Tình yêu vượt thời gian

Tóc xanh điểm trắng nửa thời gian / Anh vẫn tìm em dẫu muộn màng / Mấy độ thu tàn khoe sắc lá/ Bao mùa nước nổi đổ thuyền nan / Em ở trong ấy tình lưu luyến...

Cứ gặp mặt cựu nữ xung phong Huỳnh Thị Liên (71 tuổi ở khu phố 3, phường Tân An thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận) chúng tôi lại ríu rít: “Bà ơi! Chắc ngày xưa bà đẹp lắm nhỉ?

Cô cựu thanh niên xung phong Huỳnh Thị Liên và chồng một cựu chiến binh gương mẫu (Ảnh Phan Tuyết)

Cô cựu thanh niên xung phong Huỳnh Thị Liên và chồng một cựu chiến binh gương mẫu (Ảnh Phan Tuyết)

Đẹp mới có người mê như điếu đổ như thế, chẳng ai được như bà, gần hết cuộc đời mà vẫn có giai đi tìm”.

Nghe thế, bà thường nở nụ cười tươi đầy nhân hậu:“Thì nhan sắc cũng thường thôi nhưng người thương mình thì nhiều lắm. Những lá thư được gửi đến chất đầy cả bao”.

Trêu chọc bà chán, có người lại lên giọng than thở: “Ước gì mình cũng có được một chàng trai si tình như thế thì hạnh phúc nhường nào”.

Giọng người bạn làm tan biến cả giấc mơ đẹp: “Thời buổi này thắp đuốc cũng không tìm ra.

Tình yêu đẹp như thế chỉ còn là cổ tích thôi mọi người ơi!”.

Quả là thế, câu chuyện tình đơn phương của một cựu binh già luôn làm bất cứ ai nghe được cũng phải thổn thức và ước ao.

Cuộc điện thoại bất ngờ

Vào một buổi chiều năm 2016, khi đang ngồi hóng gió trước hè, bất chợt chuông điện thoại đổ vang.

Bà Liên cầm điện thoại lên nhưng thấy số máy lạ, giọng một người đàn ông vang lên: “Xin lỗi, em có phải là Huỳnh Thị Liên không?

Nghe thế, bà Liên thắc mắc: “Anh ở đâu? Anh là ai mà biết tôi? Giọng người đàn ông mừng khấp khởi: “Anh đi tìm em gần 50 năm nay mới được nghe giọng nói của em.

Trong tim anh, hình bóng em vẫn vẹn nguyên như ngày nào. Em nhớ giữ số liên lạc này nghe”.

Nghe thế, bà vẫn không hình dung ra mình đang nói chuyện với ai.

Ngay cả khi ông bật mí mình tên là Nh. quê ở Hải Phòng đơn vị ông đóng quân gần trạm quân y của bà, ông đã từng là bệnh nhân được bà chăm sóc…bà cũng không thể nào hình dung ra nổi.

Bà nói: “Nếu là thương binh, tôi đã chăm sóc cho hàng nghìn người như thế thì làm sao có thể nhớ hết được”.

Chỉ thời gian ngắn sau cuộc gọi bất ngờ đó, ông Nh. tiếp tục liên lạc lại. Lần này, ông nói: “Em cho anh gặp mặt một lần dù chỉ là 1 phút rồi anh sẽ đi ngay.

Nếu không gặp được em, anh thật sự buồn lắm”.

Bà nói, dù mình chưa nhớ ra ông ấy nhưng thấy tấm chân tình ấy cũng không nỡ từ chối.

Vấn đề bà suy nghĩ, phải nói với chồng thế nào để ông ấy thông cảm mà đồng ý.

Nếu chồng phản đối, bà cũng đành để người bạn thất vọng chứ biết làm sao.

Ngừng giây lát, bà nói tiếp: “Thật không ngờ khi vừa nghe nói, ông nhà tôi đã đồng ý liền”.

Có người hỏi: “Chú không ghen hả?” Chẳng cần nghĩ suy, ông Thắng trả lời ngay:

“Bình thường thôi vì đó là bạn chiến đấu, dù không ở cùng đơn vị nhưng cùng ở chiến trường, cùng chung gian khổ, chiến đấu và hy sinh…

Hơn thế lại cùng yêu một người phụ nữ nên dễ thông cảm. Giờ đây, ai cũng ở bên kia triền dốc của cuộc đời, chẳng còn sống được bao lâu, cho nhau thỏa nguyện cũng là điều nên làm”.

Khi đã được chồng đồng ý, nhưng bà nói mình cũng không tin ông ấy sẽ vượt hàng ngàn cây số vào thăm.

Ai ngờ, nghe cuộc điện thoại: “Anh đang ở sân bay Cát Bi Hải Phòng lấy vé vào Bình Thuận thăm em đây”.

Tưởng ông ấy nói đùa nên tôi cũng chẳng suy nghĩ gì. Đến chiều lại nhận được điện thoại:

“Anh đang ở Ông Đồn (địa danh cách nơi bà ở khoảng 60km), đến nhà em thì xuống ở đâu?”

Nghe thấy thế, tôi giật mình và chỉ đường cho ông ấy xuống ngã ba 46 rồi đi xe buýt về lại thị xã La Gi.

Cuộc gặp bất ngờ sau gần 50 năm

Khoảng 6 giờ tối, khi biết ông ấy ở bến xe thị xã, bà lấy xe máy xuống đón về nhà.

Bà nói, mình thấy một người đàn ông ngồi ở bến xe, ôm một chiếc cặp, ngỡ là ông bạn nên đi xe tới nói: “Anh lên xe cho em chở về nhà”.

Người đàn ông bất ngờ hỏi lại: “Cô là ai mà chở tôi về nhà?” Biết mình nhầm, bà vội điện thoại, ông Nh. nói mình đang đứng ngoài đường. Thì ra khi nãy bà đã đi qua nơi ông đứng mà bà không hề biết.

Về nhà, ông ấy đã ngồi nói chuyện với ông nhà tôi suốt cả buổi tối. Câu chuyện của những người lính năm xưa thường xoay quanh về những trận đánh, những lần chết hụt, về những đồng đội đã từng hy sinh…

Cuối cùng là những thổ lộ, những tâm tư mà bấy lâu ông đã cất giữ. Hai người đàn ông cùng yêu sâu đậm một người phụ nữ lại trở nên thân thiết, thấu hiểu như hai người bạn.

Sau buổi hàn huyên, ông nhà tôi cũng tế nhị cho tôi và ông ấy ngồi nói chuyện riêng.

Khi nghe ông ấy thổ lộ “Em không nhớ anh rồi, nhìn thái độ của em là anh biết ngay điều đó.

Còn anh hơn 46 năm qua, anh chưa bao giờ quên được em, hình ảnh của cô dược sĩ dịu dàng dễ thương cứ ở mãi trong lòng”.

Bà nói mình thật bất ngờ và cố lục lọi trí nhớ nhưng không thể nào nhớ ra ông ấy là ai?

Bà nói mình đã thật lòng hỏi: “Ngày ấy, em được không mà anh lại thương em dữ vậy?

Nghe thế, giọng ông ấy buồn hẳn: “Anh là thương binh, vào đội điều trị 88 đóng tại cây gỗ vuông Đồng Làng của em để nghỉ dưỡng.

Em đã chăm sóc anh rất ân cần chu đáo. Vì thế, anh không bao giờ quên được em, nó cứ ám ảnh ảnh suốt những năm tháng sau này”.

Bà nói, mình chăm sóc hàng ngàn thương binh với người nào mình cũng ân cần như thế nên làm sao mà nhớ hết được từng người.

Giọng ông ấy trầm xuống hẳn: “Em không nhớ thật sao? Anh đã từng nắm tay em, ôm hôn nhưng em không chịu, em xô anh ra”.

Bà hỏi lại: “Em không hôn hả?” “Không! Em cứ tránh miết…” “Vậy là em không yêu anh, không yêu thì sao mà nhớ được?”

Rồi ông kể, giải phóng xong ông đã về quê tìm bà mấy lần mà không gặp, hỏi thăm biết bao đồng đội cũ nhưng cũng không ai biết.

Ba năm sau, ông có gia đình, người vợ cũng là người phụ nữ hiền lành yêu thương chồng con.

Con cái bây giờ cũng đã yên bề gia thất. Ông nói, cuộc đời mình coi như mãn nguyện nhưng trong lòng vẫn còn một nỗi tâm tư canh cánh.

Muốn gặp lại người con gái thanh niên xung phong năm xưa mình đã thầm yêu trộm nhớ xem bây giờ sống thế nào? Dẫu chỉ cần gặp được một phút cũng mãn nguyện lắm rồi.

Ông nói dù đã có cuộc sống gia đình riêng nhưng cứ mỗi năm, ông đều đi thăm lại chiến trường xưa mang theo niềm hy vọng mong manh sẽ được gặp lại người con gái ấy nhưng vẫn “bặt vô âm tín”.

Cũng may lần gần đây nhất, ông về lại quê hương Đà Nẵng của bà thì gặp được người quen và xin được số điện thoại.

Ngồi nói chuyện hồi lâu, ông bảo: “Giờ anh đã toại nguyện rồi, ngay bây giờ anh sẽ về lại Sài Gòn để ngày mai về ngoài ấy”.

Khi tiễn ông về rồi, bà cứ nghĩ suy miết: “Trên đời cũng hiếm người chung tình được như thế”.

Vài ngày sau, khi soạn sách vở, bà nhặt được tờ giấy kẹp trong cuốn sổ. Những dòng chữ chân phương hiện lên trang giấy trắng: “Anh Nh. tặng em:

Nỗi niềm

Tóc xanh điểm trắng nửa thời gian/ Anh vẫn tìm em dẫu muộn màng

Mấy độ thu tàn khoe sắc lá / Bao mùa nước nổi đổ thuyền nan

Em ở trong ấy tình lưu luyến / Anh ở ngoài này dạ xôn xao

Vẫn thế tháng ngày trôi lặng lẽ / Vui buồn kỉ niệm đếm thời gian.

Và gần đây nhất, ông đã cùng đại gia đình, vợ và con cái vào nhà bà chơi một buổi. Cuộc gặp mặt lần này như một cuộc đoàn viên giữa những người thân thiết sau nhiều năm xa cách mới được trùng phùng.

Phan Tuyết

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/tieu-diem/tinh-yeu-vuot-thoi-gian-post208866.gd