Tổ công tác của Thủ tướng: Nhiều mặt hàng đang gặp vướng

Các giải pháp tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, đặc biệt là về thủ tục kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu, là một nội dung nổi bật trong báo cáo của Tổ công tác của Thủ tướng tại phiên họp Chính phủ vừa diễn ra ngày 5/11.

Trong tháng 10, Tổ công tác đã làm việc với UBND thành phố Hà Nội; làm việc với các Bộ quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu để thống nhất, đề xuất xử lý vấn đề chồng chéo, bất cập trong công tác hoạt động kiểm tra chuyên ngành (KTCN); làm việc với các bộ, cơ quan liên quan về đánh giá kết quả xếp hạng Môi trường kinh doanh 2020 của Việt Nam.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác, việc rà soát, đơn giản hóa, cắt giảm danh mục hàng hóa KTCN đã đạt, vượt chỉ tiêu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao (đã cắt giảm, đơn giản hóa 6.776/9.926 dòng hàng phải KTCN, đạt 68,2%). Điều này đánh dấu một bước cải cách mạnh mẽ của các Bộ, cơ quan trong việc tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, hoạt động KTCN còn bất cập, chưa thực sự cải cách trong khâu thực thi. Còn nhiều quy định, thủ tục kiểm tra chuyên ngành còn rườm rà, phức tạp, chưa đảm bảo thống nhất “một cửa”, một đầu mối, chưa thực sự tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp…

Để khắc phục triệt để những bất cập, tồn tại nêu trên, hoạt động KTCN cần phải cải cách mạnh mẽ, cải cách một cách thực chất hơn nữa. Đặc biệt, hoạt động KTCN cần tập trung một đầu mối, phù hợp với thông lệ quốc tế, phù hợp với thực tế hoạt động thương mại của các nước có kim ngạch thương mại xuất, nhập khẩu lớn với Việt Nam, như Mỹ, Trung Quốc…

Tổ công tác kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính cải cách mạnh mẽ thủ tục hải quan, kiểm tra giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh theo hướng điện tử hóa, áp dụng các chuẩn mực, thông lệ quốc tế tiên tiến về hải quan (hải quan điện tử).

Đồng thời, giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng Đề án về cải cách, thống nhất hoạt động kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu theo hướng giao cơ quan Hải quan là cơ quan đầu mối thực hiện kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu tại cửa khẩu (trừ các mặt hàng liên quan đến an ninh, quốc phòng, kiểm dịch động, thực vật, liên quan trực tiếp đến môi trường, sức khỏe của người dân mà cơ quan Hải quan chưa đủ điều kiện, nhân lực để thực hiện). Các bộ, cơ quan quản lý chuyên ngành thực hiện kiểm tra hậu kiểm (kiểm tra trong quá trình lưu thông trên thị trường); báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong tháng 1 năm 2020.

Trong tháng 11 năm 2019, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan báo cáo cụ thể các vướng mắc quy định tại các luật, pháp lệnh, tham mưu, đề xuất với Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội; các vướng mắc do quy định tại các nghị định, thông tư, kiến nghị ngay với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Trong thời gian xây dựng Đề án, đối với các mặt hàng còn chịu nhiều thủ tục KTCN của nhiều cơ quan, Tổ công tác kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng giải pháp xử lý với một số mặt hàng.

Với mặt hàng, hệ thống lạnh, Tổ công tác kiến nghị giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu, sửa đổi các văn bản có liên quan theo hướng chuyển kiểm tra chuyên ngành hệ thống lạnh từ trước thông quan sang hậu kiểm (thực hiện sau thông quan); Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu, sửa đổi quy định tại khoản 3 Điều 1 Nghị định số 74/2018/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung khoản 2a, 2b, 2c Điều 7 Nghị định số 132/2008/NĐ-CP) theo hướng giao cơ quan Hải quan căn cứ hồ sơ, giấy tờ nộp để kiểm tra, thông quan hàng hóa.

Về một số nguyên liệu sản xuất nước giải khát, giao Bộ Công Thương rà soát, sửa đổi các văn bản liên quan theo hướng cắt giảm các nguyên liệu sản xuất nước giải khát vừa phải kiểm tra an toàn thực phẩm, vừa phải kiểm dịch trong danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương để thống nhất một đầu mối là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện kiểm tra chuyên ngành.

Giao Bộ Công Thương chủ trì thực hiện kiểm tra chuyên ngành đối với sữa và sản phẩm khác từ sữa theo hướng Bộ Công Thương tổ chức chỉ định các Cơ quan thú y vùng, cơ quan kiểm dịch động vật vùng có đủ điều kiện, năng lực thực hiện việc kiểm tra an toàn thực phẩm đối với mặt hàng này, đồng thời thực hiện việc kiểm dịch theo quy định để đảm bảo thống nhất một đầu mối trong thực hiện kiểm tra chuyên ngành.

Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì thực hiện kiểm tra chuyên ngành khi nhập khẩu đối với bột, tinh bột. Bộ Công Thương rà soát, cắt giảm các mặt hàng này trong danh mục các mặt hàng phải thực hiện kiểm tra chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý của Bộ.

Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, loại bỏ các sản phẩm, hàng hóa là chất hỗ trợ chế biến Casein ra khỏi danh mục hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý của Bộ.

Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế rà soát, xác định danh mục các mặt hàng dược liệu phải kiểm dịch để tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với mặt hàng này.

Vì sao môi trường kinh doanh của Việt Nam giảm 1 bậc?

Theo kết quả xếp hạng Môi trường kinh doanh 2020 do Ngân hàng Thế giới công bố ngày 24/10/2019, Việt Nam tăng 1,2 điểm (từ 68,6 lên 69,8) nhưng giảm 01 bậc xếp hạng chung (từ vị trí 69 xuống 70/190 quốc gia, nền kinh tế). Đây là năm thứ 2 liên tiếp Việt Nam giảm bậc (mỗi năm giảm 01 bậc).

Nguyên nhân, theo Tổ công tác, là do chất lượng cải thiện môi trường kinh doanh của chúng ta còn chậm, cải cách chưa thực sự mạnh mẽ, dẫn đến số điểm tăng chưa nhiều, những chỉ số nêu trên vẫn bị giảm bậc, trong khi nhiều nền kinh tế khác cải cách nhanh và mạnh mẽ hơn.

Cụ thể là, trong 10 chỉ số thành phần thì có 05 chỉ số tăng điểm, 04 chỉ số giữ nguyên điểm và 01 chỉ số giảm điểm; có 02 chỉ số được ghi nhận cải cách về quy định và thực thi; có 2/5 chỉ số tăng điểm có sự tăng bậc, 3/5 chỉ số còn lại tăng điểm nhẹ (Khởi sự kinh doanh, Cấp phép xây dựng và Tiếp cận điện năng: tăng 0,3 điểm) nhưng giữ nguyên hoặc giảm bậc. Có thể thấy rằng, những nỗ lực cải cách của chúng ta trong thời qua là chưa đủ.

Tổ công tác kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành đánh giá nguyên nhân giảm bậc và chịu trách nhiệm cải thiện từng chỉ số thành phần. Tổ công tác tăng cường hoạt động kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để cải thiện Môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh cải thiện Môi trường kinh doanh; báo cáo, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 11 năm 2020.

Kết luận phiên họp, một trong những nội dung được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh là việc cải cách môi trường kinh doanh chậm, theo Báo cáo của Ngân hàng Thế giới. Trong đó, cần lưu ý các chỉ số khởi sự kinh doanh, chỉ số cấp phép xây dựng, đăng ký tài sản, bảo vệ nhà đầu tư, giao dịch thương mại qua biên giới, giải quyết tranh chấp.

“Nếu môi trường đầu tư kinh doanh của chúng ta chững lại trong khi các nước trong khu vực tăng tốc, thì các bộ, ngành, địa phương phải chú ý cái này”, Thủ tướng nhắc nhở, nhất là tư tưởng cuối nhiệm kỳ, tư tưởng sợ trách nhiệm, ngại khó, không xử lý, giải quyết những vấn đề đặt ra của phát triển thì sự chậm trễ, trì trệ ấy làm cho môi trường kinh doanh chuyển biến chậm.

Trong 10 tháng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao 9.817 nhiệm vụ cho các Bộ, cơ quan, địa phương. Trong đó, có 4.941 nhiệm vụ đã hoàn thành, 4.642 nhiệm vụ đang thực hiện trong hạn, 234 nhiệm vụ chưa hoàn thành quá hạn (chiếm 2,37%, tăng 0,06% so với tháng trước).

Về thực hiện Chương trình công tác, 10 tháng, có 373 đề án phải trình. Hiện, còn 40 đề án chưa trình, chiếm 10,7 - giảm 10,3% so với tháng trước.

Hiện có tổng số có 10 văn bản đang nợ đọng, chưa ban hành, thuộc trách nhiệm của các Bộ: Công an (06); Công Thương (02); Giáo dục và Đào tạo (01); Thanh tra Chính phủ (01) - Phụ lục II.

Ngoài ra, các Bộ, cơ quan có 61 văn bản quy định chi tiết phải ban hành và trình ban hành trong thời gian tới (28 Nghị định và 33 Thông tư). Trong đó, có 16 Nghị định quy định chi tiết phải trình ban hành trước 15/11/2019 để bảo đảm có hiệu lực cùng với các Luật có hiệu lực từ 01/01/2020; 12 Nghị định quy định chi tiết có hiệu lực từ 01/7/2020.

Kết quả làm việc của Tổ công tác tại UBND thành phố Hà Nội cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2019, với sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, chủ động của lãnh đạo thành phố cùng với sự đoàn kết, nỗ lực, cộng đồng trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn, Hà Nội đã đạt nhiều kết quả trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, có nhiều giải pháp đột phá, sáng tạo trong công tác CCHC (Hà Nội xếp thứ 3 về mức độ sẵn sàng phát triển và ƯDCNTT, xếp thứ Nhất về chỉ số công nghiệp CNTT; đã triển khai 1.448/1.839 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 & 4).

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, còn một số bất cập, như: tình trạng ùn tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng; công tác quản lý nhà nước về môi trường (việc xử lý các vụ việc ô nhiễm môi trường của chính quyền bị người dân và dư luận đánh giá là phản ứng chậm chễ); nhiều dự án trọng điểm chậm tiến độ; một số nhiệm vụ giao còn nợ đọng (từ 01/01/2019 - 15/10/2019, có 1.311 nhiệm vụ giao UBND thành phố Hà Nội. Đã hoàn thành: 1.017 nhiệm vụ; chưa hoàn thành trong hạn: 281 nhiệm vụ; quá hạn: 13 nhiệm vụ).

Hà Chính

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/thi-truong/to-cong-tac-cua-thu-tuong-nhieu-mat-hang-dang-gap-vuong/379285.vgp