Tổ chức thi Hoa hậu không phép, Hương Giang Entertainment đối diện mức phạt nào?

Sở Văn hóa & Thể thao Tp.HCM xác minh, xử lý cuộc thi nhan sắc do công ty của Hương Giang tổ chức vì không được cấp phép.

Tối 8/4, đêm chung kết Hoa hậu Chuyển giới Việt Nam - Miss International Queen Vietnam 2023 diễn ra tại một phim trường ở quận 12, Tp.HCM.

Sau các phần thi kéo dài hơn 4 tiếng, chiến thắng chung cuộc thuộc về Nguyễn Hà Dịu Thảo đến từ tỉnh Hải Dương.

Cuộc thi bị yêu cầu dừng nhưng không chấp hành

Chiều 13/4, bà Nguyễn Mỹ Hạnh, Phó chánh văn phòng Sở Văn hóa & Thể thao (VH&TT) cho biết, cơ quan chức năng đã yêu cầu đơn vị tổ chức cuộc thi Hoa hậu Chuyển giới Việt Nam 2023 dừng chương trình tại thời điểm kiểm tra nhưng đơn vị không chấp hành, vẫn tiếp tục thực hiện.

Theo đó, cuộc thi Miss International Queen Vietnam - cuộc thi nhan sắc dành cho người chuyển giới chưa được cấp giấy phép tổ chức.

Sở Văn hóa và Thể thao nhận được tin báo lúc 19h36 tối ngày 8/4/2023 (thứ Bảy) có đêm thi Chung kết Miss International Queen Vietnam (MIQVN) - Hoa hậu Chuyển giới Việt Nam 2023 do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hương Giang Entertainment tổ chức.

Nhận được thông tin, thanh tra của Sở đã phối hợp với Công an thành phố và cơ quan chức năng quận 12 để tiến hành kiểm tra địa điểm này.

Cơ quan chức năng xác định cuộc thi chưa được cấp phép theo quy định và yêu cầu đơn vị dừng chương trình tổ chức thi người đẹp và người mẫu.

Bà Nguyễn Mỹ Hạnh, Phó chánh văn phòng Sở VH&TT.

Bà Hạnh cho biết thêm: "Đoàn kiểm tra đã yêu cầu đơn vị dừng chương trình do cuộc thi người đẹp được tổ chức mà không có văn bản chấp thuận của Sở VH&TT, nhưng đơn vị không chấp hành và tiếp tục cho đến khi kết thúc lúc 22h30 cùng ngày".

Sau 2 ngày, trong buổi làm việc với Thanh tra Sở VH&TT, Hương Giang thừa nhận cuộc thi được tổ chức không đúng quy định của pháp luật, khi chưa được cơ quan chức năng cấp giấy phép.

Thanh tra Sở VH&TT đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Hương Giang Entertainment theo quy định tại khoản 5, Điều 12 Nghị định số 38 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo.

Cơ quan chức năng đang tiếp tục xác minh, hoàn chỉnh hồ sơ trình cấp có thẩm quyền nhằm xử phạt nghiêm Công ty TNHH Hương Giang Entertainment.

Hồi tháng 2, buổi họp báo công bố Top 2 của Hoa hậu Chuyển giới Việt Nam 2023 do công ty Hương Giang tổ chức đã bị hủy vào phút chót vì không được Sở Thông tin & Truyền thông Tp.HCM chấp thuận.

Hương Giang có thể đối mặt với các mức phạt như thế nào?

Trao đổi với Người Đưa Tin, luật sư Đặng Đức Trí, Giám đốc Hãng luật Roma thuộc Đoàn Luật sư Tp.HCM cho biết, cuộc thi của công ty Hương Giang vi phạm điểm a khoản 1 Điều 16 Nghị định 144/2020/NĐ-CP.

Cụ thể, Nghị định 144/2020/NĐ - CP đã quy định về thủ tục xin tổ chức một số hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Riêng đối với cuộc thi người đẹp, người mẫu, theo Điều 14 Nghị định 144/2020/NĐ - CP có 2 hình thức tổ chức: phạm vi nội bộ công ty và mở rộng ngoài phạm vi đó.

Hoa hậu chuyển giới Hương Giang.

Đối với cuộc thi tổ chức phạm vi công ty: Không cần đăng ký xin phép nhưng phải thông báo bằng văn bản về việc tổ chức cuộc thi tới UBND cấp huyện ít nhất 10 ngày làm việc trước ngày dự kiến cuộc thi.

Đối với cuộc thi ngoài phạm vi nội bộ công ty: Phải đáp ứng các điều kiện tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 16 Nghị định 144/2020/NĐ-CP bao gồm:

Là đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng biểu diễn nghệ thuật; hội chuyên ngành về nghệ thuật biểu diễn; tổ chức, cá nhân đăng ký kinh doanh hoạt động biểu diễn nghệ thuật theo quy định của pháp luật.

Đáp ứng điều kiện về an ninh, trật tự an toàn xã hội, môi trường, y tế và phòng, chống cháy nổ theo quy định của pháp luật.

Có văn bản chấp thuận tổ chức cuộc thi người đẹp, người mẫu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chấp thuận tổ chức cuộc thi người đẹp, người mẫu là UBND cấp tỉnh nơi tổ chức cuộc thi.

Chủ tịch UBND cấp tỉnh chỉ đạo các cơ quan trực thuộc thực hiện các biện pháp quản lý Nhà nước và chịu trách nhiệm bảo đảm hoạt động tổ chức cuộc thi trên địa bàn đúng quy định của pháp luật.

Theo khoản 5 Điều 12 Nghị định 38/2021/NĐ-CP, người tổ chức cuộc thi người đẹp và người mẫu mà không có văn bản chấp thuận, thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 25 - 30 triệu đồng.

Đối với tổ chức, mức xử phạt hành chính với hành vi này là gấp đôi, theo quy định tại Điều 5 Nghị định 38/2021/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Nghị định 128/2022/NĐ-CP.

Nhiều cuộc thi người đẹp, người mẫu bất chấp bị xử phạt để tổ chức

Hồi tháng 3/2023, cuộc thi Miss Petite Vietnam 2023 (Hoa hậu Nhân ái Việt Nam) cũng bị cơ quan chức năng yêu cầu tạm ngưng buổi công bố cuộc thi, sau khi chương trình bắt đầu được vài phút. Lý do là chưa được sự đồng ý của cơ quan quản lý.

Năm 2020, Công ty Minh Khang - đơn vị tổ chức cuộc thi Miss Peace Vietnam 2022 (Hoa hậu Hòa bình Việt Nam) đã bị xử phạt hành chính 55 triệu đồng do vi phạm việc tổ chức thi người đẹp, người mẫu không có văn bản chấp thuận.

Thí sinh Nguyễn Hà Dịu Thảo, đăng quang cuộc thi tìm kiếm Hoa hậu Chuyển giới của Hương Giang.

Tháng 11/2020, Công ty TNHH MTV Đầu tư du lịch giải trí Khổng Tước cũng vi phạm tương tự. Cuộc thi Hoa hậu Doanh nhân sắc đẹp Việt 2020 được tổ chức nhưng không có giấy phép, sau đó bị phạt hành chính 90 triệu đồng.

Tháng 1/2020, cuộc thi trái phép Miss Global Her Beauty bị Thanh tra Sở VH&TT Hà Nội phối hợp với Công an quận Nam Từ Liêm xử phạt hành chính 49 triệu đồng.

Có thể thẩy, tình trạng tổ chức các cuộc thi sắc đẹp chưa được sự chấp thuận của các cơ quan chức năng là không ítt.

Điều này làm giảm sự uy tín của các cuộc thi tìm kiếm Hoa hậu chính thống, có tuổi đời lâu năm. Bên cạnh đó, mang lại cái nhìn e dè của công chúng trước các sân chơi sắc đẹp “mọc lên như nấm" nhưng kém hiệu quả.

Phạm Thị Thu Thảo

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/to-chuc-thi-khong-phep-huong-giang-entertainment-doi-dien-muc-phat-nao-a603220.html