'Tô Hoài - Nhà văn của mọi lứa tuổi'

Phát biểu tại tọa đàm 'Tô Hoài - Nhà văn của mọi lứa tuổi', Giám đốc Nhà xuất bản Kim Đồng Bùi Tuấn Nghĩa cho biết: Với 94 năm tuổi đời và hơn 70 năm tuổi nghề, với một số lượng tác phẩm đồ sộ, gần 200 đầu sách trải rộng trên nhiều mảng đề tài, có thể nói, Tô Hoài là nhà văn của nhiều thời, nhiều tầng lớp, nhiều độ tuổi khác nhau...

Ngày 25/9, tại Hà Nội, Nhà xuất bản Kim Đồng tổ chức Tọa đàm “Tô Hoài - Nhà văn của mọi lứa tuổi” với sự tham gia của đông đảo nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình văn học, các nhà sư phạm...

Tô Hoài là một trong những tên tuổi lớn của văn học hiện đại Việt Nam. Ông tên thật là Nguyễn Sen, sinh ngày 27 tháng 9 năm 1920 tại quê ngoại là làng Nghĩa Đô, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông cũ (nay là phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội) trong gia đình có truyền thống làm giấy dó. Đây cũng là nơi ông sinh sống và gắn bó suốt những năm tháng ấu thơ cho đến lúc trưởng thành.

Những sáng tác đầu tay của Tô Hoài được đăng trên Hà Nội tân văn và Tiểu thuyết thứ bảy đã nhanh chóng được bạn đọc đương thời chú ý. Ông sớm khẳng định được vị trí của mình bằng một loạt tác phẩm độc đáo, đặc sắc như: Con dế mèn (sau này viết bổ sung và đổi tên thành Dế Mèn phiêu lưu ký), Quê người, O chuột, Trăng thề, Nhà nghèo

Sau 1945, Tô Hoài có sự chuyển biến về tư duy sáng tác. Tô Hoài không bó hẹp nội dung và đối tượng phản ánh trong phạm vi của một vùng quê nghèo ngoại thành Hà Nội nơi ông từng gắn bó như trước mà hướng đến không gian rộng lớn, đến với cuộc sống của nhiều lớp người, nhiều vùng đất khác nhau. Ông viết về miền núi, với các tập Núi Cứu quốc, Truyện Tây Bắc, Miền Tây... Ông viết về những người anh hùng dân tộc thiểu số dũng cảm, thủy chung sắt son, hiến dâng cuộc đời mình cho đất nước, quê hương: Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ, Kim Đồng, Giàng A Thào, Vừ A Dính...

Không chỉ thành công ở thể loại truyện ngắn và tiểu thuyết, Tô Hoài còn đạt được thành tựu đặc sắc ở thể ký. Nhiều tác phẩm ký của ông xuất hiện sau những chuyến đi về các miền đất như Nhật ký vùng cao, Lên Sùng Đô... hay tới thăm nước bạn như: Tôi thăm Campuchia, Thành phố Lê-nin, Hoa hồng vàng song cửa... Đặc biệt, các tập hồi ký của Tô Hoài luôn gắn liền với bao nỗi vui buồn và mơ ước của tuổi thơ, bao kỉ niệm về những bạn văn, đời văn của ông như: Cỏ dại, Tự truyện, Cát bụi chân ai, Chiều chiều...

Bên cạnh những mảng sáng tác trên, Tô Hoài còn viết rất nhiều tác phẩm cho thiếu nhi và rất thành công. Ngoài Dế Mèn phiêu lưu ký nổi tiếng, ông có hàng loạt sáng tác được trẻ em nhiều thế hệ yêu thích như: Mực tàu giấy bản, Nói về cái đầu tôi, Ngọn cờ lau, Thằng phó, U Tám, Lá thư rơi, Võ sĩ Bọ Ngựa, Ba anh em, Ba bà cháu, Câu chuyện ngày chủ nhật, Chuột thành phố, Người chiến sĩ vệ quốc trong phái tăng già, Con mèo lười, Đám cưới chuột, Đảo hoang, Chuyện nỏ thần, Nhà Chử, Trê và Cóc, Ông Trạng Chuối, Chiếc xe bí mật, Hoa Sơn, Con gà lờ đờ, Tính ác, Hợp tác xã chúng em, Chim hải âu, Chim chích lạc rừng, Chú bồ nông ở Sa-mác-can…

Là một tài năng lớn của văn học nghệ thuật nước nhà, Tô Hoài đã đạt nhiều giải thưởng sáng tác như Giải Nhất của Hội Văn nghệ Việt Nam (1956, Truyện Tây Bắc); Giải A − Giải thưởng Hội Văn nghệ Hà Nội (1970, tiểu thuyết Quê nhà); Giải thưởng của Hội Nhà văn Á − Phi (1970, tiểu thuyết Miền Tây); Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật (đợt 1, năm 1996) và Giải thưởng Bùi Xuân Phái −Vì tình yêu Hà Nội (năm 2010). Tác phẩm của Tô Hoài đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và giới thiệu tại nhiều quốc gia như Nga, Anh, Trung Quốc, Pháp, Ba Lan, Séc, Đức, Bungari, Cu Ba, Mông Cổ, Nhật Bản ...

Phát biểu tại tọa đàm, Giám đốc Nhà xuất bản Kim Đồng Bùi Tuấn Nghĩa cho biết: Với 94 năm tuổi đời và hơn 70 năm tuổi nghề, với một số lượng tác phẩm đồ sộ, gần 200 đầu sách trải rộng trên nhiều mảng đề tài, có thể nói, Tô Hoài là nhà văn của nhiều thời, nhiều tầng lớp, nhiều độ tuổi khác nhau. Nhà văn Tô Hoài cũng chính là người tiên phong khai đường mở lối và xác lập một vị thế vững chắc cho nền văn học thiếu nhi Việt Nam. Ông cũng là một trong những thành viên tham gia sáng lập NXB Kim Đồng, người lấy tên của vị anh hùng thiếu niên Kim Đồng đặt cho Nhà xuất bản thiếu nhi đầu tiên của Việt Nam.

Theo ông Bùi Tuấn Nghĩa, năm 2005, Nhà văn Tô Hoài đã tin tưởng ủy nhiệm cho Nhà xuất bản Kim Đồng quản lý toàn bộ tác phẩm của ông. Mới đây, đại diện gia đình Nhà văn tiếp tục ủy quyền tiếp nhận phần tác phẩm dành cho người lớn của ông để nhà xuất bản khai thác, xuất bản, ra mắt công chúng.

Tại tọa đàm, nhiều đại biểu là nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình văn học, nhà sư phạm... đã chia sẻ ý kiến của về cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của Nhà văn Tô Hoài, chia sẻ những kỷ niệm với Nhà văn Tô Hoài trong quá trình làm việc cùng ông.

Nhân dịp này, Nhà xuất bản Kim Đồng đã xuất bản 21 ấn phẩm của Nhà văn Tô Hoài, trong đó có tác phẩm ra mắt lần đầu và tái bản theo hình thức mới. Loạt sách kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Nhà văn Tô Hoài của Nhà xuất bản Kim Đồng mang đến cho độc giả một góc nhìn toàn diện và mới mẻ về tác phẩm viết cho thiếu nhi của Nhà văn Tô Hoài.

Trong không gian tọa đàm, Nhà xuất bản Kim Đồng cũng trưng bày 20 bức chân dung nhà văn Tô Hoài do nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán ghi lại và thưởng lãm những tác phẩm minh họa "Dế mèn phiêu lưu ký" của các họa sĩ trong và ngoài nước./.

Tin, ảnh: Hà Thảo

Nguồn ĐCSVN: http://dangcongsan.vn/tu-tuong-van-hoa/to-hoai-nha-van-cua-moi-lua-tuoi-564336.html