TKV đề xuất giữ nguyên tuổi hưu và giờ làm việc tiêu chuẩn

Tham gia ý kiến vào Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), đại diện Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) đề xuất giữ nguyên tuổi nghỉ hưu và số giờ làm việc tiêu chuẩn 48h/tuần, đối với lao động khai thác than trong hầm lò.

TKV đề xuất giữ nguyên tuổi nghỉ hưu của người lao động khai thác trong hầm lò

TKV đề xuất giữ nguyên tuổi nghỉ hưu của người lao động khai thác trong hầm lò

Chủ tịch Hội đồng thành viên TKV, ông Lê Minh Chuẩn cho biết, về cơ bản TKV nhất trí điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu theo phương án 1 của Dự thảo: Kể từ 1/1/2021, mỗi năm tăng 3 tháng với nam, 4 tháng với nữ để tuổi nghỉ hưu của nữ đạt 60 tuổi vào năm 2035, tuổi nghỉ hưu của nam là 62 vào năm 2028.

Tuy nhiên, Ban soạn thảo dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) xem xét có cơ chế phù hợp cho từng nhóm lao động. Cụ thể, TKV đề nghị giữ nguyên tuổi nghỉ hưu của người lao động làm công việc khai thác than trong hầm lò theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 115/NĐ - CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ (từ đủ 50 tuổi trở lên), được giảm 12 tuổi so với tuổi nghỉ hưu của người lao động làm việc trong điều kiện bình thường.

Lý giải về đề xuất này, Chủ tịch TKV cho biết: Phần lớn người lao động làm công việc khai thác than trong hầm lò phải làm việc trong điều kiện lao động chật hẹp, thiếu dưỡng khí; công việc thủ công, rất nặng nhọc, nguy hiểm, chịu tác động của bụi, ồn, CO2; thường xuyên phải đối mặt với nhiều nguy cơ tai nạn lao động do lở đất đá, sập hầm, bục nước, nhiễm độc khí mêtan và mắc các bệnh nghề nghiệp phổ biến trong ngành khai thác mỏ như bệnh bụi phổi-silic, bệnh bụi phổi-amiăng, bệnh điếc nghề nghiệp. Hiện, số lượng lao động làm công việc khai thác than trong hầm lò chiếm 22,1% - một tỷ lệ không nhỏ trong tổng số lao động toàn TKV với khoảng 21.556 người.

Theo thống kê sơ bộ, trong 3 năm (từ 2016 - 2018), Tập đoàn TKV có 312 thợ lò nghỉ hưu trước tuổi/694 thợ lò nghỉ hưu; chiếm 45% tổng số lao động là thợ lò nghỉ hưu hưởng chế độ bảo hiểm xã hội. Độ tuổi của thợ lò nghỉ hưu sớm dao động trong khoảng từ 38 đến 45 tuổi, thời gian tham gia BHXH trong khoảng từ đủ 20 năm đến 25 năm.

Góp ý vào quy định thời giờ làm việc, Chủ tịch Lê Minh Chuẩn đề xuất không giảm thời giờ làm việc tiêu chuẩn (không quá 44 giờ trong một tuần), giữ nguyên số giờ làm việc tiêu chuẩn như hiện nay (không quá 48 giờ trong một tuần).

Theo đại diện của TKV, sở dĩ không nên giảm thời giờ làm việc là do đặc thù của ngành than phải sản xuất 3 ca (24/7) nên để đảm bảo sản xuất thông suốt, đảm bảo công tác an toàn vệ sinh lao động, không thể áp dụng giảm giờ làm cho toàn bộ doanh nghiệp mà chỉ có thể áp dụng cho một số đối tượng thuộc bộ phận gián tiếp. Tuy nhiên, để đảm bảo đồng bộ, các bộ phận làm việc không quá 44 giờ trong một tuần vẫn phải bố trí người trực làm phát sinh chi phí làm thêm không cần thiết.

Bên cạnh đó, việc tuyển dụng lao động làm việc trong lĩnh vực này vô cùng khó khăn, chi phí đào tạo lớn. Những năm qua, TKV đã triển khai tuyển dụng lao động tại các tỉnh vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số song vẫn không đủ bù đắp cho số thợ lò nghỉ việc, bỏ việc. Nếu giảm giờ làm việc, TKV sẽ cần tuyển dụng bù đắp số lượng người lớn, trong khi tình hình tuyển dụng đã rất khó khăn; các chi phí kéo theo quá lớn, ảnh hưởng đến doanh nghiệp.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/tkv-de-xuat-giu-nguyen-tuoi-huu-va-gio-lam-viec-tieu-chuan-4033115-v.html