Tình yêu “vượt bão” của người vợ có chồng được thoát án tử

(ĐSPL) - Khi hay tin chồng mình là Vừ A Tủa bị đồn biên phòng Tây Trang (tỉnh Điện Biên) bắt quả tang khi đang vận chuyển trái phép hơn 2kg ma túy, Say cũng không quá lo lắng. Bởi trong suy nghĩ giản đơn của người đàn bà suốt ngày quần quật với nương ngô, con suối để nuôi con thì chồng mình có lỗi nên cán bộ sẽ nhốt mấy hôm rồi cho về. Chỉ đến khi tòa xử Tủa án tử hình về tội buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, Say mới thực sự sốc.

Hạnh phúc ngắn ngủi

Đến tận bây giờ, trong tâm trí Ly Thị Say vẫn chưa thể quên được những ký ức ám ảnh khi biết chồng mình bị tuyên án tử hình vì tội buôn ma túy. Có nằm mơ Say cũng không dám nghĩ đến đời mình lại có lúc thê thảm như vậy, bố chồng thì ốm vì đau đớn khi đứa con trai gây họa. Một mình Say chèo chống nuôi gia đình mà không biết tương lai sẽ về đâu. Vào thời điểm ấy, gia đình Say chẳng khác gì nhà đang có tang vậy. Nhiều kẻ gièm pha bảo Say bỏ đi mà lấy chồng khác, bởi chồng chị đã bị pháp luật tuyên tử hình rồi, ở lại gia đình ấy cũng chỉ khổ một đời mà thôi.

Phóng to

Ly Thị Say và các con mong chờ ngày đoàn viên.

Nhưng say đã không bỏ chồng, bỏ gia đình và các con thơ dại. Niềm tin của Say dường như cũng được đền đáp phần nào, khi chồng chị đã may mắn được giảm từ án tử hình xuống án chung thân khi anh ta khai ra các đối tượng trong đường dây ma túy. Đến lúc này, Say và gia đình vui sướng tột cùng. Dẫu biết cái án chung thân chưa biết ngày trở về, nhưng Say vui lắm, có lẽ trong cuộc đời, có quá ít người chỉ trong một thời gian ngắn phải trải qua những cú sốc tâm lý buồn vui khốc liệt như Say vậy.

Say kể, không hiểu duyên tiền kiếp thế nào nữa mà một cô gái dân tộc Mông xinh vừa vừa, khéo tay vừa vừa (theo cách nói của Say-PV) ở xã Na Ư (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) lại lọt vào mắt xanh của Vừ A Tủa. Ban đầu Say cũng không tin Tủa chọn cô làm ý trung nhân bởi anh ta vốn là một chàng trai nổi tiếng đẹp trai, giỏi giang, khiến không biết bao sơn nữ phải say mê đắm đuối. Tủa đẹp trai, thương Say hết lòng. Trong con mắt Say và tất cả mọi người trong bản Ca Hâu nơi Tủa sinh sống, đều ngợi khen Tủa là một cán bộ Đoàn năng nổ nhiệt tình, là hình mẫu lý tưởng mà biết bao cô gái thèm khát.

Tủa và Say cùng sinh năm 1978, cái tuổi mà theo các cụ nói chỉ cần “nằm duỗi mà ăn” ở thời điểm khi Tủa chưa dính vào ma túy có lẽ là hoàn toàn đúng. Nếu Tủa không sa chân vào con đường buôn bán ma túy có lẽ cặp song mã này sẽ là ước mơ lý tưởng của bất kỳ cặp đôi vợ chồng nào trên mảnh đất Na Ư.

Khi mới yêu nhau, Say coi tình yêu mà Tủa dành cho mình như trái ngọt trên rừng mà may mắn cô được sở hữu nên khi yêu và đến lúc lấy Tủa, Say vẫn nghĩ cuộc đời mình thật may mắn. Nhưng niềm vui ấy cũng chẳng được bao lâu khi một chiều, Say bất ngờ nhận được tin chồng là một chân rết trong đường dây buôn bán cái chết trắng. Cũng từ đây, người đàn bà chưa hưởng trọn niềm vui hạnh phúc gia đình phải đối mặt với những sóng gió cuộc đời, những lời thị phi từ dư luận. Và cho đến khi biết Tủa sẽ phải lĩnh án tử hình thì Say mới thực sự nhận ra cuộc đời không hẳn là những ước mơ giản dị như chị từng nghĩ và ao ước.

Từ cán bộ năng nổ thành... mắt xích ma túy

Say cũng không hiểu cái chất đàn ông trong chồng mình nó như thế nào, hay chồng mình bị bọn xấu rủ rê mà Tủa lại từ bỏ cuộc sống êm đềm, lao vào kiếm tiền phi nghĩa và gieo rắc cái chết trắng cho đồng bào mình. Say cay đắng thầm nghĩ và không thể hiểu nổi, đường đường là một cán bộ Đoàn gương mẫu hoạt bát của xã. Không ai ngờ một người đàn ông tốt, sống trong gia đình mẫu mực như Tủa lại hành động mù quáng đến vậy. Bởi thực tế, kinh tế gia đình của 2 vợ chồng Tủa và Say cũng đâu đến nỗi nào.

Nói về chồng, Ly Thị Say nước mắt rưng rưng, những hồi ức về quãng thời gian hạnh phúc của vợ chồng như đang tái hiện trước mắt chị. Ngày ấy khi vừa tốt nghiệp trung học cơ sở, Tủa được coi là người nhiều chữ của bản, của xã. Với lợi thế là người hiểu biết, Tủa tham gia hoạt động Đoàn xã và trở thành một cán bộ Đoàn tiên tiến có nhiều đóng góp cho xã hội. Cha Tủa cũng là cán bộ xã Na Ư nên ông cũng thường xuyên dạy dỗ và mong muốn con trai có được một vị thế nhất định trong xã hội, mong Tủa sau này sẽ giúp được dân bản chiến đấu và chiến thắng được bệnh dịch, đói nghèo.

Có kiến thức trong tay, Tủa cùng với vợ đầu tư vốn chăn nuôi gia súc và chỉ trong ít thời gian kinh tế gia đình đã ổn định. Bất kỳ người dân nào trong xã Na Ư đều coi vợ chồng Tủa là tấm gương điển hình về cách làm ăn kinh tế. Say cũng mát mày mát mặt vì có được người chồng giỏi giang hơn người. Thế nhưng...

Việc Vừ A Tủa bị bắt khi vận chuyển 2,1kg ma túy và bị kết án tử hình thực sự là cú sốc lớn đối với Say và gia đình. Tủa chính là một chân rết trong đường dây buôn bán ma túy tại tỉnh Điên Biên. Những ngày Tủa bị bắt, Say bồng bế con lên trại tạm giam Noong Bua (Điện Biên) để thăm chồng.

Cảnh vợ chồng, con cái Tủa ôm nhau khóc lóc thảm thiết, khiến cán bộ trại giam không khỏi lắc đầu ái ngại. Có lẽ trong những giây phút sinh tử này, Tủa mới ngộ ra được lỗi lầm mà mình đã gieo rắc cho xã hội và cho cả cái gia đình bé nhỏ của mình. Tủa nghĩ phải tự cứu mình chứ không ai có thể cứu mình trong thời điểm này cả. Khác với thái độ dửng dưng bất hợp tác với cán bộ công an, sau những lần cha Tủa và mẹ con Say lên thăm hỏi động viên, Tủa đã xin cán bộ trại giam được khai rành rọt các đối tượng cầm đầu trong đường dây ma túy. Làm được như thế, Tủa thấy nhẹ lòng, bởi Tủa nghĩ đến người cha già đang ốm liệt giường vì con trai mắc tội. Tủa nghĩ đến người vợ trẻ và những đứa con thơ dại đang bơ vơ vất vưởng giữa dòng đời. Tủa khai báo thành khẩn cũng là chuộc lỗi với cuộc đời mình vậy.

Nàng dâu hiếu thảo và khát vọng đoàn viên

Nghĩ đến cha, Tủa khóc rống lên khi ông Vừ Phá Ly, nguyên là một cán bộ xã Na Ư, căn dặn: “Bố không cứu được con, con phải tự cứu mình. Ở nhà, bố còn sức chăm sóc các cháu được ít nào hay ít đó”. Sau khi khai báo thành khẩn giúp cơ quan chức năng phá án, gia đình Vừ A Tủa đã viết đơn xin ân xá. May mắn cho Tủa và niềm vui vô bờ bến đến với gia đình bé nhỏ của Say là trong đợt đặc xá năm 2010, Tủa được giảm án từ tử hình xuống chung thân và hiện tại đang tiếp tục thụ án tại trại giam Thanh Xuân (Hà Nội).

Ngày nghe tin chồng thoát chết, Say cũng giống như người chết sống lại. Niềm tin mãnh liệt về gia đình nhỏ bé sẽ được sớm quây quần đoàn viên của chị không phải là không có cơ sở mặc dù ngày Tủa về chắc vẫn còn xa lắm...

Bố của Vừ A Tủa giờ này cũng phải thầm cảm ơn và khâm phục cô con dâu hiếu thảo. Sau khi con trai được giảm án, ông cũng xin nghỉ hưu để cùng gia đình chăm sóc đàn cháu nhỏ. Ông càng cảm động hơn khi nghe con dâu nói sẽ ở vậy nuôi con và chờ chồng ngày trở về. Có những lúc thương con dâu, ông đánh tiếng Say hãy đi thêm bước nữa cho cuộc đời bớt khổ nhưng không ngờ Say quỳ xuống và khóc: “Con đã làm dâu nhà họ Vừ thì sẽ sống và chết ở nhà họ Vừ, cha đừng bắt con phải xa chồng và các con con nữa”. Những lúc ấy, ông Ly cũng khóc vì thương con, thương cháu. Ông hy vọng ngày con trai trở về.

Chia tay gia đình Say, tôi thấy sống mũi cay xè, không biết có phải vì cảm phục người đàn bà có tấm lòng vị tha này không, hay là vì những lời hồ hởi của chị và các con khi cuối năm 2013, chị về thăm chồng tại Hà Nội: “Gặp con gái Tủa vui lắm. Tủa cũng trắng, khỏe. Tủa nói sẽ cố gắng cải tạo để mong có ngày được về!” - Ly Thị Say kể với ánh mắt rạng ngời! Say còn khoe, từ ngày chuyển về trại giam Thanh Xuân đến nay, cứ 6 tháng, gia đình Say lại nhận được một thông báo của ban giám thị trại, trong đó đánh giá Tủa chấp hành cải tạo rất tốt.

Phạm Dương

Nguồn ĐS&PL: http://www.doisongphapluat.com/gia-dinh/tinh-yeu-vuot-bao-cua-nguoi-vo-co-chong-duoc-thoat-an-tu-a23948.html