Tổ chức lại ngành hàng nông nghiệp từ việc cơ giới hóa sản xuất

Sở NN-PTNT các địa phương cần quan tâm, rà soát để cơ giới hóa đồng bộ và nâng cao hơn nữa thu nhập cho người nông dân.

Trong khuôn khổ sự kiện Agritechnica Asia Live 2022 với chủ đề “Cơ giới hóa đồng bộ hướng đến nền nông nghiệp bền vững” được tổ chức tại TP. Cần Thơ, chiều 25/8, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã có buổi làm việc với Văn phòng điều phối nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL, Sở Nông nghiệp một số địa phương nhằm bàn giải pháp để đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa và nông nghiệp nói chung.

Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, hiện nay cơ giới hóa trong ngành hàng lúa gạo đạt tỷ lệ cao so với các ngành hàng khác, trong đó vùng ĐBSCL khâu làm đất đạt gần 100%, các khâu còn lại đạt tỷ lệ cao, mang lại nhiều lợi ích thiết thực, góp phần giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan phát biểu tại buổi làm việc.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan phát biểu tại buổi làm việc.

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho rằng, cơ giới hóa ngành hàng lúa gạo thuận tiện hơn so với các ngành hàng khác bởi quy mô sản xuất tập trung. Trong đó, việc áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa tại vùng ĐBSCL có nhiều thuận lợi nhờ các địa phương có các vùng sản xuất lúa tập trung, diện tích lớn và ngành nông nghiệp cùng với nông dân cũng quan tâm đẩy mạnh ứng dụng nhiều loại máy móc, thiết bị cơ giới vào sản xuất.

Điểm thấy rõ nhất là lượng giống trong gieo sạ đã giảm đến hơn 50%, nếu như trước đây người dân vùng ĐBSCL sử dụng từ 150 - 170 kg/ha thì nay đã giảm xuống còn 50 - 70kg/ha, việc giảm lượng lúa giống đã làm giảm chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và giảm phát thải khí nhà kính.

Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, cơ giới hóa trong gieo sạ và sau thu hoạch đang là vấn đề cấp thiết đối với vùng ĐBSCL. Dù cơ giới hóa trong sản xuất lúa tại vùng ĐBSCL đã nâng cao hiệu quả sản xuất nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn do sản xuất còn manh mún, vấn đề cơ giới hóa trong gieo sạ và xử lý rơm, rạ chưa phát huy hiệu quả, làm tăng phát thải khí nhà kính và tỷ lệ sâu bệnh trên cây lúa.

Tại buổi làm việc, nhiều đại biểu đã nêu những vấn đề trong thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL, các biện pháp canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu; cơ giới hóa trong khâu thu hoạch, bảo quản để nâng cao chất lượng sản phẩm; tăng cường sản xuất lúa gạo và giảm tác động môi trường; giải pháp đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi phát triển thị trường công nghệ trong nông nghiệp.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, cơ giới hóa là việc cần thực hiện để tối ưu hóa trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao chất lượng nông sản, tạo ra giá trị cao hơn. Đồng thời, yêu cầu Sở Nông nghiệp các địa phương cần quan tâm, rà soát làm sao để cơ giới hóa đồng bộ và tiếp tục tìm hiểu để nâng cao hơn nữa thu nhập cho người nông dân.

Cơ giới hóa nông nghiệp, máy móc, thiết bị để tạo ra được năng suất cao hơn trên nền tảng tổ chức lại sản xuất quy mô lớn.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, cơ giới hóa nông nghiệp, máy móc, thiết bị để tạo ra được năng suất cao hơn trên nền tảng tổ chức lại sản xuất quy mô lớn. Trong đó, sự liên kết giữa người dân trong vùng nguyên liệu tạo ra hợp tác xã, tổ hợp tác để cùng sử dụng chung được công nghệ, thiết bị, máy móc từ cơ giới hóa để đạt được hiệu quả tối ưu hóa sản phẩm.

“Tổ chức lại ngành hàng là một yếu tố sống còn, trên nền tảng tổ chức lại sẽ đưa những công nghệ, thiết bị, đưa thị trường vào trong một ngành hàng đó. Nếu tiếp tục sản xuất nhỏ lẻ sẽ giới hạn tác dụng của máy móc, thiết bị, công nghệ, bởi dù tạo ra được sản phẩm chất lượng, tối ưu hơn nhưng sản xuất nhỏ lẻ sẽ gặp phải bài toán thị trường. Do đó, một bên phải tạo ra được giá trị từ tối ưu hóa sản xuất, một bên tạo ra giá trị từ hợp tác từ bà con nông dân để quy lớn hơn”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chỉ rõ./.

Phạm Hải/VOV-ĐBSCL

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/to-chuc-lai-nganh-hang-nong-nghiep-tu-viec-co-gioi-hoa-san-xuat-post965824.vov