Tình yêu vụng trộm sưởi ấm trái tim hai mảnh đời tội lỗi sau song sắt

cùng sinh sống trong một thành phố nhưng họ gặp nhau cũng khá 'đặc biệt', đó là khi cả hai đều đang mang án, cùng mang trong người căn bệnh thế kỷ...

Quen nhau từ trại giam ở Nghệ An, trong cái môi trường không có gia đình, không người thân, bạn bè bên cạnh, nỗi cô đơn giày vò, họ đem lòng yêu nhau.

Hình minh họa.

Hình minh họa.

Hai mảnh đời xa lạ

Ngô Giao Long (SN 1983) nhà ở bãi Phúc Tân (Hoàn Kiếm, Hà Nội) còn được biết đến với cái tên Long “ba tai”, cũng bởi từ khi sinh ra, bên tai trái nó có mọc cục thịt thừa lồi lên như cái tai nhỏ. Long “ba tai” là út trong gia đình có 3 chị em, một gia đình có “truyền thống” dính đến ma túy.

Hiện bố cùng hai chị gái của Long đều đang“đóng kho” với những bản án đều dài tới hai chữ số bởi hành vi gieo rắc cái chết trắng. Từ bé, ma túy đối với Long “ba tai” không có gì là xa lạ do tiếp xúc từ nhỏ với ông bố, bà chị gái vừa nghiện vừa buôn bán ma túy.

Chứng kiến cảnh bố hay chị gái ngồi chích hút trước mặt hàng ngày nên với Long đó đã là việc bình thường, đã quá quen thuộc. Thậm chí có lúc bố cắt hàng giao cho khách bận quá, Long còn thay bố trực tiếp đưa hàng cho khách.

Cho đến bây giờ, Long cũng chả nhớ nổi nó chơi ma túy từ khi nào. Bố Long ra tù vào tội như cơm bữa cũng chỉ vì ma túy. Hết bố rồi đến chị cả, chị hai và cả Long “ba tai” cũng chẳng thoát khỏi vòng xoáy của ma túy.

Có những lúc gia đình nó có 5 người thì 4 người ở trong tù, bỏ lại mình mẹ nó ngoài xã hội, ngụp lặn trong dòng đời kiếm tiền để hàng tháng xoay vòng 4 trại thăm nuôi chồng con. Với Long, mẹ là“mùa xuân”, là “gấu mẹ vĩ đại”. Bởi nó cũng chẳng thể tưởng tượng nổi rằng, mẹ nó có thể lo toan, thăm nuôi đủ cho cả gia đình trong tù, thậm chí còn lo được cho nó lắm lúc “hơn người”.

Nằm trong trại, Long làm sao hiểu được nỗi khổ, nỗi vất vả mà mẹ nó đang phải gánh chịu. Cũng chỉ vì tình yêu thương dành cho chồng con, chẳng thể bỏ được mà hàng ngày tất tả quang gánh mưu sinh giữa phố phường tấp nập. Nhờ cái gánh hoa quả nhập từ chợ đầu mối Long Biên đó mà bữa ăn của mỗi người trong gia đình nó tại“kho”có thêm được con cá, củ lạc.

Dẫm vào vết xe đổ của bố để lại, Long dính vào ma túy rồi buôn bán ma túy để lấy tiền chơi. Nên vào trường cai hay ra tù vào tội là điều khó tránh khỏi. Chưa kể những lần đi cai nghiện bắt buộc, lần đầu đi tù vì tội buôn bán ma túy, lần hai vào trại cũng cùng tội danh.

Long bị bắt khi đang bán lẻ ma túy tại khu vực bãi rác Thành Công thuộc quận Đống Đa (Hà Nội). Lĩnh bản án 7 năm tù cho hành vi phạm pháp, nó được đưa vào Trại giam số 6 để chấp hành bản án. Lúc này ngoài bản án của công lý, Long còn phải nhận thêm bản án từ cuộc đời nghiện ngập. Nó dính HIV từ khi nào chẳng rõ, chỉ biết rằng từ lúc phát hiện ra đã vào giai đoạn cuối.

Trong lần hai bước vào nhà tù này, Long quenTrầnThu Quỳnh (tức Quỳnh “cận”, SN 1984), cũng giống Long, Quỳnh dính cảnh“ăn cơm cân, mặc áo số”. Nhà của Quỳnh nằm trên phố Cao Bá Quát, khu phố nổi tiếng với nghề dán nylon xe máy.

Quỳnh có dáng người cao ráo, trắng trẻo và khuôn mặt trái xoan ưa nhìn. Gọi là Quỳnh “cận” bởi trên khuôn mặt xinh xắn khi tỉnh táo đó điểm một cặp kính cận dày cộp. Nếu bộ quần áo kẻ sọc trắng xanh được thay bằng váy ngắn hay áo dài, chắc hẳn Quỳnh cũng được coi là một “chân dài”có nhan sắc, thậm chí chẳng khác gì một cô gái công sở xinh đẹp, đáng yêu.

Ngày còn đi học, Quỳnh từng là nữ sinh đẹp nhất nhì trường. Cũng bởi xinh đẹp, hát hay, nhà có điều kiện nên Quỳnh trở thành mục tiêu theo đuổi của bao chàng trai gồm đủ các loại thành phần. Từ nhà Quỳnh ra ga Hàng Cỏ cũng gần, nơi trước đây tập trung của đủ loại tệ nạn, thành phần của xã hội. Cô gái xinh đẹp đó cũng chẳng thoát khỏi thói đời xấu xa.

Từ sự nuông chiều, thiếu kiểm soát của gia đình, cũng một phần bởi thói đua đòi cùng đám dân chơi trong phố, cô học sinh ngoan ngoãn đó đã thay đổi. Ngày áo trắng tới trường, đêm áo hai dây, váy ngắn tụ tập khắp các tụ điểm vũ trường, quán bar trong thành phố. Rồi cô học sinh ngoan ấy biến thành dân chơi thực thụ, sành điệu qua những đêm muốn thể hiện bản thân.

Tính đến ngày Quỳnh phải“nhập kho”, trong con người nó đã nhập đủ loại chất kích thích, từ rượu bia, tới ma túy tổng hợp, ke, cỏ, kẹo, đá, rồi cuối cùng là heroin. Lúc dính vào “hàng trắng” cũng là lúc một dân chơi chuyển sang một dân nghiện.

Rồi từ một dân nghiện lúc có tiền chẳng mấy chốc Quỳnh biến thành con nghiện khi hết tiền.Và để có tiền thỏa mãn những cơn phê ma túy, từ trộm cắp, cướp giật cho tới đứng đường bán cái“vốn tự có”, Quỳnh cũng chẳng từ thủ đoạn nào.

Và cách lựa chọn cuối cùng dẫn nó đến cánh cổng trại giam là buôn ma túy nhỏ lẻ để kiếm tiền trang trải cho cơn nghiện đang giày vò bản thân mình... Dù bao năm nghiện ma túy khiến “thân tàn ma dại”, nhưng nét đẹp vẫn còn lưu dấu trên khuôn mặt, hình dáng của Quỳnh. Sau những cuộc chơi quên thân xả xác, Quỳnh biết mình cũng đã mắc căn bệnh thế kỉ.

Với Quỳnh,sống hôm nay, mai kệ tính sau. Cả trái tim đang đập trong lồng ngực nó cũng vậy, từng trải trong chốn lọc lừa, xô bồ của xã hội, nó vốn đã băng giá từ lâu. Nhưng khi bắt gặp tấm chân tình Long “ba tai”, trái tim đó lại một lần lỗi nhịp. Hai trái tim lạnh giá, nhàu nhĩ, bầm giập một lần nữa ấm lại qua những cánh thư yêu thương chuyền tay giấu giếm...

Tình yêu đặc biệt trong sự tách biệt

Ngày mà Long“ba tai”bước vàoTrại giam số 6, Quỳnh “cận” đã ở đó rồi. Long được phân về đội làm nghề khâu bóng tại Phân trại số 1. Quỳnh nhờ có khuôn mặt ưa nhìn và giọng hát hay được sinh hoạt trong đội văn nghệ của trại.

Chung phân trại nhưng hai chế độ giam giữ giữa nam và nữ hoàn toàn khác biệt. Hàng ngày, lúc xuất đội từ khu giam ra xưởng đi lao động cải tạo, cả hai thể nhìn thấy nhau. Rồi ngày hai buổi sáng chiều, cả hai lại dáo dác tìm nhau qua lớp hàng rào dây thép gai.

Những khu xưởng lao động của phạm nhân nam và nữ cách nhau hàng trăm mét, hoàn toàn tách biệt nên cả hai không thể nói chuyện hay tâm sự được với nhau. Được các anh chị lớp“tù già”đi trước truyền dạy cho cách nói chuyện bằng ký hiệu vẫy tay mà chúng gọi là “vẽ”.

Với cách thức, từng chữ viết trong câu bình thường, muốn diễn đạt thì dùng cả bàn tay khua tạo hình chữ cái trong một từ liền mạch. Bên “vẽ” xong chờ bên kia giơ tay từ xa ra hiệu đã hiểu câu nói muốn truyền tải rồi trả lời với cách tương tự.

Cứ thế, một cuộc nói chuyện có khi nội dung chỉ vài ba câu hỏi thăm sức khỏe giữa hai bên nhưng có khi mất cả tiếng đồng hồ. Mà vừa“vẽ”vừa phải trông, ngó cán bộ bởi giữa phạm nhân nam và nữ không được phép nói chuyện với nhau, là vi phạm nội quy trại giam. Từ khi biết“vẽ”, cứ có cơ hội nhìn thấy nhau, Long và Quỳnh tìm cách trao đổi, hỏi thăm, tỏ tình.

Những cuộc nói chuyện những lời yêu thương được hai người trao qua trong im lặng, tình yêu tới với cách thể hiện ký hiệu tay giống của người câm dùng khi nói chuyện. Từ khi quen Quỳnh, thằng nghiện ngập, bụi đời, bệnh tật như Long dường như đã tươi mới hẳn lên. Cái vẻ mặt u sầu trong sự cô đơn, hiu quạnh và xám xịt vì bệnh tật giờ được điểm thêm những nụ cười vui vẻ. Có “vẽ” mấy cũng chẳng thể đủ truyền hết tâm tình của người đang yêu.

Tối tối, sau giờ cơm nước buồng giam, Long lại cặm cụi viết những lá thư tay tỏ tình với Quỳnh. Có lẽ chỉ tới khi quen Quỳnh, Long mới biết viết thư. Đây là lần đầu tiên Long dùng tới bút để viết nhiều đến như thế. Trước đó, Long cũng đã thỉnh thoảng dùng tới bút nhưng ngoài lúc ký giấy cầm đồ, còn lại chỉ để ghi bản tường trình hay ký vào bản lấy cung của cán bộ điều tra mà thôi.

Với Long, cầm xi lanh còn nhiều hơn cầm bút. Những nét chữ nguệch ngoạc trên giấy trắng tạo thành lá thư tay trao gửi tâm tình. Nhưng để gửi được đến nhau là cả một quá trình gian nan, dùng đủ mọi cách giấu giếm, lúc bọc nylon vứt vệ đường, lúc nằm bờ ruộng, khi trong xe rác, lúc nằm cạnh lưới thép gai phân cách. Qua đủ cách bức thư mới có thể tới được chủ nhân, đôi lúc những lá thư đó thất lạc hay bị cán bộ bắt gặp là vô cùng rắc rối.

Từng dòng chữ gượng gạo ban đầu chỉ là những lời hỏi han qua lại, rồi cũng nét chữ đó ẩn chứa những tâm sự, suy nghĩ ẩn sâu trong hai trái tim lạc lối đó, giúp chúng thu hẹp khoảng cách, nhích lại gần nhau hơn. Hai trái tim xước sẹo ấm lại, cảm thông thấu hiểu những suy tư thầm kín từ hai phía và tình yêu tới. Một tình yêu của hai kẻ lầm lỗi trong cô đơn, tình yêu đặc biệt nằm trong sự tách biệt.

Với Quỳnh, cuộc đời đã từng trải qua vô vàn những cuộc tình ngang trái, đớn đau, lừa lọc dẫn tới con người nó như ngày hôm nay. Trái tim Quỳnh đã chai sạn nhàu nhĩ, bầm giập bởi đàn ông ngoài thiên hạ. Vì vậy, với Quỳnh tình chỉ là một thứ đồ chơi, một món trang sức khi thích chơi, thích dùng thì đeo, thì mang vào, chán lại bỏ, lại vứt.

Do vậy, ban đầu khi nhận được lá thư làm quen từ Long gửi tới, với Quỳnh chẳng có gì đáng xem. Nhưng từ các cô, chị em cùng buồng giam động viên xen lẫn trêu chọc, Quỳnh viết thư trả lời với mục đích đùa vui kèm với chút toan tính chẳng đẹp đẽ gì. Cuối những lá thư ban đầu luôn kèm theo những dòng xin xỏ, lúc thì thuốc lá, thuốc lào hay những món đồ mà bên khu giam nữ bị cấm. Còn với Long, nó cái gì cũng đã từng trải qua, cái gì cũng đã từng dùng thử thậm chí dùng tới nghiện, nhưng riêng trong vấn đề tình cảm, nó là một “con ngỗng, con vịt” thực thụ như lời Quỳnh nhận xét.

Ngoài xã hội, Long bận nghiện, bận cuốn vào vòng xoáy của tiền và ma túy nên vấn đề tình cảm trai gái với Long là “bóc bánh, trả tiền”. Lúc trước khi bị bắt lần này, Long “ba tai”thuê nhà ở khu bãi rác Thành Công để bán lẻ ma túy. Đấy cũng chính là khu nhà trọ của “gái đứng đường”, đứng công viên đêm đêm, bởi vậy với Long không có khái niệm yêu, với Long nó chỉ yêu “nàng tiên trắng”.

Trong cái khu trọ mà Long thuê cũng toàn lũ nghiện. Lắm lúc có những đứa thiếu thuốc, vật vã vì ma túy còn sẵn sàng mang thân ra đổi lấy cái hàng đáng giá vài chục ngàn đồng mà Long bán. Với Long, cuộc sống, nhân phẩm còn bèo bọt hơn cả ma túy. Bởi thế, Long ban đầu như một món đồ chơi trong tay cô gái trải tình trường như Quỳnh.

“Con ngỗng” này mỗi lần mẹ lên thăm nuôi, có đồ ngon, đồ đẹp đều tìm cách chuyển tặng hết cho người yêu. Đôi lúc trong thư, Quỳnh chỉ cần kêu ốm, kêu thiếu là Long lại nghĩ đủ cách để có thể làm cho người yêu vui. Những lá thư chứa đầy những dòng chữ, tình cảm ngô nghê của Long dần dần chuyển thành chủ đề nóng hổi bên kia khu giam nữ.

Hàng tối, những lá thư mới nhất được đọc lên để các bà, các chị em cùng nhau tham gia bình luận rồi đưa ra những bức thư trả lời hay nhất. Rồi thật lạ, cái sự ngô nghê, ngờ nghệch qua từng dòng chữ kèm theo sự chân tình, dễ thương trong đó khiến một lần nữa, trái tim tưởng chừng băng giá của Quỳnh lại loạn nhịp.

Từ coi đó là một trò đùa qua ngày, chẳng biết từ khi nào Long đã len lỏi đặt chỗ trong trái tim của Quỳnh, nó yêu Long. Khi yêu, cuộc sống toàn màu hồng, hai tâm hồn khô cằn nay lại như tươi mới. Chúng “vẽ” cho nhau những viễn cảnh của cuộc sống, những ước mơ ngày được trả tự do.

Một tình yêu ấp ủ một một gia đình với muôn hình, muôn màu tươi đẹp mà chúng đã từng luôn ao ước, khát khao và mong chờ. Những bông hoa tồn tại là để trang điểm cho tự nhiên thì tâm hồn chính là thứ trang sức để làm đẹp cho con người.

Rồi khi hai trái tim lạc lối chung nhịp đập, con người chúng dường như cũng thay đổi theo hướng thiện tâm hơn. Từ những con người tưởng chừng như vô cảm, khuyên bảo, chăm lo, hỏi han nhau dù đó chỉ là những dòng chữ truyền tải.

Những người ngoài cuộc, bạn cùng buồng giam, thứ mà xã hội đã cho là rác rưởi, đã ném bỏ đôi lúc nhìn thấy hai đứa cũng phải động lòng. Không ít người cùng cảnh ngộ như họ, trong thâm tâm đã từng một lần mỉm cười, cầu chúc cho hai đứa. Nhưng bên cạnh đó cũng chẳng tránh được sự mỉa mai đến từ những người xấu tính.

Thậm chí có những kẻ ác mồm đã nói: “Tình tù, nghĩa đĩ”, coi tình yêu của họ chỉ là trò đùa, đến nhanh rồi cũng ra đi nhanh mà thôi. Tới khi ra trại, cơm áo gạo tiền rồi cả ma túy lại chẳng hề biết nhau. Họ bị miệt thị bởi bệnh tật, bởi cái quá khứ nhớp nhúa tanh hôi mà cả Long và Quỳnh đã trải qua. Bỏ qua tất cả những lời đàm tiếu từ “xã hội thu nhỏ” đó, hai trái tim đen đúa, sứt sẹo đã dần lành vết thương, tỏa màu hồng từ hạt mầm của tình yêu, hạt mầm mang tính thiện...

Bình An

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/phap-luat-plus/tinh-yeu-vung-trom-suoi-am-trai-tim-hai-manh-doi-toi-loi-sau-song-sat-d97557.html