Tình yêu vượt qua ngàn con sóng

Cô gái 8X Đỗ Thị Thơm, giáo viên trường mầm non Đông Sơn, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) là vợ của chiến sĩ Nguyễn Viết Tưởng, sinh năm 1979, hiện công tác tại đảo Đá Lớn thuộc quần đảo Trường Sa.7 năm qua, Thơm luôn là chỗ dựa vững chắc để người bạn đời của mình yên tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ nơi đầu sóng, ngọn gió.

Trái tim bất ngờ... có chủ

Cô giáo mầm non Đỗ Thị Thơm và chiến sĩ Nguyễn Viết Tưởng Ảnh: NVCC

Thơm kể: Ngày trước, Thơm chưa từng nghĩ mình sẽ lấy chồng là lính đảo. Thế rồi duyên số đưa đẩy, Thơm bất ngờ gặp chàng trai Nguyễn Viết Tưởng là người cùng huyện tại nhà một người quen. Cả hai mến nhau ngay từ lần gặp đầu tiên ấy. Sau đó, Tưởng còn về nhà cô chơi mấy lần. Khi tình cảm bắt đầu nảy nở thì Tưởng phải lên đường trở lại Trường Sa.

Lúc chia tay, Tưởng chưa nói điều gì rõ ràng với Thơm. Nhưng Tưởng vẫn thường xuyên gọi điện về cho người con gái ở đất liền mà anh quý mến. Hai người hỏi nhau về cuộc sống, tình hình công việc, gia đình hai bên. Chỉ vậy thôi mà khiến Thơm rất hạnh phúc.

Một lần, Tưởng không còn nói chuyện bâng quơ nữa. Anh đột nhiên hỏi Thơm nghĩ sao về anh và kể chuyện tương lai. Nếu Thơm đồng ý, trong lần được về phép tới, Tưởng sẽ nói với gia đình xin Thơm về làm dâu nhà anh.

Từ đó, trái tim Thơm chính thức “có chủ”. Mấy năm yêu nhau, Thơm và Tưởng chỉ có thể trao gửi nỗi nhớ qua điện thoại, thư tay chứ không có điều kiện gặp mặt trực tiếp. “Nhìn bạn bè được vui vầy bên người yêu, đôi khi tôi cũng chạnh lòng. Nhưng tôi lại nghĩ, khoảng cách sẽ không thể khiến chúng tôi xa nhau, mà ngược lại, tình yêu sẽ càng sâu sắc, bền vững hơn”.

Năm 2011, Tưởng được về phép, hai bên gia đình quyết định làm đám cưới cho đôi trẻ. Hai tháng trôi qua thật nhanh. Ngày Tưởng trở lại Trường Sa, cũng là lúc Thơm vừa biết mình đã mang thai con đầu lòng. Vừa kịp làm vợ đã phải xa chồng, Thơm không buồn nhiều mà nghĩ mình phải cố gắng để làm hậu phương vững chắc cho anh.

Con khóc òa vì tưởng bố là người lạ

Thơm thay Tưởng chăm sóc bố mẹ chồng, chu toàn việc gia đình. Còn Tưởng ở nơi xa luôn động viên vợ gắng giữ gìn sức khỏe để mẹ tròn con vuông. Ngày vượt cạn, Thơm không có chồng bên cạnh. Con trai chào đời được Thơm đặt tên là Nguyễn Viết Khôi Nguyên- cái tên mà Tưởng chọn với mong muốn con mình thông minh, sáng sủa. Nhiều tháng sau, Tưởng mới được về phép thăm nhà. Từ lúc anh đi, bé Khôi Nguyên mới thành hình hài trong bụng mẹ. Khi anh về, con đã lẫm chẫm tập đi.

Cứ như vậy, vợ chồng Thơm sống cảnh "tuy xa mà gần". Cưới nhau đã 7 năm nhưng tổng thời gian vợ chồng họ bên nhau chỉ khoảng 6 tháng. Năm 2015, Thơm lần thứ 2 sinh con một mình. Rồi khi 15 tháng, bé Nguyễn Việt Anh mới lần đầu tiên được gặp bố. “Khi anh Tưởng đưa tay ra đón, bé Việt Anh còn khóc òa vì tưởng... người lạ. Phải mất mấy ngày sau, bé mới quen bố, nhưng khi bố con vừa bén hơi thì anh Tưởng lại lên đường công tác”, Thơm kể.

Xa nhau lâu ngày nên mỗi lần chồng được về phép với Thơm là quãng thời gian tuyệt vời nhất. Vợ chồng Thơm thường chỉ ở nhà, đi thăm họ hàng, bà con chòm xóm. Tưởng cũng tranh thủ thời gian giúp đỡ vợ việc nhà, phụ bố mẹ làm đồng áng, sửa sang lại nhà cửa, chăm sóc, chơi cùng các con...

Trước đây, từ nơi đầu sóng, Tưởng muốn hỏi thăm tin tức của nhà đều phải gọi nhờ điện thoại sang nhà hàng xóm. Nhưng nay, vợ chồng anh đều đã có điện thoại di động nên việc liên lạc dễ dàng, thuận tiện hơn rất nhiều. Nhờ đó, hai vợ chồng cảm thấy như luôn được gần nhau, vẫn nghe thấy tiếng nói của nhau.

Thường thì Thơm luôn nói với chồng rằng ở nhà mọi việc vẫn ổn, ngay cả khi trong nhà có người bị bệnh, phải vào viện. “Em thương anh ngoài đảo đã vất vả nên muốn anh được hoàn toàn yên tâm lo làm tốt công việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Tuy nhiên, anh cũng tinh ý lắm nên nhiều lần vẫn nhận ra có điều gì đó không ổn qua giọng của em.

Những lúc ấy, anh lại dặn em vững vàng. Anh không thường xuyên về được nhà nhưng lúc nào cũng nhớ về em và các con”.

Là cô giáo mầm non, nên mỗi ngày, Thơm đều phải đi sớm đón trẻ và về muộn khi trẻ đã được về nhà hết. Thật may, ông bà nội hiểu hoàn cảnh của các con nên giúp đỡ Thơm làm việc nhà, chăm sóc hai con cho Thơm khi còn nhỏ.

Nay, bé Khôi Nguyên đã đi học tiểu học. Bé ước mơ sau này trở thành người lính công tác ở quần đảo Trường Sa giống như bố. Bé thứ hai được trường mẫu giáo tạo điều kiện tiếp nhận vào học trước tuổi. Nhờ vậy, Thơm vừa đứng lớp, vừa vẫn có thể chăm sóc con, vừa hoàn thành tốt công việc.

Thơm tâm sự: Những chuyến đi công tác xa nhà của chồng cô vẫn còn nhiều, nhưng cô không buồn bởi cô hiểu được ý nghĩa công việc của chồng. Cô tự hào khi được làm vợ của người lính Trường Sa.

Họ vẫn hạnh phúc dù luôn phải sống trong xa cách

“Mỗi lần về thăm nhà, vợ chồng mình cũng thích đi đây đó xa nhưng lại tiếc thời gian. Với chúng mình, cả đại gia đình được sum vầy là món quà quý giá nhất” - Nguyễn Viết Tưởng tâm sự.

Hoàng Vũ

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/xa-hoi/tinh-yeu-vuot-qua-ngan-con-song-post41563.html