Tổ chức đồng bộ phân loại rác tại nguồn

Nội dung được người dân thành phố cũng như các đơn vị chức năng quan tâm chính là các gia đình, chủ nguồn thải sẽ bị phạt tiền từ 15 đến 20 triệu đồng đối với hành vi không phân loại, không lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; không ký hợp đồng hoặc không chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt cho đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý. Cùng với đó, đơn vị thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn phải chịu trách nhiệm về tình trạng rơi vãi, gây phát tán bụi, mùi và được quyền từ chối thu gom chất thải của hộ gia đình không thực hiện phân loại.

Với hơn 9.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt do các gia đình, cơ quan, đơn vị thải ra mỗi ngày (trong đó 76% được xử lý bằng biện pháp chôn lấp), việc chính quyền thành phố đưa ra các quy định, chế tài được dư luận đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia chương trình phân loại rác tại nguồn hiện chưa sâu rộng, có nơi chỉ mới làm thí điểm theo lộ trình; công tác chuẩn bị của các đơn vị chức năng thiếu tính phối hợp và đồng bộ, chưa bảo đảm cơ sở vật chất đúng chuẩn để quy trình phân loại rác được khép kín. Một chuyên gia về môi trường phân tích: Công tác phân loại rác tại nguồn không phải là mới với TP Hồ Chí Minh mà từ 10 năm trước, thành phố đã thực hiện phân loại rác thí điểm ở vài quận kéo dài trong hai đến ba năm. Năm 2015, thành phố lại thực hiện phân loại rác tại nguồn thí điểm ở sáu quận, huyện; đến năm 2017 triển khai ở 24 quận, huyện (mỗi địa phương thực hiện tại hai đến năm phường, xã, thị trấn). Song tất cả chỉ là phong trào và chương trình thất bại khi thành phố có tới 60% lực lượng thu gom rác là dân lập với thiết bị và phương tiện không đồng bộ, cho nên nhiều “đầu nậu” sau khi thu gom đã đổ chung các loại rác thải với nhau khiến việc phân loại trước đó của người dân trở thành vô nghĩa.

Mới đây, UBND thành phố đã ban hành quy định yêu cầu các đơn vị dịch vụ công ích phải chuyển đổi phương tiện phù hợp nhằm bảo đảm quá trình phân loại rác tại nguồn cũng như thu gom, vận chuyển nhưng yêu cầu này theo các đơn vị là vượt quá khả năng về tài chính. Do đó các đơn vị quản lý rác dân lập đề nghị thành phố hỗ trợ đầu tư phương tiện hay kéo dài lộ trình thực hiện thì quy trình thu gom rác mới có thể bảo đảm đồng bộ.

Ủy ban MTTQ thành phố cho rằng, nếu không có sự tham gia của cộng đồng dân cư, nhất là vai trò tham gia tuyên truyền của hội phụ nữ, đoàn thanh niên, hội cựu chiến binh sâu rộng đến từng hộ dân thì công tác phân loại rác tại nguồn khó đi vào thực tế đời sống. Hơn nữa, việc tuyên truyền, giáo dục cộng đồng cần được các cấp, các ngành của thành phố thực hiện liên tục, xuyên suốt và lâu dài.

Thiết nghĩ, để chương trình phân loại rác tại nguồn của thành phố không rơi vào tình trạng “đánh trống bỏ dùi” thì hơn hết, việc phân loại rác tại nguồn đòi hỏi phải được tổ chức đồng bộ giữa các đơn vị tham gia, từ hoạt động phân loại ở hộ gia đình, đến thu gom, tập kết, vận chuyển và cuối cùng là công nghệ xử lý để tái sử dụng, tái chế; trong đó, thành phố cần đẩy mạnh kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực xử lý rác thải bằng công nghệ tiên tiến, chuyển hóa rác thành điện năng theo tiêu chí “giảm chôn lấp” mà thành phố đang kỳ vọng.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/38414502-to-chuc-dong-bo-phan-loai-rac-tai-nguon.html