Tổ chức Công đoàn Việt Nam mãi là lực lượng tiên phong

Sáng 2/12, tại Thủ đô Hà Nội, Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2023-2028 bước vào phiên trọng thể với sự tham dự của 1.100 đại biểu, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và trí tuệ của hơn 11 triệu đoàn viên công đoàn cả nước. Đại hội vinh dự được đón các đồng chí: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng; nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, Nguyễn Sinh Hùng...Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu chỉ đạo Đại hội.

Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam diễn ra từ ngày 1 đến 3-12, có nhiệm vụ đánh giá khách quan, toàn diện việc thực hiện nghị quyết Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII, cụ thể hóa các chủ trương của Đảng về xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn vững mạnh, kiểm điểm vai trò lãnh đạo của Ban Chấp hành, Đoàn chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XII.

Xác định mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ phong trào công nhân, viên chức, lao động và hoạt động công đoàn 5 năm tới; sửa đổi, bổ sung Điều lệ Công đoàn. Bầu Ban Chấp hành Tổng liên đoàn khóa mới thực sự tiêu biểu về phẩm chất, chính trị, đạo đức, năng lực công tác, có bản lĩnh, trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo thực hiện nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam.

Để thực hiện được mục tiêu cao cả đó, hơn lúc nào hết, công nhân lao động và tổ chức công đoàn nước ta cần nhận thức đầy đủ và sâu sắc hơn nữa về vị trí, vai trò và sứ mệnh lịch sử của mình, chung tay xây dựng Công đoàn Việt Nam ngày càng vững mạnh toàn diện, xứng đáng là tổ chức đại diện lớn nhất, trung tâm tập hợp, đoàn kết giai cấp công nhân và người lao động cả nước; là lực lượng tiên phong trong thực hiện nhiệm vụ phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Đây là chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (nhiệm kỳ 2023 - 2028) Công đoàn Việt Nam.

Tổng Bí thư nêu rõ: Trải qua hơn 94 năm xây dựng, hoạt động, trưởng thành và phát triển, chúng ta có quyền tự hào và khẳng định rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Công đoàn Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, tuyệt đối trung thành với Đảng và giai cấp, có những đóng góp xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của cách mạng, góp phần quan trọng xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng lớn mạnh. Trong giai đoạn đất nước đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng hiện nay, vai trò, vị thế của tổ chức Công đoàn càng được khẳng định, phát huy mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Tổng Bí thư nhấn mạnh: quán triệt các Nghị quyết Đại hội XII, XIII của Đảng, thực hiện Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam, các cấp công đoàn cả nước đã vượt mọi khó khăn, đổi mới sáng tạo, triển khai toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm các mặt công tác, cơ bản hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu đã đề ra. Ngay sau Đại hội XII Công đoàn Việt Nam, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tổ chức tuyên truyền, học tập, quán triệt, xây dựng các chương trình hành động thực hiện Nghị quyết; tập trung thực hiện 3 khâu đột phá và các nhiệm vụ trọng tâm; tạo chuyển biến mới trong hoạt động công đoàn. Các hoạt động công đoàn đã hướng mạnh về cơ sở, mở rộng và đầu tư nhiều hơn cho khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước, tập trung vào hoạt động đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi của đoàn viên, người lao động. Với việc không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, các cấp công đoàn tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế vững chắc trong lòng đoàn viên, người lao động, nhất là trong thời điểm người lao động cả nước phải chống chọi với đại dịch Covid-19. Mô hình tổ chức bộ máy của Công đoàn ngày càng được hoàn thiện; chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn từng bước được nâng cao. Trên khắp các lĩnh vực đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến, công nhân, viên chức, lao động đi đầu và thành công trong lao động, sản xuất, kinh doanh; khẳng định vai trò của tổ chức công đoàn trong hệ thống chính trị, tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của Công đoàn Việt Nam.

Những thành tích đó không chỉ là kết quả sự nỗ lực phấn đấu của toàn thể cán bộ, công nhân, lao động, của tổ chức công đoàn, mà còn là minh chứng khẳng định vị trí, vai trò và trách nhiệm to lớn của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Tổng Bí thư hoan nghênh, chúc mừng, biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng và thành tích, tiến bộ của phong trào công nhân và hoạt động công đoàn cả nước trong nhiệm kỳ qua.

Tổng Bí thư cũng chỉ rõ: bên cạnh những kết quả, thành tích đã đạt được, cũng cần thẳng thắn thừa nhận, hoạt động của công đoàn và phong trào công nhân vẫn còn một số hạn chế, bất cập, cần sớm có giải pháp khắc phục, trong đó có cả những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra từ nhiều nhiệm kỳ nay.

Cụ thể là: (1) Về mô hình tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động của công đoàn có mặt chậm được đổi mới, chưa bắt kịp sự chuyển đổi nhanh chóng của đời sống kinh tế - xã hội và quan hệ lao động. Một bộ phận cán bộ công đoàn còn thiếu sâu sát; năng lực hạn chế, chưa thực sự nêu cao tinh thần trách nhiệm, tâm huyết, gần gũi với người lao động, thiếu kỹ năng hoạt động công đoàn. Do đó, không nắm được tâm tư, nguyện vọng và không phát huy đầy đủ vai trò đại diện bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động. (2) Về chất lượng đội ngũ công nhân, người lao động nước ta cũng có những dấu hiệu hụt hẫng và bất cập; còn không ít những đoàn viên, người lao động có trình độ nhận thức, kỹ năng nghề nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động. Công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở chưa tương xứng với sự phát triển của doanh nghiệp, người lao động, nhất là khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước (theo thống kê thì hiện nay tỉ lệ các doanh nghiệp ngoài nhà nước có tổ chức công đoàn còn rất thấp); nhiều nơi chất lượng đoàn viên chưa cao, nhất là về nhận thức chính trị; cá biệt còn một số bị các thế lực xấu, thù địch tác động, lôi kéo, kích động, làm những việc sai trái, gây mất ổn định an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Tổng Bí thư đề nghị Đại hội cần quan tâm thảo luận, phân tích kỹ các nguyên nhân tồn tại, hạn chế, rút ra các bài học kinh nghiệm, để từ đó đề ra các giải pháp khắc phục cho bằng được trong nhiệm kỳ này. Tổng Bí thư lưu ý một số nhiệm vụ cụ thể:

Trong việc chỉ đạo và triển khai hoạt động công đoàn, cần nhận thức sâu sắc và quán triệt đầy đủ, rằng Công đoàn Việt Nam là một tổ chức chính trị - xã hội hoạt động trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý; vừa là tổ chức chính trị - xã hội, vừa là tổ chức đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Hoạt động của Công đoàn đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng; Công đoàn cần tích cực phối hợp với Nhà nước, các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị và người sử dụng lao động để chăm lo, đại diện bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người lao động.

Tiếp tục coi trọng và đổi mới hơn nữa nội dung, cách làm trong việc tuyên truyền, vận động, giáo dục, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, người lao động nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, ý thức chính trị, giác ngộ giai cấp, lòng yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng lớn mạnh, hiện đại.

Các cấp công đoàn phải khẳng định được vai trò đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Mỗi cán bộ công đoàn phải luôn luôn đặt ra cho mình câu hỏi và trả lời: Người lao động vào tổ chức công đoàn để làm gì và có quyền lợi gì? Phải chăng đó là để họ được giáo dục, học tập, rèn luyện và trưởng thành; được gửi gắm tâm tư, tình cảm, nguyện vọng và quyền lợi của mình với công đoàn, tin tưởng công đoàn sẽ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho mình.

Cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa mô hình tổ chức, nội dung và phương thức hoạt động công đoàn để phù hợp với cơ cấu lao động, loại hình doanh nghiệp, nhu cầu, nguyện vọng của công nhân, người lao động và yêu cầu hội nhập quốc tế. Trước sự xuất hiện những hình thức mới của việc làm, quan hệ việc làm, sự thay đổi về nhu cầu tập hợp, liên kết của người lao động và thiết chế cho phép hình thành tổ chức đại diện người lao động độc lập ngoài công đoàn trong doanh nghiệp.

Với vị thế là một tổ chức chính trị - xã hội, là cơ sở chính trị vững chắc của Đảng, Nhà nước và Chế độ, hơn ai hết, Công đoàn phải phát huy và làm tốt hơn nữa việc tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, coi đây cũng là trách nhiệm và quyền lợi chính trị của đoàn viên, công nhân, viên chức, người lao động và tổ chức công đoàn. Để đáp ứng công tác chỉ đạo hoạt động công đoàn trong bối cảnh mới, đòi hỏi đội ngũ cán bộ công đoàn cần đủ về số lượng, không ngừng nâng cao về chất lượng.

Tổng Bí thư đề nghị các đồng chí đại biểu dự Đại hội nêu cao trách nhiệm, sáng suốt, công tâm lựa chọn những đồng chí thật sự tiêu biểu về bản lĩnh, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, có năng lực, uy tín, nhiệt tình và trách nhiệm cao vào Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XIII.

Tổng Bí thư tha thiết mong muốn và tin tưởng, nhiệm kỳ 2023 - 2028, nhiệm kỳ hướng tới kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam, tổ chức Công đoàn và phong trào công nhân, lao động Việt Nam chắc chắn sẽ có bước phát triển mới, lập nên những thành tích to lớn và ấn tượng hơn nữa, đóng góp xứng đáng vào công cuộc đổi mới, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần thực hiện sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân với đất nước và dân tộc; xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/to-chuc-cong-doan-viet-nam-mai-la-luc-luong-tien-phong-206471.htm