Tổ chức cung, chặng vận chuyển sáng tạo, bảo đảm chi viện miền Nam

Trong suốt 16 năm (1959-1975) tồn tại và phát triển, Đoàn 559 cùng các lực lượng làm nhiệm vụ trên tuyến vận tải chi viện chiến lược Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xây dựng nên tuyến vận tải chiến lược, để lại những bài học kinh nghiệm và nghệ thuật quân sự trong tổ chức vận tải chi viện chiến lược, trong đó nổi bật là tổ chức những cung, chặng sáng tạo, bảo đảm chi viện chiến trường miền Nam đạt hiệu quả cao.

Những năm đầu mới thành lập (1959-1964), trên các tuyến đường ở phía đông Trường Sơn, Đoàn 559 bí mật mở đường gùi (bằng đôi vai người chiến sĩ), tiếp đó là đường thồ (bằng voi, ngựa, xe đạp), kết hợp một phần cơ giới ở khu vực hạn chế với quy mô nhỏ để thực hiện vận chuyển chi viện miền Nam. Với phương thức vận tải chủ yếu là gùi, nên năng suất và hiệu quả vận tải chưa cao, nhưng đã đáp ứng một phần nhu cầu cấp thiết của quân và dân ta ở miền Nam tiến hành Đồng khởi, tạo bước ngoặt cho phong trào cách mạng phát triển mạnh mẽ hơn.

Bộ đội Trường Sơn vận chuyển vũ khí, vật chất hậu cần bằng đường sông. Ảnh tư liệu

Từ năm 1965, khi ta lật cánh mở và phát triển đường vận tải từ phía đông sang phía tây Trường Sơn, Đoàn 559 chuyển dần phương thức vận chuyển, từ thô sơ tiến tới vận chuyển cơ giới một phần, kết hợp với vận tải thô sơ và vận tải đường sông. Tháng 4-1965, ta thành lập các binh trạm 9 (Hà Tĩnh), 12 (Quảng Bình) làm nhiệm vụ vận chuyển hàng từ miền Bắc đến các cửa khẩu tiếp nhận của Đoàn 559. Từ cuối năm 1965, tuyến đường phía tây Trường Sơn được xây dựng, phát triển dần vào phía Nam, đặc biệt đến những năm 1968-1972, khi cả tuyến đông và tây Trường Sơn ngày một vươn sâu vào Khu 5, Tây Nguyên, Nam Bộ và xuyên suốt Hạ Lào tới đông bắc Campuchia. Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh xác định phải lấy vận tải cơ giới làm chính mới bảo đảm cho quân và dân miền Nam đánh mạnh, thắng lớn.

Thực hiện chủ trương đó, Đoàn 559 phát triển quy mô lực lượng vận tải chiến lược từ cấp tiểu đoàn xe trực thuộc binh trạm lên trung đoàn xe cơ động trực thuộc Bộ tư lệnh khu vực. Để phát huy phương tiện vận chuyển cơ giới là chủ yếu, trong đó vận tải ô tô là chính, vấn đề đặt ra là phải xác định cung, độ (chặng) vận chuyển đúng, tổ chức đội hình xe ô tô thích hợp. Thực tiễn cho thấy, trên tuyến đường Trường Sơn, ta đã nhiều lần thay đổi cung, chặng cơ bản. Lúc đầu, ta lấy độ dài từ 50-60km, thực hiện chu kỳ vận chuyển 2 đêm/chuyến. Khi các điều kiện bảo đảm được tốt hơn, ta nâng dần độ dài cung lên từ 80-100km. Đến những năm 1973-1975, thế và lực ta đã mạnh, hệ thống đường vận chuyển phát triển tốt hơn, thì cung vận tải được tăng lên 250-350km cho một trung đoàn xe ô tô, thực hiện chu kỳ vận chuyển từ 3-4 ngày/chuyến.

Bộ đội Trường Sơn vận chuyển vật chất hậu cần phục vụ chiến dịch Đường 9-Khe Sanh 1968. Ảnh tư liệu

Điểm nổi bật trong quá trình vận chuyển khi bị địch đánh phá ác liệt, gây cản trở, ta tổ chức hai loại cung, chặng là “cung sâu đo” và “cung mũi nhọn”. Đối với “cung sâu đo” là những cung ngắn liên tiếp đối phó với các thủ đoạn địch thường xuyên đánh phá, chia cắt nhiều đoạn trên “cung cơ bản”. Tranh thủ lúc địch ngừng hoạt động giữa hai trận đánh, ta sử dụng các phân đội xe tổ chức đội hình, tận dụng các đoạn đường thông suốt, nhanh chóng cơ động theo phương pháp “vọt tiến” vận chuyển vào chiến trường. Hình thức vận chuyển này được thực hiện chủ yếu trong những năm 1965-1967, trọng điểm là trên địa bàn các binh trạm 31, 42, 44 và trên các đoạn đường số 12 (Khe Ve-Seng Phan), 20 (Phong Nha-Phu La Nhích). Trong hai năm 1969-1970, các binh trạm 14 và 32 đã tổ chức vận chuyển phối hợp, linh hoạt cung, chặng, tăng chuyến ban đêm, nâng hiệu suất vận tải có lúc tăng lên từ 118% đến 130% so với kế hoạch đề ra.

Thành công nổi bật nữa là phát huy tinh thần cách mạng tiến công, nắm vững quy luật hoạt động, khôn khéo lừa địch, tận dụng thời cơ, nhằm đúng lúc địch sơ hở tổ chức ô tô vận chuyển đi từng chặng, tiến tới đích an toàn. Tư tưởng đó được thể hiện qua ba hình thức vận tải: Một là, vận động tập trung một chiều thuận, tranh thủ yếu tố bất ngờ, nhanh chóng sử dụng đội hình lớn xe vận tải, lợi dụng địa hình che khuất, tránh sự quan sát của địch, tăng tốc độ tới đích. Hai là, vọt tiến từng chặng liên tiếp, khi xe ta cơ động gặp địch đánh phá, ngăn chặn, bộ đội công binh làm hầm giấu xe, tổ chức đội hình cơ động gọn, mạnh, nghi binh, lừa địch, vọt tiến vượt qua từng chặng liên tiếp. Ba là, đột kích vượt trọng điểm, bộ đội vận tải phải phối hợp chặt chẽ với các lực lượng trên tuyến bố trí đội hình, ém quân chiếm lĩnh các địa bàn xuất kích, chờ thời cơ cấp tốc đột kích vượt qua vùng trọng điểm địch đánh phá ác liệt dưới sự chiến đấu bảo vệ tích cực của hỏa lực ta, đưa hàng đến đích an toàn.

Trong những tháng đầu năm 1975, ta tổ chức trên toàn tuyến thực hiện trọn vẹn nhất nhiệm vụ vận chuyển chi viện chiến lược, phục vụ đắc lực cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 thắng lợi, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Đại tá, TS DƯƠNG ĐÌNH LẬP

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/quoc-phong-toan-dan/to-chuc-cung-chang-van-chuyen-sang-tao-bao-dam-chi-vien-mien-nam-574435