Chinh phục Pu Si Lung kỳ vĩ

Pu Si Lung - đỉnh núi cao thứ 3 của Việt Nam (3.083m) nhưng lại là đỉnh cao khó chinh phục và cũng là nơi vẫn còn nhiều nét hoang sơ, kỳ vĩ bậc nhất Việt Nam.

Đường lên Pu Si Lung phải xuyên qua những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn với những cây cổ thụ vài người ôm.

Chinh phục đỉnh Pu Si Lung để thỏa lòng ao ước khám phá đỉnh cao nhưng điều khiến chúng tôi ngỡ ngàng nơi đây lại là những ánh mắt, nụ cười của những người sống, chiến đấu, lao động. Tình cảm của họ có lẽ cũng là một phần làm nên sự mời gọi, sức hấp dẫn, nét quyến rũ của một trong tứ đại đỉnh cao Việt Nam.

Ấm tình biên giới

Nằm sát đường biên giới Việt - Trung, đỉnh Pu Si Lung nằm gần với mốc biên giới số 42 thuộc địa phận sã Pa Vệ Sử - Mường Tè (Lai Châu). Tuy chỉ cách đỉnh Fansipan gần 300km nhưng trước đoàn chúng tôi mới chỉ có 2 đoàn leo núi chinh được đỉnh núi này. Bởi vậy, khi còn ở xã Pa Vệ Sử chúng tôi đã được đón nhận những tình cảm, thông tin, sự chia sẻ, động viên thậm chí là giúp đỡ của đồng bào và cán bộ, chiến sĩ nơi đây bởi hơn ai hết, họ là người đã nếm trải đủ sự vất vả, gian nan trong mỗi lần tuần tra đường biên, mốc giới và cũng chính họ là người thường xuyên, liên tục phải chinh phục Pu Si Lung.

Tại trung tâm xã Pa Vệ Sử, khi biết chúng tôi định chinh phục Pu Si Lung anh Quách Văn Thao - một người dân sống ở đây khẳng khái khuyên: “Đỉnh núi khó đi, dốc lắm. Đã có nhiều đoàn leo núi đến đây, lúc đi cũng quyết tâm hừng hực nhưng chỉ hôm sau ai nấy đều trở về với gương mặt của đoàn quân thất trận. Chỉ có người bản sứ và cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng Pa Vệ Sử mới lên được. Tôi khuyên các anh nên ở lại!”.

Cũng với suy nghĩ lo lắng cho đoàn chúng tôi, thiếu tá Phùng Nhù Giá - Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Pa Vệ Sử hết mực khuyên can: “Anh em chúng tôi dầm mưa, dãi nắng suốt mà lên đến Pu Si Lung còn bở hơi tai. Các anh nên suy xét kỹ bởi có thể phải mất cả tuần leo núi”.

Lời khuyên của người chủ quán chân thành và người lính biên phòng không những không làm nản trí mà còn như một lời thách thức với chúng tôi. Bởi chúng tôi hiểu nếm trải gian khổ không chỉ là một lần vượt qua những giới hạn của bản thân mà còn là một lần cảm nhận, nhìn thấy được những nỗi gian truân mà người dân, bộ đội, hay các thầy cô giáo nơi đây hàng ngày vẫn trải qua như phần tất yếu trong công việc của họ.

Sáng sớm miền biên viễn, mặt trời uể oải trong sương núi nhưng niềm háo hức được chinh phục đỉnh núi khó đi nhất Việt Nam, được lên nơi tận cùng của Tổ quốc nên ngay khi có tiếng kẻng thể dục đầu tiên chúng tôi đã nhanh chóng tung chăn, ra thể dục cùng cán bộ chiến sĩ của Đồn Biên phòng Pa Vệ Sử.

Sau bữa ăn sáng đơn giản mang đậm chất lính, các đồng chí lãnh đạo Đồn một lần nữa khuyên giải và cắt đặt để chúng tôi mượn xe máy của anh em, cán chiến sĩ trong Đồn, đi đoạn đường có thể nhằm giữ gìn thể lực cho đoàn. Các anh ít nói, ít dùng từ mỹ miều nhưng cái cách các anh lo toan tỉ mỉ, chu đáo cho đoàn - những người mới lần đầu đặt chân đến mảnh đất này, cũng là lần đầu tiếp xúc với các anh khiến chúng tôi thêm ấm lòng và có niềm tin cho hành trình sắp tới.

Nói là đi xe máy, nhưng đoạn đường từ Đồn lên đến bản Sín Chải A (điểm tận cùng của con đường) cũng là một hành trình “thử lửa”. Những đoạn chúng tôi đi qua nếu gọi là đường thì đó là một mỹ danh dành cho những khoảng đất ít cây rừng và có vết bánh xe đi trước, còn thực chất đó là những khoảng đất mà độ dốc luôn vượt giới hạn trong ngành cầu đường, còn mặt đường thì thực tế chỉ là nơi “tập kết” của những lòng suối đá. Một bên là vực sâu thăm thẳm, một bên là vách núi dựng đứng.

Núi ở đây đa phần là đất pha cát, nên sau những trận mưa đầu mùa đất, cát, đá ở ta luy dương cứ ùn ùn tràn ra mặt đường còn phía ta luy âm là những đoạn sạt lở sâu hun hút tựa hồ miệng của những con quái vật khổng lồ lởm chởm nanh vuốt, đang ngoác ra chờ người xẩy chân là nuốt trọn. Đi xe máy trên con đường ấy chẳng khác gì vừa chạy maratông vừa tập tạ bởi thời gian ngồi trên xe thì ít mà lúc đẩy, lúc khiêng xe thì nhiều.

Ngay chặng đường đầu tiên, những bình nước dự phòng đã được dốc cạn, những bắp thịt như vượt ngưỡng đàn hồi và mồ hôi của mỗi người thì nhiều vô kể. Vừa đẩy xe với thái độ rất điềm nhiên và cũng chẳng lấy gì làm nhọc nhằn cho lắm, thiếu úy Hoàng Văn Lịch - cán bộ Đồn Biên phòng Pa Vệ Sử, người được giao nhiệm vụ đưa đoàn chúng tôi đi chia sẻ: Hầu như tuần nào cán bộ, chiến sĩ của Đồn cũng ngược xuôi vài ba bận trên con đường này, ấy là còn chưa kể khi có việc đột xuất...

Lời chia sẻ của người lính trẻ cùng với hình dung đến cảnh hàng ngày bà con nơi đây vẫn vật lộn với con đường này để bám biên, bám bản cùng lực lượng chức năng giữ gìn biên giới làm chúng tôi thầm biết ơn, cảm phục và thấm thía cái giá của sự bình yên mà ở chốn thị thành chúng tôi chưa bao giờ biết đến.

Đoạn đường từ Đồn biên phòng đến bản Sín Chải B chỉ dài chưa đầy 7km nhưng chúng tôi phải dành một buổi sáng cho nó. Đến bản khi mặt trời đã đúng đỉnh đầu, đón chúng tôi là những ánh mắt vừa tò mò vừa khép nép của bầy trẻ con và bà con dân bản. Sau ánh mắt ấy chúng tôi vẫn nhận ra những nét chất phác, hồn hậu và yêu người, mến khách. Đỉnh Pu Si Lung vẫn lừng lững cuối trời như một lời thách thức…

Bữa trưa nhanh chóng được triển khai theo tinh thần dã chiến. Tuy ở bản nhưng đồ ăn ở đây rất khó khăn. Đồng bào còn nghèo nên họ chỉ giúp chúng tôi bằng rau rừng, măng đắng, cho mượn xoong, nồi và đồ dùng còn lại bà con chỉ nhìn chúng tôi mà cười với nụ cười đầy bất lực.

Sống biệt lập cùng những thói quen lạc hậu khiến cuộc sống bà con người La Hủ nơi này vẫn còn đầy rẫy khó khăn. Đường đã như vậy, điện cũng chưa có, điều văn minh nhất, tiến bộ nhất có lẽ là chiếc điện thoại di động của các thầy giáo cắm bản và của những người lính biên phòng (khi lên đến đây không có sóng nên chỉ để làm đồng hồ bỏ túi và thi thoảng cho trẻ con xem phim, chơi điện tử).

Ấy vậy mà khi chúng tôi nói muốn leo núi vừa để tuần tra biên giới vừa để khám phá núi rừng, họ đều khẳng khái bày tỏ ý muốn tham gia. Qua câu chuyện chúng tôi hiểu họ cũng muốn cùng tuần tra, góp phần bảo vệ chủ quyền, đảm bảo an toàn đường biên, mốc giới, tức là bảo vệ những nương ngô, nương sắn, những nếp nhà sát biên của chính họ.

Và thế là hành trình của chúng tôi có thêm 4 thanh niên bản giúp mang vác đồ lề. Thiếu úy Hoàng Văn Lịch giải thích thêm: Họ tham gia không chỉ là vác đồ, kiếm tiền mà còn là nguồn thông tin sống, là “con mắt, đôi tai” cho lực lượng chức năng. Nếu không có bà con dân bản, chắc khó có lực lượng nào đủ sức quản lý, bảo vệ hết được đoạn đường biên giới vừa dài vừa gian nan như vậy.

Mặt trời chếch bóng, đoàn chúng tôi bắt đầu dấn thân vào con đường chỉ có tiếng gió rừng rin rít, lá gai, cỏ sắc vẫy chào và sương núi bảng lảng cành cây, nơi có tấm bia bằng đá hoa cương phân định danh giới hai nước (cột mốc số 42) và đỉnh Pu Si Lung như đang lặng lẽ quan sát đoàn người đang từng bước đến gần.

Đến nơi kết tinh giá trị đất mẹ, nơi cho ta thấy quý mến hơn từng giây phút hòa bình hiện tại. Dẫn đầu đoàn đi là những bóng áo chàm, áo lính nhấp nhô theo nhịp bước. Những đoạn đường gian nan còn đang ở phía trước nhưng nhìn bóng dáng những người lính, người dân đang khoan thai tiến bước, chúng tôi thêm vững tâm, ấm lòng.

Ở nơi ấy - nơi tận cùng đất Việt, nơi chỉ có khó khăn, vất vả làm thi vị của cuộc sống vẫn có những người kiên gan đương đầu cho chúng tôi cuộc sống thanh bình trong nội địa.

Pu Si Lung huyền bí

Dẫn đầu đoàn đi là những bóng áo chàm, áo lính nhấp nhô theo nhịp bước. Phần đường gian nan còn đang ở phía trước nhưng nhìn bóng dáng những người lính, người dân đang khoan thai tiến bước, chúng tôi thêm vững tâm, ấm lòng.

Ở nơi ấy - nơi tận cùng đất Việt, nơi chỉ có khó khăn, vất vả làm nên sự thi vị của cuộc sống vẫn có những người kiên gan đương đầu cho chúng tôi cuộc sống thanh bình trong nội địa.

Đoàn chúng tôi lên đường khi mặt trời đã chếch bóng. Đường lên đỉnh Pu Si Lung dài (khoảng hơn 40km) và hiểm trở vô cùng. Trong buổi chiều đầu tiên chúng tôi phải vượt qua dốc Yên Ngựa (cách gọi của người dân địa phương). Tuy anh Lỳ Láo Cà - người gùi đồ và dẫn đường nói rằng đây là con dốc dễ đi nhất nhưng chúng tôi vẫn phải dành quá nửa buổi chiều để vừa đi, vừa bò lên đỉnh dốc.

Dốc núi ở đây có một đặc điểm là khi lên thì chỉ có kéo gối lên tận ngực mà trèo còn khi xuống lại phải chúi đầu về phía cây gậy mà tụt dốc. Đoàn người lúc xuất phát còn tán chuyện rôm rả nhưng khi được non nửa dốc đã thấy có sự tách tốp và những câu chuyện rôm rang khi nào đã thay cho những tiếng thở nặng nhọc.

Vốn là phóng viên miền núi, quen leo núi, trèo đèo nhưng tôi cũng rơi vào tình trạng mồm mũi tranh nhau thở, lưng, tóc ướt đẫm mồ hôi trong khi sương núi cứ đượm, cứ quyện, đặc sánh, lạnh buốt như lớp kẹo bông quanh mình. Đi trong thiên nhiên hoang dã chúng tôi không chỉ được ngửi cái mùi ngai ngái của thảm mục, được ngắm những bông hoa chuối đỏ lựng như bó đuốc, được nghe tiếng chim tróc gọi bầy hay lặng nhìn những nhành lan lặng lẽ, e lệ mà kiêu sa trên thân cây. Có lẽ những phần thưởng ấy đã khiến chúng tôi thêm động lực để khám phá nơi tận cùng của Tổ Quốc.

Khi thấy chúng tôi tỏ ra vô cùng mệt mỏi, anh Lỳ Láo Cà chia sẻ: Tôi nghe bố kể, ngày xưa, để bảo vệ Tổ quốc các chú, các bác bộ đội cũng phải đi trên những sườn núi này với đầy đủ quân trang vũ khí. Nghe vậy chúng tôi vừa cảm phục, biết ơn vừa có thêm động lực dấn bước bởi các chú, các bác ngày ấy đâu có ai gùi đồ, dẫn đường, đâu có ai mang giúp vũ khí quân trang...

Buổi tối đầu tiên đoàn dựng lán tại thượng nguồn con suối Nậm Sì Lường. Tên suối ấy là gọi theo tiếng dân tộc Thái, còn đối với người La Hủ ở đây nó có tên là Lò Ma Khụ Nước suối ở đây mát lạnh, trong vắt và rất thơ mộng. Tiếng nước rì rào có thể làm nao lòng bất kỳ người nào được chứng kiến. Dòng suối này không chỉ cung cấp nước tưới cho vùng hạ du của bào con đôi bờ mà còn là một nguồn năng lượng lớn cho thủy điện Nậm Sì Lường, góp phần đắc lực trong việc xóa bỏ tình trạng phải sử dụng điện của các máy phát điện diezel vừa ồn ào, tốn kém, không ổn định và yếu...

Lương thực của đoàn mang theo chỉ là gạo, lương khô còn rau thì hoàn toàn phụ thuộc vào sự hào sảng của thiên nhiên. Ở đây có khá nhiều chuối rừng và đó là gợi ý tuyệt vời cho món rau xanh của cả đoàn. Những cây chuối ở đây thật khác các loại chuối nhà. Cây nào cây nấy thẳng tắp, cao lênh khênh, ít lá nhưng lại rất mềm. Phần lõi non của cây chuối thái nhỏ, trộn với gia vị thành món nộm tuyệt với với dân phượt.

Đêm đầu tiên ngủ rừng chúng tôi được chứng kiến cả mưa và lũ. Tuy đoàn dựng lán cạnh dòng suối nhưng thật may nhờ có rừng che trở, cơn lũ đêm chỉ nhẹ nhàng như chút kỷ niệm mà rừng thiêng dành cho đoàn.

Thử thách đầu tiên trong ngày thứ hai leo núi là vượt Dốc Ba Tiếng. “Tên con dốc này được những đoàn leo núi đặt như vậy bởi người đi nhanh cũng phải mất 3 tiếng đồng hồ mới lên được đến đỉnh. Nhiều đoàn đã đến đây, đứng dưới chân dốc ngước lên đỉnh rồi quay về” - thiếu úy Hoàng Văn Lịch - Đồn Biên phòng Pa Vệ Sử cho biết.

Và quả thật đoàn chúng tôi cũng đã có những người không đủ thể lực, cũng đứng dưới chân con dốc sừng sững, ngước lên rồi cúi mặt đưa ra quyết định: Quay về. Dốc Ba Tiếng đúng là thử thách thực sự của bất kỳ phượt thủ nào. Dốc cứ lên, lên, lên mãi, không có lấy một mảnh mặt bằng nghỉ chân.

Trận mưa đêm trước càng tăng độ khó cho đoàn chúng tôi khi đất dưới chân nhão nhoét, trơn tuột. Con dốc này đốt gần như toàn bộ số nước dự trữ của đoàn. Nhưng thiên nhiên cũng hào sảng như trồng sẵn những bụi cây mâm xôi khổng lồ dọc đường. Ngọn cây mâm xôi vừa bổ sung nước vừa có đường và khoáng chất, lại có mùi thơm dễ chịu.

Qua dốc Ba Tiếng là đến Lán Trâu. Ở đây có hai vợ chồng ông Vàng Và Chờ đã sống ở đây rất nhiều năm. Ông Chờ ở đây để nuôi trâu và cũng là tai mắt của lực lượng chức năng trong việc bảo vệ đường biên, mốc giới, bảo vệ tài nguyên quốc gia.

Với sự hào phóng của của người dân miền núi, ông Chờ cho chúng tôi nào ong rừng, nào là ngô nếp và lời chúc thia mà pi (chúc may mắn). Từ Lán Trâu chúng tôi xuôi Dốc Ba Tiếng với gần 2 giờ đồng hồ để nghỉ chân ăn trưa. Và cứ thế, suốt 3 ngày trời đoàn chúng tôi cứ lên lại xuống những con dốc có những cái tên mà chỉ dân phượt mới hiểu như Dốc Khô, Núi Cỏ Cháy, Dốc Con Dúi, Đồi Mỹ Nhân... Ngày đi - đêm nghỉ, hôm thì đoàn cắm trại tại bờ suối, hôm thì ngủ hang đá ven đường và đương nhiên thực đơn suốt hành trình vẫn là lương khô, rau rừng và nước suối.

Đường lên đỉnh Pu Si Lung qua những trảng rừng cổ thụ với nhưng thân cây có lẽ đã sinh ra từ thời tiền sử to đến mấy người ôm, rong rêu, cổ kính đẹp như cổ tích. Có những trảng rừng gần như chỉ có một loại cây ấy là hoa đỗ quyên với những cây phải ba người ôm mới hết.

Rừng ở đây đặc biệt nhiều phong lan trong đó có cả những loài lan đẹp và quý như hoàng thảo u lồi, hoàng thảo đùi gà, hoàng thảo nghệ tâm, giả hạc, hạc vỹ đặc biệt là hoàng thảo kèn - loại lan cực kỳ quý hiếm và chỉ còn ở Lai Châu...

Ở đây cũng có rất nhiều cây thuốc, anh Lù Văn Hạnh - một cán bộ lâm sinh và là một lương ý ở xã Quang Kim - Bát Xát (Lào Cai) chỉ cho chúng tôi nào là giảo cổ lam (vừa làm thuốc vừa là rau ăn hàng ngày của đoàn), nào là khúc khắc, ba kích, ruột gà (tên những cây thuốc quý)...

Trên hành trình không ít lần chúng tôi được nghe tiếng nai tác, tiếng thú gọi bầy và cả những chú rắn khá lạ mắt... Những người gùi đồ kể: Rừng này còn nhiều loại thú quý hiếm như báo, khỉ, sơn dương, còn con suối Lò Ma Khụ đang rì rào chân dốc cũng đang chứa trong lòng cả một nguồn sa khoáng chưa đong đếm được. Hóa ra rừng Pu Si Lung đẹp không chỉ hoang sơ mà những giá trị vật chất nằm trong nó còn là cả một kho báu vô giá mà cha anh đã giữ gìn cho chúng ta hôm nay.

Chúng tôi đến cột mốc số 42 (ở độ cao 2.800m) trong ngày leo núi thứ 4. Giữa đất trời hoang vu, cột mốc bằng đá hoa cương sừng sững, uy nghi, được xây dựng kiên cố. Những đường, những nét của cột mốc như chứa đựng bao điều thiêng liêng về chủ quyền đất nước.

Đến đây, nghe những giai thoại về chuyến hành trình của những người khiêng cột mốc (nặng cả trăm kg) từ chân núi lên đây xây dựng, nghe kể về việc họ phải đối mặt với mưa đá, sét đánh, muỗi, vắt, rét mướt... chúng tôi càng quý, càng yêu từng đường nét của khối đá hoa cương lặng lẽ mà ẩn chứa trong mình biết bao hy sinh và ý nghĩa.

Từ vị trí mốc giới phóng tầm mắt sang nước bạn rồi nhìn lại đất mình với những nguồn tài nguyên vô giá của thiên nhiên tôi càng thêm yêu Tổ quốc. Ở nơi chỉ một bước chân là sang đất bạn mới cảm nhận được sự thiêng liêng của đất mẹ.

Từ cột mốc số 42 chúng tôi mất thêm 17km luồn rừng, vượt dốc nữa mới tới được đỉnh Pu Si Lung. Và sau hơn 4 giờ vượt núi, với vô vàn khó khăn cùng những điều thú vị của rừng già chúng tôi có mặt ở vị trí cao thứ 3 trên đất Việt: 3.083m. Ở đây mây trời như rất thấp, bầu trời như xanh hơn, rộng hơn, mặt trời rất sáng nhưng cũng rất lạnh. Cây rừng chỉ lúp xúp nhưng xù xì, kỳ lạ...

Sau bao vất vả có lúc tưởng chừng không vượt qua chúng tôi đã ghi tên mình là đoàn leo núi thứ 3 từ trước tới nay tới được đỉnh Pu Si Lung. Đứng ở nơi ấy, nhìn về đất mẹ mến yêu, nhìn ngắm rừng núi thanh bình, bản làng thơ mộng phía xa xa, ngẫm lại hành trình gian nan chúng tôi càng thấm thía, càng hiểu và trân trọng những người đã hy sinh cũng như những người đang ngày đêm bám dân, bám bản, bám biên giới để bảo vệ biên cương Tổ quốc.

Chuyến hành trình chinh phục đỉnh cao không chỉ cho chúng tôi biết thêm một địa danh mà còn cho chúng tôi thêm nâng niu những giá trị mà những người đi trước và những người hôm nay đang lặng thầm hy sinh để giữ yên bờ cõi.

khánh kiên

Nguồn Người Tiêu Dùng: https://laodong.vn/du-lich/chinh-phuc-pu-si-lung-ky-vi-575323.ldo