhiệm đến 30% là cùng trong việc họ có trở thành một nhà báo đích thực hay không. Họ phải tự tìm 70% cơ hội còn lại... Tôi rất thích một câu nói của một nhà sư phạm Xôviết, đại ý như thế này, hãy để sinh viên đến lớp bằng cái đầu của họ, chứ không phải bằng đôi chân. Tức là sinh viên tới học là vì bị thu hút bởi trí tuệ của người thày... Với tôi, không quan trọng số lượng sinh viên nghe ta giảng mà quan trọng là những người đang ngồi nghe giảng với tâm thế nào. Tôi thích dạy những sinh viên muốn tìm kiến thức ở tôi chứ không phải chỉ vì để đủ số tiết học. Giảng dạy ở đại học là phải như thế. ở bậc phổ thông thì mình phải “gò” các em vào kỷ luật, nhưng lên đại học rồi, phải đào tạo theo tiêu chí trí tuệ...

Hồng Thanh Quang: Thu hút bằng trí tuệ, tri thức, chứ không phải bằng những thủ tục hành chính. Tôi cũng nghĩ rằng đó mới là cách đi đúng. Nhưng tôi muốn hỏi anh thêm điều này, theo anh, đâu là những yếu kém trong đào tạo báo chí hiện nay?

Trần Hòa Bình: Đó là khoảng cách quá xa đối với giữa lý thuyết và thực tiễn báo chí. Thường là sinh viên khi mới ra trường, kể cả những sinh viên ở chỗ tôi đang dạy, khi tới các tòa soạn là bị vấp ngay lập tức vì thực tế không giống như những điều các thày dạy trên giảng đường. Phải nói thực rằng, những giáo viên vừa am hiểu lý thuyết vừa thông thạo thực tế làm báo hiện nay không nhiều. Thêm vào đó, những lý thuyết mà các thày am hiểu thì lại cũ, thậm chí cũ mèm...

Hồng Thanh Quang: Tại sao các anh không mời những nhà báo đang sung sức, thông thạo “thung thổ” trong đời sống báo chí hiện tại vào tham gia giảng dạy?

Trần Hòa Bình: Vẫn mời đấy chứ nhưng toàn là những “cây đa, cây đề”.

Hồng Thanh Quang: Những người có vẻ như “cây đa, cây đề”...

Trần Hòa Bình (cười): Đấy là tùy theo cách nhìn. Tôi đã nói điều này nhiều rồi, tôi rất kính trọng các nhà báo lão thành, nhưng dù muốn hay không chúng ta cũng phải công nhận rằng, họ không phải là lực lượng chủ đạo trong đời sống báo chí đương thời. Giữa họ với các sinh viên có khoảng cách quá xa về tuổi tác nên cũng không dễ thấu hiểu nhau. Theo tôi, một khi dã mời các nhà báo tên tuổi vào tham dự các tiết học ngoại khóa thì nên mời những nhà báo đang ở giai đoạn sung sức nhất, họ có thể chỉ hơn sinh viên 5-7 tuổi nhưng họ đang là những người hoạt động tích cực trong đời sống báo chí hiện tại. Có người hỏi tôi, nếu chỉ nói bảy chữ về nghề báo thì anh nói gì, tôi đã nói rằng, đó là nghề “không ngày nào là giống ngày nào”!

Hồng Thanh Quang: “Cái bay không đợi cái trôi/ Từ tôi phút trước sang tôi phút này!”- Xuân Diệu đã viết như thế. Đó cũng có thể coi như một định nghĩa về nghề báo.

Trần Hòa Bình: Quá đúng!

Hồng Thanh Quang: Tôi vẫn nghĩ rằng làm báo là một nghề phải đối mặt với rất nhiều biến động và đảo lộn. Có cái hôm qua đúng nhưng hôm nay lại chưa chắc đã đúng nữa. Có cái hôm qua là chuẩn mực nhưng hôm nay lại có thể lại sai trái... Và để nhận biết kịp thời cái gì đã đúng, đang đúng hoặc không còn đúng nữa thì phải cần tới một phương pháp xử lý thông tin cực kỳ tinh nhạy và mềm mại. Anh có cảm giác là việc đào tạo báo chí của chúng ta chưa theo kịp nhịp điệu thực của đời sống không? Báo chí hôm nay phát triển rất lành mạnh dẫu các nhà lý luận của chúng ta chưa kịp tổng kết thành các quy luật...

Trần Hòa Bình: Tôi cũng cho rằng báo chí của chúng ta đang rất phát triển, phát triển từng ngày. Không nhận ra điều này thì thực là thiếu trách nhiệm. Và vì thế, sinh viên khoa báo chí phải học nhiều nhất là ở thực tế làm báo. Lý thuyết rất hay, các quy luật rất hay, cần phải nắm chắc chúng. Nhưng lý thuyết không phải là sự bó buộc chúng ta khi nhập cuộc mà chỉ là những định hướng để chúng ta thay đổi cho thích ứng với thực tế. Đó chính là cái “dĩ bất biến” để chúng ta “ứng vạn biến”. Tôi vẫn nghĩ rằng nếu chỉ 10% sinh viên báo chí ra trường về sau trở thành những nhà báo đích thực thì cũng đã là may lắm rồi. Không có ở đâu mà độ rủi ro cao như trong nghề báo. Đấy là còn chưa kể “đầu vào” của các trung tâm đào tạo báo chí hiện nay không phải đã có chất lượng như cần thiết. Nói thật, tôi biết không ít sinh viên thi vào khoa báo chí chỉ vì không biết thi vào đâu khác nữa...

Hồng Thanh Quang: Cũng có một số người nghĩ rằng làm báo là việc sang trọng, nhẹ nhàng. Thực ra, nếu làm báo theo đúng nghĩa của nó thì đó là công việc cực kỳ nặng nhọc, thậm chí có không ít điều đau tủi...

Trần Hòa Bình: Một số em sinh viên chỉ nhìn thấy hào quang của nghề báo, họ muốn được như chị Diễm Quỳnh hay anh Lại Văn Sâm rờ rỡ trên màn ảnh nhỏ... Như một giấc mộng! Nghĩ thế cũng không có gì sai nhưng cũng cần biết rằng, để được như thế thì phải làm việc, phải cố gắng thế nào... Và phải có năng khiếu bẩm sinh nữa. Tôi nhớ, trước đây, khi tuyển sinh cho khoa báo chí trong những năm 1993-1994 gì đó, ngoài các môn kiến thức chung, thí sinh phải đối thoại với các giảng viên, mỗi thí sinh khoảng 5-7 phút. Thầy có quyền hỏi ngẫu hứng rồi ghi các nhận xét của mình vào một cái phiếu, gọi là “phiếu tế nhị”. Nhờ thế nên khóa đó bọn tôi đã chọn được khá nhiều em giỏi mà sau này khi trở thành nhà báo chuyên nghiệp đã làm việc rất có hiệu quả. Tiếc là bây giờ hình thức tuyển chọn như thế lại bị xóa bỏ... Thậm chí vài năm gần đây việc thi năng khiếu cũng bị xem nhẹ, thậm chí quên lãng...

Hồng Thanh Quang: Tôi biết ở một số nước, những nghệ sĩ lớn có quyền tuyển môn sinh, đào tạo theo bài bản của mình để rồi có những “đệ tử chân truyền”. Việc đào tạo báo chí có lẽ cũng có thể làm như thế. Tôi lấy làm lạ là tại sao ở nước ta lại không cho phép tồn tại hình thức đào tạo đó. Thí dụ, một nhà báo lớn hoàn toàn có thể lựa chọn những sinh viên mà mình cho là có triển vọng và hợp với phong cách làm báo của mình nhất và cho theo học chương trình bậc đại học đặc biệt của riêng mình. Những nhân cách lớn không bao giờ tự phá giá bằng cách làm ù xọe nên ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào sự bảo chứng chất lượng của họ. Theo cá nhân tôi, trong làng báo Việt Nam hiện nay có không dưới chục nhà báo ở tầm cỡ như thế, có không ít người trong số này đang ở độ tuổi làm việc chín chắc và sung sức nhất... Giá họ truyền lại được cho những thế hệ đi sau kinh nghiệm dựng nghiệp và giữ nghiệp làm báo của mình! Nhờ thế, làng báo chúng ta sẽ duy trì được mạch chảy của những phong cách làm báo hay nhất, khác nhau nhưng đều ở đẳng cấp cao, in đậm dấu ấn cá nhân của những tài năng thực sự.

Trần Hòa Bình: Tôi cho rằng, đây là mô hình đào tạo cực kỳ hay. Báo chí hấp dẫn nhờ đa phong cách. Và nếu chúng ta có được những “đệ tử chân truyền” của các nhà báo lớn thì chúng ta sẽ có được một nền báo chí đa phong cách bền lâu. Thế nhưng, việc đào tạo nhà báo của chúng ta hiện nay đang có rất nhiều vấn đề nên có lẽ làm được như thế là điều rất không dễ...

Hồng Thanh Quang (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/tinh-yeu-con-lai-tintuc415311