Tổ chức hoặc môi giới cho người nhập cảnh trái phép sẽ chịu mức án nào?

Theo quy định, người nào vì vụ lợi mà tổ chức hoặc môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép thì bị phạt tù từ 1-5 năm.

Liên tiếp phát hiện những vụ nhập cảnh trái phép

Hà Nội: Sau vụ việc 50 người nhập cảnh trái phép ở các chung cư tại Hà Nội, Công an TP Hà Nội tiếp tục phát hiện thêm một nhóm đối tượng nữa ở quận Hà Đông. Cụ thể, vào chiều ngày 4/5, lực lượng Quản lý xuất nhập cảnh phát hiện 1 đối tượng nữ người Trung Quốc lảng vảng ở sảnh tòa nhà Samsora, số 105 đường Chu Văn An, phường Yết Kiêu, quận Hà Đông.

Các đối tượng có hành vi nhập cảnh trái phép bị bắt quả tang tại chung cư Samsora.

Các đối tượng có hành vi nhập cảnh trái phép bị bắt quả tang tại chung cư Samsora.

Căn cứ tài liệu thu thập, lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra căn phòng số 3017 tòa A chung cư Samsora. Tuy nhiên, các đối tượng bên trong đã cố thủ, không chịu mở cửa. 19h cùng ngày, lực lượng chức năng quyết định phá khóa ập vào. Qua kiểm tra, trong phòng có 11 đối tượng đều mang quốc tịch Trung Quốc, không có giấy tờ nhập cảnh hợp lệ. Tổng số đối tượng bị phát hiện là 12, gồm 7 nam, 5 nữ, trong đó ít tuổi nhất sinh năm 1994 và nhiều tuổi nhất sinh năm 1973.

Theo cơ quan Công an, tòa nhà này mới được đưa vào sử dụng hôm trung tuần tháng 4 vừa qua. Cơ quan chức năng đang tiếp tục đấu tranh, xác minh, xử lý số đối tượng này theo quy định pháp luật.

Vĩnh Phúc: Chiều 4/5, Công an tỉnh Vĩnh Phúc vừa khởi tố, bắt giam đối tượng Nguyễn Thị Hồng Hạnh, 36 tuổi, ở phường Liên Bảo, TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc về tội “Tổ chức cho người khác nhập cảnh, ở lại Việt Nam trái phép” theo Điều 348 BLHS năm 2015. Viện Kiểm sát cùng cấp đã phê chuẩn quyết định này. Nguyễn Thị Hồng Hạnh là người liên quan trực tiếp đến nhóm 52 người quốc tịch Trung Quốc bị bắt quả tang nhập cảnh và cư trú trái phép trên địa bàn TP Vĩnh Yên.

Vào đêm 3/5, 39 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép bị lực lượng chức năng của tỉnh Vĩnh Phúc và TP Vĩnh Yên phát hiện khi cư trú tại các phường Khai Quang và Liên Bảo, thuộc TP Vĩnh Yên. Khi lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, một số đối tượng đã không hợp tác và bỏ chạy, vì vậy lực lượng chức năng phải sử dụng biện pháp nghiệp vụ để khống chế. Đến sáng 4/5, cơ quan chức năng tiếp tục bắt giữ thêm 13 người Trung Quốc khác tại phường Liên Bảo. Như vậy, Nguyễn Thị Hồng Hạnh đã tổ chức cho 52 người nước ngoài nhập cảnh trái phép bị bắt giữ trong các ngày vừa qua.

Án tù nào cho những đối tượng này?

Theo Điều 348 BLHS quy định ba khung hình phạt:

Khung 1: quy định hình phạt tù từ 01 năm đến 05 năm áp dụng đối với người phạm tội: Người nào vì vụ lợi mà tổ chức hoặc môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép trong trường hợp không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.

Khung 2: quy định hình phạt tù từ 05 năm đến 10 năm áp dụng đối với người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây: Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Phạm tội 02 lần trở lên; Đối với từ 05 người đến 10 người; Có tính chất chuyên nghiệp; Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; Tái phạm nguy hiểm.

Khung 3: quy định hình phạt tù từ 07 năm đến 15 năm đối với người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây: Đối với 11 người trở lên; Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên; Làm chết người.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

TAND tỉnh Quảng Ninh xét xử và tuyên phạt 25 năm tù cho các bị cáo tổ chức đưa người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.

Nếu có đủ căn cứ cho rằng, các đối tượng nhập cảnh trái phép vi phạm quy định về khai báo y tế, cách ly y tế sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính về phòng chống dịch bệnh theo Nghị định 117/2020/NĐ -CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế.

Điều 11 Nghị định này nêu rõ, người nào từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì bị phạt từ 5-10 triệu đồng.

Hành vi "từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, đối tượng kiểm dịch y tế biên giới mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A hoặc khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu" bị phạt từ 15-20 triệu đồng.

Trong trường hợp các đối tượng làm lây lan dịch bệnh cho người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm truyền nhiễm cho người (Điều 240) hoặc Tội vi phạm quy định về an toàn nơi đông người (Điều 295).

Đối với những người tổ chức cho người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam và làm lây truyền dịch bệnh cần áp dụng tình tiết tăng nặng hình phạt theo Khoản 1 Điều 52 BLHS 2015 là Lợi dụng tình trạng dịch bệnh để phạm tội.

Trong thời điểm dịch bệnh đang diễn biến rất phức tạp như hiện nay, nếu không xử lý nghiêm minh và quản lý tốt hoạt động xuất nhập cảnh trái phép sẽ gây hậu quả khó lường. Do đó, bên cạnh việc siết chặt công tác quản lý về xuất nhập cảnh, cơ quan chức năng cần xử lý nhanh chóng, nghiêm minh các đối tượng có hành vi vi phạm, nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm cần xử lý hình sự với mức hình phạt nghiêm khắc, công khai tuyên truyền để người dân biết nhằm đảm bảo tính răn đe.

Đỗ Vi

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/to-chuc-hoac-moi-gioi-cho-nguoi-nhap-canh-trai-phep-se-chiu-muc-an-nao-n191473.html