Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế Interpol hoạt động như thế nào?

Vụ việc cựu Chủ tịch Interpol Mạnh Hoành Vĩ bị chính phủ Trung Quốc bắt giữ với lý do phạm tội tham nhũng đã gây xôn xao thế giới những ngày qua. Vậy thực sự Interpol là gì và tổ chức này hoạt động như thế nào?

Mặc dù được coi là “cục cảnh sát quốc tế”, song Interpol không phải là một sở cảnh sát. Ông John Cohen, cựu Thứ trưởng Bộ An ninh Nội địa Mỹ cho biết: “Nhiều người tin rằng Interpol là một nhóm những điều tra viên được đào tạo chuyên biệt, có chức năng đi khắp thế giới để truy lùng tội phạm quốc tế”.

Tổ chức Interpol đã thu hút sự chú ý của thế giới sau khi chủ tịch Mạnh Hoành Vĩ bị bắt.

“Tuy nhiên, nó thực ra là một tổ chức quốc tế được thành lập để thực hiện hai chức năng, đó là tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan cảnh sát của các nước và cải thiện quá trình chia sẻ thông tin giữa họ”, ông Cohen nói.

Interpol có nhiều sĩ quan cảnh sát thường trực, song họ đều có giấy ủy nhiệm từ quốc gia quê hương mình và được yêu cầu công tác tại Interpol. Các sĩ quan cảnh sát thuộc Interpol cũng làm những nhiệm vụ ở nhiều nơi trên thế giới, tuy nhiên họ chỉ xuất hiện khi một quốc gia nào đó mời Interpol hợp tác vào quá trình điều tra. Interpol không được phép điều động sĩ quan để tìm kiếm tội phạm, tiến hành điều tra hay bắt giữ người.

Tổ chức này trở thành tâm điểm của thế giới khi cựu Chủ tịch và cũng là Thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc Mạnh Hoành Vĩ bị mất tích trong nhiều ngày, sau đó chính phủ Trung Quốc tuyên bố rằng ông này đã bị bắt giam vì tội tham nhũng.

Interpol được thành lập vào năm 1923 và có trụ sở chính tại thành phố Lyon (Pháp). Cơ cấu của tổ chức này về nhiều mặt khá giống với Liên Hợp Quốc. Interpol có một Đại hội đồng đứng đầu bởi một Chủ tịch, vị trí mà ông Mạnh từng nắm giữ.

Đại Hội đồng bầu ra một Ủy ban điều hành, bao gồm những cá nhân có uy tín từ nhiều nơi trên thế giới. Hiện người đứng đầu Ủy ban này là Tổng thư ký Jurgen Stock đến từ Đức. Tổ chức có đội ngũ nhân viên khoảng 800 người và có ngân sách hàng năm là 130 triệu USD.

Sau vụ khủng bố 11/9, Interpol đã thay đổi đường hướng nhiệm vụ và mở rộng chức năng của mình do các nước trên thế giới lo ngại mối đe dọa ngày càng lớn từ các tổ chức khủng bố quốc tế. Interpol cũng thành lập những trung tâm chia sẻ thông tin trên toàn cầu để giúp các nước thành viên đối phó với những mối đe dọa hình sự và khủng bố.

Trong quá khứ, tổ chức này đã từng bị chỉ trích do lệnh bắt giữ của Interpol đã bị nhiều chính phủ các nước lợi dụng để làm công cụ trừng phạt đối thủ chính trị. Theo luật, Interpol nghiêm cấm cơ chế phát hành trát bắt giữ của mình được dùng với mục đích chính trị.

Nhiều chuyên gia cũng chỉ trích Interpol thiên vị hơn với những quốc gia chi trả phần lớn ngân sách cho tổ chức này, ngay cả khi đó là những quốc gia được coi là phi dân chủ.

Anh Tuấn (lược dịch)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/to-chuc-canh-sat-hinh-su-quoc-te-interpol-hoat-dong-nhu-the-nao-post278233.info