Tổ chức lễ hội: Đừng vì hám lợi mà bất tín

Không phải đợi sau khi Lễ hội hoa hồng Bulgaria diễn ra, vấn đề lễ hội du nhập từ nước ngoài mới được biết đến.

Hàng chục năm nay, lễ hội mới đã tràn vào Việt Nam thể hiện nhiều giá trị tốt đẹp nhưng cũng không thiếu sự pha tạp, biến dạng. Những ngày này, du nhập lễ hội đang trở thành cụm từ được đào xới bởi giới chuyên gia và dư luận.
Những lễ hội tràn vào Việt Nam
Ngày lễ đầu tiên của phương Tây lấn át vào Việt Nam phải kể đến là Noel. Noel bây giờ không còn đơn thuần là một ngày lễ mang tính tôn giáo, nó dành cho tất cả ai muốn... ham vui. Đến ngày này, ông già Noel thường phải chạy sô không mệt nghỉ mới đáp ứng đủ nhu cầu tặng quà. Tiếp theo là Lễ tình nhân 14/2. Những ngày lễ từ lớn đến nhỏ cũng bắt đầu rầm rộ kéo về như Lễ tạ ơn (thứ Năm, tuần thứ tư của tháng 11), Ngày của mẹ (Chủ nhật thứ hai của tháng 5), Ngày của cha (Chủ nhật thứ ba của tháng 6)... cũng dần có vị trí đặc biệt để mỗi khi đến dịp người Việt hướng đến.

Du khách tham quan tại Lễ hội hoa Hồng. Ảnh: Thanh Hải

Theo thống kê của Bộ VHTT&DL Việt Nam có 0,13% số lễ hội du nhập từ nước ngoài, trong tổng số hơn 8.000 lễ hội, tương đương hơn 30 chục lễ hội mới. Nhiều ý kiến cho rằng, nước ta có hàng ngàn lễ hội truyền thống văn hóa lớn nhỏ, việc không ít lễ hội từ nhiều quốc gia du nhập vào Việt Nam khiến bức tranh văn hóa trong đời sống có phần pha tạp, biến dạng. Nhưng rõ ràng, ở thời điểm tính giao lưu được thúc đẩy, văn hóa không thể cố thủ ở những sự kiện có tính truyền thống.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy – Phó Giám đốc Trung tâm phát huy di sản văn hóa Việt Nam: “Không phải đến hiện tại, Việt Nam mới du nhập lễ hội từ nước ngoài, sự có mặt của những ngày lễ được gọi một cách dân dã như “bánh trôi, bánh chay”, “giết sâu bọ”,... cũng là sản phẩm thú vị của du nhập thời xa xưa”. Tuy nhiên, cũng theo nhiều chuyên gia văn hóa, ông cha ta tiếp nhận văn hóa nước ngoài một cách uyển chuyển, hoàn toàn không nhằm mục đích vụ lợi, phục vụ sở thích cá nhân tùy tiện. Bài học giá trị về văn hóa này ở thời hiện đại chưa phải ai cũng học được.
Món hời nhờ ngụy biện văn hóa
Bên cạnh những lễ hội diễn ra thường kỳ, nhắc đến lễ hội mới không thể quên 3 lễ hội du nhập và trở thành thảm họa văn hóa tại Việt Nam: Lễ hội hoa Anh đào tại Hoàng thành Thăng Long năm 2016 do Hội giao lưu văn hóa Việt Nam - Nhật Bản tổ chức, Lễ hội hoa Tử Đằng ở Aeg mall (Long Biên) và Lễ hội hoa hồng Bulgaria mới diễn ra đầu tháng 3/2017. Lễ hội hoa Anh đào khiến khán giả ngột ngạt không phải vì tiết trời nóng bức mà vì trong không gian hàng nghìn mét vuông của di sản, chỉ duy nhất có 1 cây Anh đào được kết từ 300 hoa Anh đào nhựa và 300 cành Anh đào tươi. Lễ hội hoa Tử Đằng cũng bị la ó vì toàn hoa giả. Và dư âm để lại Lễ hội hoa hồng Bulgari là cảnh tượng người dân giận dữ đòi trả lại vé cho BTC do cảm thấy bị “lừa”.
Rất nhiều lời ngụy biện cho một lễ hội bất thành, cho dù ở nước bản địa các thương hiệu lễ hội này mang nhiều bản sắc văn hóa tốt đẹp, hướng đến giá trị cộng đồng. Không thể khẳng định hoa Anh đào tươi không thể đem triển lãm tại khí hậu của Việt Nam, bằng chứng là đã 2 năm nay, hơn chục nghìn cành Anh đào cùng hàng trăm cây hoa luôn giữ được tươi sắc trong 10 ngày, để người dân thưởng lãm tại Lễ hội hoa Anh đào do TP Hà Nội tổ chức tại khu vực tượng đài Lý Thái Tổ. Càng không thể ngụy biện hoa hồng Bulgaria không thể sống và tồn tại ở Việt Nam để cả một lễ hội quảng cáo hoành tráng lại toàn hoa hồng cổ Sapa, hoặc giống hồng ngoại đã được thuần Việt… Có chăng chỉ nhà tổ chức lễ hội thiếu một cái tâm, chọn thương hiệu hoa hồng Bulgaria để nhà tổ chức bắt tay với DN một cách khó hiểu. Họ hập nhèm hóa đơn và mã thuế, mẫu vé và giấy mời… kiếm được tiền tỷ trong 5 ngày diễn ra lễ hội. Còn nhớ tháng trước, Ban tổ chức Lễ hội hoa Anh đào tại TP Đà Lạt đã thông báo hủy bỏ chương trình vì hoa không kịp nở. Rõ ràng, đó là một quyết định thông minh để đảm bảo chất lượng và uy tín của lễ hội. Sự thông minh và uy tín đó đã không thể có trong suy nghĩ của Ban tổ chức lễ hội mang mục đích trục lợi. Và trước khi Ban tổ chức rút ra bài học kinh nghiệm cho các lần sau, du khách đã rút kinh nghiệm bằng cách nói “không” với các lễ hội hoa bất tín.

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/to-chuc-le-hoi-dung-vi-ham-loi-ma-bat-tin-282555.html