Tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại bị xử lý thế nào?

Vừa qua, trường hợp 2 chị em ruột (trú tại phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) bị cơ quan CA khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về hành vi tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại. Liên quan đến vấn đề này, chuyên gia pháp lý có một số chia sẻ như sau.

Hai chị em ruột bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về hành vi tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại. Ảnh: CQCA

Hai chị em ruột tổ chức mang thai hộ

Ngày 13/11, CA quận Đống Đa, Hà Nội cho biết, đơn vị đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 2 đố tượng để điều tra về hành vi tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại. Các đối tượng là hai chị em ruột Trần Thị Bích Thuận (SN 1976) và Trần Thị Bích Vân (SN 1983), cùng trú tại phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Trước đó, qua công tác quản lý địa bàn, tổ công tác Đội Cảnh sát hình sự - CA quận Đống Đa (Hà Nội) phối hợp với CA phường Phương Liên đã tiến hành kiểm tra hành chính một ngôi nhà ở ngõ 70 Kim Hoa, qua đó phát hiện chị M (SN 1996, quê tại tỉnh Cà Mau) có dấu hiệu nghi vấn nên đã mời chị M về trụ sở để làm việc.

Tại cơ quan CA, chị M khai, thông qua mạng xã hội có quen biết Trần Thị Bích Thuận và nhận mang thai hộ cho khách dưới sự hướng dẫn của Thuận. Thuận hẹn sẽ trả cho chị M số tiền 280 triệu đồng/lần mang thai hộ. Mở rộng điều tra, CA quận Đống Đa xác định, Trần Thị Bích Vân (em gái của Thuận) có kết nối với các cặp vợ chồng muốn tìm người mang thai hộ chi phí trọn gói là 800 triệu đồng. Có trường hợp đã liên hệ với Vân để tìm người mang thai hộ với giá 1 tỷ đồng thai đơn và 1,5 tỷ đồng với thai đôi.

Căn cứ tài liệu điều tra, ngày 14/9/2023, CA quận Đống Đa đã bắt giữ hai chị em Trần Thị Bích Vân và Trần Thị Bích Thuận về hành vi tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại. Hiện CA quận Đống Đa đang tiếp tục điều tra, xử lý các đối tượng theo quy định.

Các cặp vợ chồng hiếm muộn cần như thế nào để nhờ mang thai hộ?

Theo chuyên gia pháp lý, mang thai hộ là việc một người mang thai cho một người khác nhằm giúp người đó có con. Tuy nhiên, pháp luật hiện nay chỉ cho phép thực hiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, tức chỉ nhằm giúp đỡ cặp vợ chồng không thể có con được làm cha mẹ. Còn nếu một người mang thai hộ vì mục đích thương mại, tức nhằm hưởng một lợi ích nào đó về tiền hay vật chất,… thì có thể bị xử lý theo các quy định của pháp luật.

Cụ thể, theo khoản 23 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, thì mang thai hộ vì mục đích thương mại được hiểu là việc một người phụ nữ mang thai cho người khác bằng việc áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản để được hưởng lợi về kinh tế hoặc lợi ích khác. Theo nội dung điểm g khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, việc thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, mang thai hộ vì mục đích thương mại, lựa chọn giới tính thai nhi, sinh sản vô tính là các hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử phạt theo quy định.

Theo Điều 60 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt hành vi vi phạm quy định về sinh con thì đối với hành vi thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, sinh sản vô tính, mang thai hộ vì mục đích thương mại có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng. Ngoài ra còn có biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 60 Nghị định 82/2020/NĐ-CP.

Còn liên quan đến vụ việc nêu trên, căn cứ vào các thông tin cơ quan CA cung cấp, 2 đối tượng có hành vi tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 187 Bộ luật Hình sự 2015. Điều luật này được chia làm 2 khung hình phạt, cụ thể:

Tại khung 1, người nào tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Tại khung 2, người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: đối với 02 người trở lên; phạm tội 02 lần trở lên; lợi dụng danh nghĩa của cơ quan, tổ chức; Tái phạm nguy hiểm.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Trên thực tế, pháp luật nước ta hiện nay vẫn tạo điều kiện để các cặp vợ chồng không thể có con được phép nhờ người mang thai hộ, tuy nhiên cần có đủ các điều kiện theo quy định tại khoản 2 Điều 95 Luật Hôn nhân và gia đình 2014. Bên cạnh đó, người mang thai hộ cần đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 3 Điều 95 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.

Duy Minh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/to-chuc-mang-thai-ho-vi-muc-dich-thuong-mai-bi-xu-ly-the-nao-360150.html