Tố Hoài nặng lòng thời hoa lửa

Tập thơ Phục sinh có mảng hồi ức khá đậm nét về một thời chiến tranh và những tự sự về đời sống thời hiện đại

Nhà văn Tố Hoài vừa ra mắt tập thơ "Phục sinh", NXB Hội Nhà văn, 2018. Một tập thơ nhẹ nhàng, đầy tính tự sự của một cây bút nhiều trải nghiệm, giàu vốn sống.

Từng đi qua chiến tranh, nên tập thơ này có mảng hồi ức khá đậm nét về một thời binh lửa. Đó là những cô dân công hỏa tuyến mãi trẻ trung trong hồi ức:

"Tiếng cười thấm vào vách đá Trường Sơn/ Mạnh hơn hàng ngàn tấn bom giặc Mỹ" (Tiếng cười ở tuyến lửa).

Là người nữ quân y trong "Chuyện riêng của binh đoàn", hết lòng cứu chữa thương binh, niềm vui vỡ òa khi cứu được những ca hiểm nghèo:

"Có một không gian trong bề dày trận đánh/ Tát nước đến cùng, giành tín hiệu hồi sinh/ Nụ cười em, vỡ òa cơn nín thở".

Tố Hoài nhớ về đám cưới giữa rừng Trường Sơn ngày ấy, giữa sống chết vẫn đầy lạc quan và tươi tắn:

"Bom thường xuyên, nên dường như không có/ Người đến dự như cô dâu rạng rỡ/ Cưới xong rồi cùng đi phá bom rơi" (Không để lẫn vào bom).

Nhưng sau một thời tuổi trẻ cống hiến cho đất nước, họ trở về, niềm vui hòa quyện nỗi buồn, vẫn nhói lòng dư âm sau chiến tranh:

"Còn lại vết đau hằn sau vết đạn/ Có thể nào chắp cho lành lặn"…

Đất nước thanh bình, Tố Hoài ngược xuôi những công trường, hợp tác xã, nông trường ở Thái Bình, Nghệ An, Sông Đà... Dễ nhận ra tiếng reo vui, những vần thơ khỏe khoắn:

"Mang tình người trong suốt ánh pha lê/ Cho riêng biệt một vang âm khiêm nhượng" (Vang âm thủy tinh).

Trong tập thơ này cũng có một mảng thơ trữ tình không thể không nhắc đến. Đó là lối vắng ngày xưa "Lá me dát cả hoang chiều vàng ối/ Vô cớ chi sao úa ủng trời mơ". Là những ngọt ngào đắm đuối trong liên khúc ru tình: "Với tình, ta lá được mưa/ Với em, ta quả trái mùa cỏn con/ Với tình, ta sợi tơ non"

Với Tố Hoài, đó cũng là tự sự sau những cựa mình, quay quắt như bao người khác, song có sự thảng thốt về nỗi thắm thiết riêng mình nhận được:

"Đâu ngờ cau mỏng trầu thưa/ Phải nhau vẫn thắm đêm khuya chập chờn" (Đăm đắm không lời).

Là câu hỏi đặt ra với sự trầm tư và sáng lên hy vọng:

"Ta chẳng thể gieo ngày tháng gian truân/ Trên nụ cười không dễ dàng trẩy hạt/ Hy vọng in hằn trên mỗi nếp chân chim" (Đi tới ngày mai).

Anh là người đi rất nhiều quốc gia trên thế giới, từ Đông Bắc Á sang Trung Đông, châu Phi, châu Âu. Trong hành trình của nỗi nhớ, anh dặn dò hai con về quê hương, nơi đó có mồ hôi của mẹ rơi xuống cánh đồng, "cây kết trái từ suy tư của mẹ/ Quả chín hồng vào nỗi nhớ của cha". Anh nghĩ về con người trong những tháng ngày chưa hết loạn lạc ở xứ sở ngàn lẻ một đêm: "Mài kiên trinh, giữa tà tâm hung bạo/ Sáng ngời lên bác ái, nhân văn"…

Bài thơ làm tựa đề tập thơ, "Phục sinh" là cảm xúc khi anh đứng trước các tác phẩm của danh họa Vincent Van Gogh:

"Phá bước phận nghèo/ Ghép khuôn hình mới/ Mang màu lửa cháy/ Bén vào khát vọng sơ khai".

Anh nghiệm ra những thiên tài như Van Gogh để lại di sản lớn lao cho hậu thế luôn "Cao hơn miền bất tử"…

Chúc mừng tập thơ thứ tư và cũng là tác phẩm thứ 12 của nhà văn Tố Hoài, một sức viết đáng khâm phục.

NGUYỄN LINH MAI

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-nghe/to-hoai-nang-long-thoi-hoa-lua-20181222211801758.htm