Tổ chức Ngày thơ Việt Nam cho HS, SV sao cho hiệu quả?

(GD&TĐ) - Mười rằm tháng giêng năm nay là 8 năm cả nước kỉ niệm Ngày thơ Việt Nam. Những lúng túng ban đầu ở nhiều địa phương khi tổ chức ngày này đã mất dần, và đang hình thành dần một nền móng chuyên nghiệp như các lễ hội khác.

Tuy nhiên, việc tổ chức kỉ niệm Ngày thơ Việt Nam chủ yếu vẫn chỉ do Hội Văn học nghệ thuật các tỉnh thành đảm nhận, và dường như vẫn chỉ là sân chơi riêng của giới văn chương, chưa thực sự đi vào đời sống tinh thần của công chúng. Một địa hạt khác, rất có điều kiện để phát huy ý nghĩa tác dụng của Ngày thơ Việt Nam là nhà trường thì dường như lại chưa tìm được những cách thức tổ chức phù hợp với lứa tuổi học sinh, sinh viên, với chốn học đường. Cách đây 1 năm, trong một chuyến đi thực tế kỷ niệm Ngày thơ Việt Nam lần thứ bảy ở tỉnh Quảng Nam, chúng tôi có đến một trường ở thị trấn Nam Phước-Huyện Duy Xuyên và một trường tại thành phố Tam Kỳ. Cùng tổ chức “ Đêm nguyên tiêu” nhưng ở mỗi đơn vị trường đã cho những hiệu quả rất khác nhau: Nơi thì ôm đồm, cả giáo viên học sinh chuẩn bị cho ngày này khá vất vả, tốn thời gian mà đến khi Ngày thơ Việt Nam diễn ra thì nặng nề, xa lạ. Ngược lại, tại Duy Xuyên, nơi vốn được xem là “cái nôi” nuôi dưỡng truyền thống thi ca, thì cách thức tổ chức nhẹ nhàng, giản dị hơn nhưng ít nhiều có sức hấp dẫn và bước đầu cho thấy hiệu quả giáo dục. Ảnh: Một buổi trình diễn thơ trong “ Ngày thơ Việt Nam”. Cho đến nay, đa phần các trường học từ Trung học cơ sở đến Đại học đều đã tiến hành tổ chức kỷ niệm Ngày thơ Việt Nam dưới nhiều hình thức. Nhưng trong thực tế thì còn ít trường tìm được cách thức tổ chức kỉ niệm có sức hấp dẫn, thuyết phục đối với học sinh, sinh viên. Với những trường mà đội ngũ lãnh đạo và giáo viên ít mặn mà chuyện thi phú, chỉ chú tâm việc dạy và học, thì khâu tổ chức kỉ niệm ngày này gần như giao hẳn cho một bộ phận phụ trách câu lạc bộ hay văn hóa văn nghệ của trường chỉ để gọi là có. Lại có những trường rơi vào thái cực khác, lãnh đạo là người có khiếu văn chương, là Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật hẳn hoi, đích thân chỉ đạo kỉ niệm Ngày thơ Việt Nam nhưng lại không xác định đúng đối tượng tham gia là sinh viên, học sinh, chứ không phải ở độ tuổi “ lão làng”, vì thế mà toàn bộ công phu chuẩn bị cho một ngày bỗng “ đổ sông đổ bể” vì không phù hợp với đối tượng. Một lần, chúng tôi thăm một ngôi trường có vị hiệu trưởng là nhà thơ, Hội viên Hội văn học nghệ thuật, từ phòng Ban giám hiệu đến phòng truyền thống, chúng tôi đều bắt gặp các tấm Panô dán kín những hình ảnh lá cây, chiếc quạt, đền thờ, miếu mạo, con voi, con thỏ nhiều sắc màu sặc sỡ trên đó toàn là những câu thơ chép tay của học sinh. Ban đầu, mừng vì ngỡ sự chín muồi của sự hiểu biết, cảm nhận văn chương trong học sinh. Nhưng quan sát kỹ, mới thấy phân nửa là chép sai lỗi chính tả, sai từ ngữ kéo theo sự tối nghĩa của những câu thơ đó. Hỏi phụ huynh, học sinh thì các em cho rằng, phải làm công việc sưu tầm, chép thơ thường xuyên như một sự miễn cưỡng vì thi đua chứ “ tốn nhiều thời gian học tập lắm”. Trong trường hợp này, niềm say mê văn chương, mong truyền thụ cho các em học sinh niềm say mê đó của người hiệu trưởng là rất đáng cảm kích, tuy nhiên anh đã không nghĩ đến giữa bản thân mình và học sinh là 2 thế hệ có khoảng cách khá xa. Chính vì thế mà ngay cả Đêm nguyên tiêu, chỉ những người trong giới thơ ca mới nán lại để nghe đọc hết bài thơ này đến bài thơ khác, còn học sinh thì nghe có người ví nghe thơ cứ như là “ vịt nghe sấm”. Tổ chức tốt Ngày thơ Việt Nam cho học sinh, sinh viên sẽ mang lại hiệu quả đáng kể không chỉ là sự kích thích hứng thú học văn, là khơi dậy sáng tạo văn chương cho các em mà còn mang lại hiệu quả về giáo dục thẩm mỹ, nhân cách, đặc biệt là ở thời điểm ngay sau tết nguyên đán. Nhưng kỷ niệm như thế nào để mang lại hiệu quả nói trên, đó là điều phải bàn. Xin đưa ra vài cách thức như là sự gợi ý đối với các trường. Bản thân bài thơ “ Nguyên tiêu” (Rằm tháng giêng) của Hồ Chí Minh đã chứa đựng khá nhiều vẻ đẹp nhân văn, tư tưởng, thẩm mỹ được đưa vào chương trình cả ở Trung học phổ thông( chính khóa) và chương trình Trung học cơ sở (đọc thêm) lâu nay. Trước khi chuẩn bị cho “ Ngày thơ Việt Nam” hay là “ Đêm nguyên tiêu”, các thầy cô giáo nên cho học sinh tiếp cận kỹ với bài thơ này. Và mở đầu lễ kỉ niệm, chỉ cần nhờ một giáo viên hoặc một học sinh có giọng ngâm, (hoặc giọng đọc) hay để tạo không khí. Tiếp đó, các học sinh khác được bày tỏ, trao đổi về nét đặc sắc của bài thơ; người dẫn đắt chương trình (là giáo viên hoặc học sinh có sở trường MC) xoáy vào mấy yếu tố: Bài thơ có đêm trăng, trời mây, non nước đẹp, trữ tình như tâm hồn người lãng mạn, phóng khoáng, bay bổng, nhưng người làm thơ (chủ thể trữ tình) thì lại đang lo việc kháng chiến (bàn bạc việc quân) trong hoàn cảnh nước nhà còn bộn bề tiếng súng chống Pháp. Như vậy, học sinh sẽ được nhập vào không khí thời đại, hiểu sâu thêm về bản lĩnh thơ ca của lãnh tụ, sẽ thấy bài thơ gần gũi hơn, hiện đại hơn; từ đó, người dẫn đắt chương trình dẫn vào ý nghĩa của “Ngày thơ Việt Nam” để các em thấy được vai trò của thơ ca- vũ khí tư tưởng, tình cảm của con người ở mọi thời đại; sau đó, bước vào phần giao lưu sôi nổi, không chỉ tự đọc, sáng tác những bài thơ phù hợp với lứa tuổi mà có thể tự biên tự diễn hoạt cảnh thơ, xen kẽ các tiết mục ca nhạc dân tộc, múa dân gian, hát tuồng, chèo, ca trù... Nếu có điều kiện mời một số tác giả có tác phẩm thơ được học, đọc thêm trong chương trình nói chuyện với các em thì cũng rất bổ ích. Thúy Hồng

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/channel/2776/201002/To-chuc-Ngay-tho-Viet-Nam-cho-hoc-sinh-sinh-vien-nhu-the-nao-cho-dat-hieu-qua-1922999/