Tổ chức các sự kiện nghệ thuật: Cần chuyên nghiệp hơn và quản lý chặt hơn

Những năm gần đây, các sự kiện văn hóa nghệ thuật lớn, nhỏ diễn ra trên khắp cả nước phần nào đã tạo ra một không khí sôi nổi trong đời sống văn hóa. Tuy nhiên, thực tế không ít sự kiện lấy lợi ích doanh số đặt lên hàng đầu dẫn đến chất lượng và tính chuyên nghiệp chưa cao. Do đó, đã đến lúc tổ chức các sự kiện cần phải được quản lý chặt hơn và chuyên nghiệp hơn.

Chưa tạo được môi trường âm nhạc

Những năm gần đây, không chỉ nhà nước, cá nhân nghệ sĩ mà các doanh nghiệp, tập đoàn lớn cũng đã tham gia lĩnh vực nghệ thuật, tạo nên các không gian, sản phẩm, chương trình nghệ thuật hấp dẫn, thu hút sự tham gia của nghệ sĩ trong nước và quốc tế. Có thể kể tới một số sự kiện đánh dấu sự mở cửa hòa nhập với dòng chảy của nghệ thuật thế giới như: Festival Huế năm 2000, các chương trình nghệ thuật thực cảnh như Tinh hoa Bắc bộ, Ký ức Hội An…Song để vươn tới một nền công nghiệp văn hóa thực thụ thì chặng đường vẫn còn dài.

Lễ hội âm nhạc quốc tế Gió mùa (Monsoon) là sự kiện âm nhạc điển hình mang tính chuyên nghiệp tại Việt Nam.

Lễ hội âm nhạc quốc tế Gió mùa (Monsoon) là sự kiện âm nhạc điển hình mang tính chuyên nghiệp tại Việt Nam.

Tại Hội thảo “Chuyên nghiệp hóa trong tổ chức các sự kiện nghệ thuật tại Việt Nam” do Đại sứ quán Đan Mạch phối hợp Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức, Phó giáo sư, tiến sĩ (PGS.TS) Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia cho rằng, tính chưa chuyên nghiệp bắt nguồn từ sự thiếu liên kết trong các mắt xích từ nhà tổ chức, nghệ sĩ, đơn vị cung cấp dịch vụ, sản phẩm, cũng như những người làm truyền thông, nhà tài trợ, nhà quản lý. Việc chưa tạo được môi trường âm nhạc chuyên nghiệp, chưa có những sản phẩm âm nhạc thương hiệu đã làm vuột mất nhiều cơ hội lớn trong giao lưu và kết nối âm nhạc.

Dẫn chứng cụ thể tại Lễ hội âm nhạc Gió mùa (Monsoon), nhạc sĩ Quốc Trung phân tích, để có thể mời được một ngôi sao lớn đến biểu diễn thì yêu cầu họ đặt ra không chỉ là yếu tố kinh tế mà sự kiện phải có tính chuyên nghiệp, quảng đại. Mặc dù cát-sê của các sao ngày càng tăng nhưng những yêu cầu đi kèm theo như lượng khán giả theo dõi ít nhất là 30 ngàn - 50 ngàn người, thì chúng ta cũng chưa đáp ứng được.

“Nếu mời ngôi sao quốc tế đến thì phải có thị trường tốt họ mới đồng ý. Còn không, chúng ta phải trả giá cao hơn, nếu không dành cơ hội mời ngôi sao khi chưa nổi tiếng thì khó có cơ hội như ban tổ chức lễ hội Monsoon lúc trước liên lạc với quản lý của Billie Eilish sang đây, nhưng vì không có tour biểu diễn nên cô không nhận lời. Đến năm nay, cát-xê của cô cao gấp 10 lần (lên đến 10 triệu bảng) thì khó có điều kiện mời sang”, nhạc sĩ Quốc Trung nói.

Nhạc sĩ Quốc Trung cũng cho biết, có ý kiến thắc mắc vì sao lễ hội Gió mùa năm nay không có nghệ sĩ được giải Grammy hay ngôi sao quốc tế tham gia thì theo ông, với ngôi sao hàng đầu thế giới kể cả chúng ta đáp ứng thỏa thuận về tiền bạc đi chăng nữa thì không phải lúc nào họ cũng sẵn sàng đến một Festival nếu chưa có uy tín cũng như kinh nghiệm tổ chức biểu diễn. Điều quan trọng là Việt Nam chưa phải là thị trường đủ mạnh như các nước khác trong khu vực để mời các ngôi sao hàng đầu thế giới tới biểu diễn bởi điều đơn giản nhất là họ cần tối thiểu 30, 40 ngàn khán giả đến xem họ mới biểu diễn. Nền công nghiệp biểu diễn ở Việt Nam đáng tiếc là chưa có địa điểm nào có sức chứa đáp ứng yêu cầu như trên.

Tính chuyên nghiệp là cần thiết

Bà Nguyễn Phương Hòa – Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) cho biết, trong khi Việt Nam đang thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, thì tính chuyên nghiệp trong việc tổ chức các sự kiện văn hóa nghệ thuật là cần thiết. Lễ hội Âm nhạc quốc tế Gió mùa (Monsoon Music Festival) được chọn như một nghiên cứu điển hình. Đây là sự kiện mang tính chuyên nghiệp, đạt chuẩn mực quốc tế.

Sau 5 năm, Lễ hội Âm nhạc quốc tế Gió mùa đã tạo danh tiếng cả trong nước và quốc tế, nhiều ban nhạc nổi tiếng sẵn sàng đến Việt Nam biểu diễn, thu hút nghệ sĩ Việt Nam và hàng chục ngàn khách tham dự mỗi đêm. Tuy nhiên, không phải sự kiện nghệ thuật nào ra đời cũng thành công và thu hút sự chú ý của nghệ sĩ cũng như công chúng.

Tại buổi thảo luận, các chuyên gia cho rằng, để tạo được sự chuyên nghiệp trong tổ chức sự kiện tại Việt Nam, cần có sự kết nối, tạo ra mạng lưới chặt chẽ giữa các bên: Nhà tổ chức, nghệ sĩ, đơn vị cung cấp dịch vụ, sản phẩm, cũng như những người làm truyền thông, nhà tài trợ... Bên cạnh đó, cần nâng dần chất lượng cơ sở vật chất, địa điểm biểu diễn với các điều kiện về kỹ thuật đạt tiêu chuẩn cơ bản, để thu hút nghệ sĩ quốc tế đến nước ta, tạo sự hội nhập của nghệ thuật trong nước với quốc tế. Ngược lại, khi nghệ sĩ Việt Nam biểu diễn trong các điều kiện âm thanh ánh sáng đạt chất lượng tiêu chuẩn, họ cũng sẽ nâng dần chất lượng và tiến tới có thể biểu diễn tại các Festival có tiếng trên thế giới.

Bà Louise Holmsgaard - Phó Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam nhấn mạnh, văn hóa và nghệ thuật là một trong những lĩnh vực trọng tâm trong hợp tác ngày càng toàn diện giữa Việt Nam và Đan Mạch. Lễ hội âm nhạc quốc tế Gió mùa được lấy cảm hứng từ Roskilde Festvial của Đan Mạch đã tạo tiếng tăm tốt cả trong nước và quốc tế. Nhiều ban nhạc nổi tiếng thế giới sẵn lòng đến Việt Nam biểu diễn, lễ hội thu hút nghệ sĩ Việt Nam và hàng chục nghìn khách tham dự mỗi đêm. Đây là ví dụ tuyệt vời cho việc tổ chức chuyên nghiệp các sự kiện nghệ thuật ở Việt Nam.

Theo PGS.TS Nguyễn Hoài Sơn, thực tế cho thấy ngành công nghiệp văn hóa tại Việt Nam hiện nay tính liên kết còn chưa cao, dẫn đến việc công chúng chưa mấy mặn mà với một số sản phẩm văn hóa của nước nhà. Vì vậy, chúng ta cần nâng cao hơn nữa tính chuyên nghiệp của các chương trình văn hóa nghệ thuật để tạo được niềm tin và sự quan tâm của công chúng. Đồng thời, chú trọng xây dựng thương hiệu cho các nghệ sĩ, các sự kiện, các công ty tổ chức sự kiện và các điểm đến văn hóa.

Ông Sơn cũng nhấn mạnh: “Sự sáng tạo cần có thị trường, vậy nên phải có những quy định cụ thể và rõ ràng đảm bảo cho các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, tránh việc vi phạm bản quyền. Hiện nay, Luật bản quyền của Việt Nam được đánh giá là tương đối đầy đủ và tiên tiến nhưng khi áp dụng trên thực tế còn gặp nhiều khó khăn, đây cũng là vấn đề chúng ta cần lưu tâm”.

Còn Nhạc sĩ Quốc Trung chia sẻ, những ngày đầu tiên khi xin giấy phép tổ chức lễ hội âm nhạc quốc tế, nhiều người không hiểu hình thức này như thế nào, họ tưởng đây là buổi biểu diễn âm nhạc. Theo nhạc sĩ, để tháo gỡ, cần tìm được tiếng nói chung với cơ quan quản lý. Cần để họ hiểu và chia sẻ những khó khăn để hỗ trợ, cùng nhau hướng tới sự chuyên nghiệp. Vì vậy, việc hình thành và tạo hệ sinh thái bổ trợ nhau từ nhà sản xuất đến chuyên gia âm nhạc, doanh nghiệp… có ý nghĩa rất quan trọng trong các hoạt hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp.

Cùng chia sẻ trăn trở này, bà Conny Jorgensen, người gắn bó lâu dài với Lễ hội âm nhạc SPOT (Đan Mạch), một lễ hội âm nhạc lớn có bề dày 25 năm, cũng cho rằng sự kết nối là yếu tố mấu chốt cho thành công của một sự kiện âm nhạc.

Bảo Thoa

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/to-chuc-cac-su-kien-nghe-thuat-can-chuyen-nghiep-hon-va-quan-ly-chat-hon-99095.html