TỔ 7 THẢO LUẬN VỀ TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ-XÃ HỘI VÀ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN TRONG NHỮNG NĂM TỚI

Thực hiện Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, sáng ngày 2/11, Tổ 7 gồm Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh: Lai Châu, Nghệ An, Trà Vinh thảo luận ở Tổ về các báo cáo của Chính phủ đối với tình hình kinh tế -xã hội năm 2020; kế hoạch phát triển trong những năm tiếp theo.

Tại phiên thảo luận ở Tổ, đa số các đại biểu tập trung đóng góp ý kiến về các nội dung: Đánh giá kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch 5 năm giai đoạn 2016-2020: phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn; Kết quả thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020; Dự kiến mục tiêu chủ yếu và một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và các kế hoạch: đầu tư công trung hạn, tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025; Chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện Dự án hồ chứa nước sông Than, tỉnh Ninh Thuận, Dự án hồ chứa nước Bản Mồng, tỉnh Nghệ An.

Các đại biểu ở Tổ 7 thảo luận về các báo cáo của Chính phủ đối với tình hình kinh tế -xã hội năm 2020; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội những năm tiếp theo.

Đề cập việc chuyển đổi sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án hồ chứa nước sông Than, tỉnh Ninh Thuận, dự án hồ chứa nước Bản Mồng, tỉnh Nghệ An, đại biểu Nguyễn Thanh Hiền – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An, đồng tình với việc chuyển đổi này. Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Thanh Hiền, việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang để làm những cái khác sẽ liên quan đến tiến độ thực hiện, hoàn thành; ảnh hưởng môi trường, quy trình và cách thức làm. Những vấn đề đặt ra với việc trồng rừng thay thế phải tính đến độ che phủ rừng và khi thực hiện cân nhắc tới tác động đến môi trường nên cần được tính toán và cân nhắc kỹ lưỡng.

Đối với kết quản thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch 5 năm giai đoạn 2016-2020, đại biểu Nguyễn Thanh Hiền cho rằng, năm nay, việc phát triển kinh tế - xã hội của nước ta chịu tác động của đại dịch Covid-19 và tình hình bão lũ đã ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân miền Trung. Vì vậy, dự kiến mục tiêu chủ yếu và một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 cần tập tủng cố gắng phòng chống dịch bệnh, kiềm chế lạm phạt, ưu tiên trọng điểm vào sự phát triển kinh tế, cơ sở hạ tầng ở từng vùng miền.

Đại biểu Tống Thanh Bình – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu nêu quan điểm.

Góp ý vào chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và các kế hoạch: đầu tư công trung hạn, tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025, đại biểu Tống Thanh Bình – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu, nêu quan điểm: Việc phân bổ, giao vốn hàng năm chậm nên ảnh hưởng tiến độ, kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Thực hiện Nghị quyết 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia 2016-2020 còn có sự chồng chéo, trùng lắp về nội dung nên cần có sự điều chỉnh kịp thời.

Đồng thuận với quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Hữu Toàn – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu, cho rằng nên có sự đánh giá hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và nông thôn mới một cách hiệu quả. Ngoài ra, với đại dịch Covid-19 còn diễn biến khó lường thì khả năng bội chi ngân sách trong năm 2020 có thể còn cao hơn. Mặt khác, nguồn lực còn hết sức khó khăn nên mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội trong những năm tới khó có thể đạt được như đề ra. Điều này đòi hỏi Chính phủ, Quốc hội cần có kế hoạch đầu tư công trung hạn tập trung vào những dự án, công trình thiết thực như sửa chữa an toàn hồ đập, chữa nước.

Các đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh tham dự phiên thảo luận ở Tổ 7.

Góp ý vào vấn đề trên, đại biểu Lê Quang Huy – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An, cho rằng nhằm phòng chống bão lũ, sạt lở hiệu quả thì phải chú trọng đến an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập nên cần thêm nguồn lực thực hiện. Bên cạnh đó, ưu tiên nguồn lực cho các địa phương thực hiện hệ thống cầu đường, điện lưới, trường học, trạm y tế. Ngoài ra, từ năm 2020-2025 cần tập trung nguồn lực cho việc chuyển đổi số vì cần hạ tầng viễn thông thật tốt.

Phát biểu tại Tổ 7, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định: Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm trong 5 năm 2015-2020, các mục tiêu về thu chi ngân sách, bội chi, nợ công cơ bản là nước ta đã đạt được. Tuy nhiên, trong năm 2020, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường nên đã ảnh hưởng đến tốc độ phát triển kinh tế-xã hội và khó khăn cho các địa phương tổ thực hiện các đề án, chương trình mục tiêu quốc gia theo kế hoạch vì thiếu nguồn lực. Vì vậy, Chính phủ đã đề xuất bội chi ngân sách không thể đạt được như đề ra mà còn cao hơn nhưng vẫn nằm trong trần nợ công. Mặt khác, Quốc hội đã cho sửa Luật Thuế, Luật Quản lý thuế và bám sát kế hoạch kinh tế trong 5 năm 2021-2026. Việc chi cho đầu tư công sẽ tập trung vào những dự án trọng điểm, thiết yếu. Ngoài ra, chú trọng đến phát triển nông nghiệp, công nghiệp để không phụ thuộc vào nguyên liệu ở các nước khác.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại Tổ 7.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, trong 5 năm tới, chúng ta tiếp tục thực hiện những thành quả đã đạt được trong thời gian qua và phải có tầm nhìn đến năm 2030 và đến năm 2045. Nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục tập trung phòng chống, kiểm soát đại dịch Covid-19, công tác phòng chống lũ lụt, xâm nhập mặn, sạt lở bờ biển, bờ sông. Quốc hội giao cho Chính phủ cần có đề án đảm bảm phòng chống bão lũ, an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập, an ninh năng lượng. Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số tránh trùng lắp với Chương trình giảm nghèo và Chương trình nông thôn mới nhưng cần có thêm thời gian để tín toán, nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng hơn vì liên quan đến nguồn lực đầu tư.

Cũng tại phiên thảo luận ở Tổ 7, một số đại biểu còn cho ý kiến về tình trạng thừa -thiếu giáo viên ở các địa phương còn diễn ra nên cần có biện pháp khắc phục. Ở cấp Tiểu học dạy 2 buổi/ngày nhưng nhiều nơi lại thiếu đất, phòng học nên cần được ưu tiên xây dựng. Ngoài ra, năm nay, lớp 1 được giảng dạy và học tập theo sách giáo khoa mới nhưng giá thành sách đắt hơn các năm trước nhưng ở vùng sâu vùng xa, dân tộc thiểu số không thể mua được nên cần có sự hỗ trợ. Chủ trương thực hiện tự chủ đại học còn chậm và lúng túng, ảnh hưởng tới chất lượng nguồn nhân lực nên đề nghị Quốc hội quan tâm hơn.

Theo dự kiến chương trình kỳ họp thứ 10, Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận trực tiếp về hình kinh tế -xã hội năm 2020; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội những năm tiếp theo vào ngày 03/11/2020. Tại phiên thảo luận này, thành viên Chính phủ sẽ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu; Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội phát biểu một số vấn đề liên quan./.

Bích Lan-Minh Thành

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=49594