TKV thực hiện tốt công tác an sinh xã hội

Trong những năm qua, cùng với việc phát triển sản xuất – kinh doanh, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) luôn quan tâm đến công tác an sinh xã hội cho không chỉ cán bộ, công nhân viên trong ngành mà còn dành nguồn lực lớn hỗ trợ các địa phương có hoạt động của TKV đầu tư xây dựng hạ tầng, cải thiện điều kiện sản xuất, sinh hoạt, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho nhân dân.

Nhiều giải pháp chăm lo cho “tài sản quý”

Với khoảng 98 nghìn lao động đang làm việc các đơn vị, Tập đoàn TKV luôn xác định đây là “tài sản quý” quyết định sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, nên trong những năm qua, công tác chăm lo, quan tâm tới đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động, nhất là đội ngũ thợ lò được TKV đặc biệt quan tâm bằng nhiều giải pháp thiết thực, từ cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao thu nhấp,… đến đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, hỗ trợ xây dựng nhà ở… cho người lao động.

Công tác chăm lo sức khỏe người lao động được TKV và các đơn vị thành viên luôn quan tâm

Trước hết phải nói đến nhóm giải pháp về công nghệ, đầu tư trang thiết bị nhằm cải thiện môi trường làm việc cho cán bộ, công nhân viên. Théo đó, để nâng cao mức độ cơ giới hóa trong việc khai thác, các đơn vị ngành Than đã ứng dụng thành công vì chống thủy lực (cột thủy lực đơn, giá thủy lực di động và khung giá di động), lò chợ cơ giới hóa đồng bộ sử dụng máy khấu combai vào sản xuất. Qua đó, năng suất lao động tăng từ 7,5 đến 14,1 tấn/công-ca.

Điển hình, Viện Khoa học Công nghệ Mỏ đã phối hợp với Công ty CP Than Vàng Danh nghiên cứu xây dựng dự án đầu tư áp dụng công nghệ cơ giới hóa khai thác lò chợ hạ trần than nóc tại vỉa 8 - khu Giếng Vàng Danh. Đồng bộ thiết bị cơ giới hóa khai thác, gồm: máy combai khấu than, giàn chống tự hành Vinaalta, máng cào và đồng bộ thiết bị phụ trợ...

Trong công tác đào, chống lò, nhiều giải pháp công nghệ được triển khai áp dụng, như: công nghệ chống lò thành vì neo, neo chất dẻo cốt thép, bê tông phun, bê tông cốt liệu nhẹ… Các dây chuyền cơ giới hóa đào lò hiện đại này đã giúp cải thiện điều kiện lao động, giảm rủi ro, giảm chấn động do không phải sử dụng thuốc nổ, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường và những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người lao động.

Song song đó, các đơn vị trong Tập đoàn cũng đã áp dụng nhiều thiết bị hiện đại giúp giảm sức lao động của người công nhân, như: tời hỗ trợ người đi bộ, tời vô cực vận chuyển người, hệ thống monoray kết hợp đầu tàu diezen tại giúp rút ngắn thời gian di chuyển, tăng thời gian lao động hữu ích, tăng năng suất lao động mà quan trọng hơn là hạn chế được tối đa tai nạn lao động.

Trong khi đó, các đơn vị thuộc TKV đã đầu tư đồng bộ các thiết bị an toàn phòng chống sự cố bục khí, bục nước, các thiết bị an toàn phòng nổ hầm lò, hệ thống giám sát tự động khí mê – tan kiểm soát khí 24/24h ở nơi làm việc; hệ thống tự động giám sát người ra, vào mỏ, hệ thống chỉ huy sản xuất tập trung qua màn hình Internet… nhằm nâng cao mức độ an toàn trong sản xuất, giảm ô nhiễm môi trường.

Đặc biệt, nhằm cải thiện cuộc sống, giúp công nhân gắn bó lâu dài với ngành Than, và nâng cao chất lượng, Tập đoàn đã thực hiện chương trình phát triển nhà ở cho công nhân, đến nay đã xây dựng quy hoạch và đáp ứng cơ bản nhu cầu về nhà ở cho công nhân toàn ngành với nhiều khu chung cư mới khang trang, hiện đại, đáp ứng nhu cầu của người lao động.

Nhiều đơn vị còn đầu tư tổ hợp khu giải trí, căng tin, cửa hàng tiện ích, đầu tư các trạm y tế chăm sóc sức khỏe cho thợ lò. Công đoàn và chuyên môn các đơn vị đều tổ chức mời các bác sỹ và thuê các trang thiết bị y tế hiện đại để khám sức khỏe định kỳ cho công nhân 6 tháng/lần hoặc đột xuất. Những ai có vấn đề về sức khỏe được đưa đi điều trị và điều dưỡng ngay.

Các đơn vị thuộc TKV cũng đã dành nguồn kinh phí đáng kể để xây dựng các nhà ăn khang trang, sạch đẹp, sử dụng hệ thống đun nấu bằng bếp gas, nồi hơi, lắp đặt hệ thống nước uống tinh lọc... phục vụ công nhân, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm…

Tích cực thực hiện Chương trình 30a của Chính phủ

Cùng với việc thường xuyên thực hiện tốt công tác chăm lo, cải thiện điều kiện làm việc, sinh hoạt và thực hiện tốt các chính sách đối với người lao động trong Tập đoàn, công tác an sinh xã hội tại các địa phương có các đơn vị TKV đứng chân cũng được lãnh đạo Tập đoàn và các đơn vị thành viên tích cực triển khai.

Lãnh đạo TKV dự Lễ khánh thành trường tiểu học Bình Liêu do TKV tài trợ kinh phí xây dựng

Trong đó, nổi bật là việc triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP (Chương trình 30a) của Chính phủ về giảm nghèo nhan và bền vững đối với các huyện nghèo. Đến thời điểm hiện nay, TKV đã đồng hành, hỗ trợ tích cực cho 3 huyện nghèo vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, gồm: Huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn; huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng và huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Nhờ sử dụng hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ của TKV để đâu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nâng cao trình độ dân trí, cải thiện điều kiện sản xuất,… từng bước nâng cao đời sống của nhân dân nên các địa phương này đã dần thoát nghèo.

Cụ thể với huyện Ba Bể, theo Chương trình 30a, tính từ năm 2009 đến nay, Tập đoàn TKV đã hỗ trợ tổng số gần 70 tỷ đồng xây dựng 43 công trình phúc lợi xã hội và sửa chữa xây dựng nhà ở cho nhân dân trên địa bàn huyện. Cả 43 công trình được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn hỗ trợ của Tập đoàn TKV đều đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả tích cực. Đặc biệt, đầu năm 2018, huyện Ba Bể đã được Chính phủ đưa ra khỏi danh sách các huyện nghèo. Đây được xem là dấu mốc quan trọng khẳng định TKV đã hoàn thành nhiệm vụ hỗ trợ giảm nghèo này sau gần 10 năm.

Đặc biệt với tỉnh Quảng Ninh – địa bàn chiến lược của ngành Than, trong 5 năm trở lại đây, TKV đã hỗ trợ tới 80 tỷ đồng, tập trung đầu tư xây dựng mới nhiều trường học, riêng năm 2019, TKV đã dành nguồn vốn khoảng 34 tỷ đồng tiếp hỗ trợ tỉnh Quảng Ninh.

Cụ thể, trong thời gian qua, TKV đã hỗ trợ 9 tỷ đồng xây dựng trường tiểu học Nam Sơn tại huyện Ba Chẽ; hỗ trợ 12 tỷ đồng xây dựng trường tiểu học tại huyện Bình Liêu; 6 tỷ đồng xây dựng trường tiểu học Ka Long, TP. Móng Cái; 12 tỷ đồng xây dựng trường tiểu học Lê Hồng Phong tại thị xã Đồng Triều; 15 tỷ đồng xây dựng trường tiểu học Thống Nhất tại huyện Hoành Bồ…

Bên cạnh đó, TKV cũng quan tâm thực hiện nhiều chương trình từ thiện, xã hội khác trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, trong đó, nổi bật là chương trình hỗ trợ xây dựng mới nhà ở nhân đạo giúp các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, giúp họ ổn định cuộc sống. Thống kê từ năm 2015 đến nay, thông qua Hội Chữ Thập đỏ tỉnh, TKV đã hỗ trợ tổng số tiền 2,75 tỷ đồng, trong đó, xây dựng mới 51 căn nhà ở với tổng trị giá 2,55 tỷđồng. Riêng trong Tháng nhân đạo năm 2019, TKV đã hỗ trợ 750 triệu đồng.

Cung trong năm 2019, TKV tiếp tục dành hàng chục tỷ đồng hỗ trợ các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh xây dựng nhiều công trình phúc lợi, hỗ trợ xóa nhà dột nát theo Chương trình giảm nghèo bền vững. Theo đó, Tập đoàn đã hỗ trợ 14 hộ xóa nhà dột nát với tổng số tiền 700 triệu đồng; đóng góp ủng hộ các quỹ nhân đạo với số tiền gần 2 tỉ đồng; đóng góp 100 tỷ đồng mở rộng Quảng trường 12-11 trên địa bàn thành phố Cẩm Phả và các công trình phúc lợi khác.

Theo lãnh đạo Tập đoàn TKV, trong thời gian tới, TKV sẽ tiếp tục đồng hành cùng Quảng Ninh nói riêng và các địa phương nơi có hoạt động của TKV với mục tiêu cùng các địa phương xóa đói, giảm nghèo, cải thiện điều kiện sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Hoàng Châu

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tkv-thuc-hien-tot-cong-tac-an-sinh-xa-hoi-130613.html