Tổ chức bộ máy chính quyền đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới

Ngày 9-12, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 97/2019/QH14 về Thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội. Đây là cơ hội để Hà Nội xây dựng hệ thống chính quyền hiệu lực, hiệu quả, gần dân, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của người dân. Theo Nghị quyết, chính quyền quận, huyện, thị xã, xã, thị trấn trên địa bàn Hà Nội là cấp chính quyền địa phương, gồm có HĐND và UBND.

Ở các phường thuộc quận, thị xã là UBND phường, không tổ chức HĐND. UBND phường là cơ quan hành chính nhà nước ở phường, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Nghị quyết này và theo phân cấp, ủy quyền của UBND, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, UBND, Chủ tịch UBND quận, thị xã.

Sau khi Nghị quyết được thông qua, đông đảo cử tri và cán bộ, nhân dân TP Hà Nội đã bày tỏ sự nhất trí, cũng như kỳ vọng Nghị quyết sẽ là động lực để Hà Nội tiếp tục phát triển, xứng tầm với vị thế Thủ đô. Cử tri thành phố cho rằng, việc không tổ chức HĐND phường là yêu cầu cần thiết, đúng hướng, khi nước ta đang tiến nhanh trong quá trình hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng lưu ý, sự thành công của chính quyền đô thị không nằm ở việc tinh giản được bao nhiêu nhân lực, giảm được bao nhiêu thủ tục hành chính, mà chính là ở cách vận hành bộ máy hoạt động sao cho hiệu quả. Việc không tổ chức HĐND cấp phường cũng đồng nghĩa với việc quyền hạn và trách nhiệm sẽ tập trung vào người đứng đầu UBND phường.

Thiếu đi một cơ quan giám sát, mỗi lãnh đạo cấp cơ sở sẽ cần nhận thức rõ hơn về trách nhiệm được giao, tăng cường tính chủ động, sáng tạo trong công việc. Nhất là phải chủ động đi sâu, đi sát, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân để giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc. Và vấn đề cốt lõi là phải bảo đảm quyền làm chủ của người dân, của cử tri. Chính vì vậy, cần chú trọng tới nguồn lực con người, bởi đây là yếu tố quyết định thành công và hiệu quả của mô hình mới về quản lý hành chính nhà nước cấp cơ sở. Về lâu dài, cần tổ chức đào tạo và chuẩn bị sẵn nguồn nhân lực phù hợp, có trình độ, đáp ứng những yêu cầu nhiệm vụ mới.

Việc Thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2021. TP Hà Nội sẽ chính thức thực hiện từ ngày 1-7-2021 cho đến khi Quốc hội quyết định chấm dứt việc thực hiện thí điểm. Tuy nhiên, ngay từ bây giờ, công tác chuẩn bị đã được thành phố triển khai.

Chiều 11-12, tại hội nghị triển khai kế hoạch kinh tế - xã hội, dự toán thu chi ngân sách, tổng biên chế hành chính, sự nghiệp năm 2020, lãnh đạo thành phố yêu cầu các quận, huyện, thị xã xây dựng phương án sắp xếp đội ngũ cán bộ là chủ tịch, phó chủ tịch chuyên trách HĐND các phường bảo đảm hợp lý, ổn định.

Rà soát đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, bố trí phù hợp về số lượng, vị trí việc làm theo đúng quy định tại Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24-4-2019 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố. Thành phố cũng yêu cầu các đơn vị có liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt đối với cấp cơ sở, tạo nhận thức thấu đáo, đồng thuận để việc thực hiện Nghị quyết số 97/2019/QH14 về Thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội đạt hiệu quả cao.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/42564602-to-chuc-bo-may-chinh-quyen-dap-ung-yeu-cau-nhiem-vu-moi.html