Tổ hợp tên lửa chống tàu RBS15 Mk3 của Thụy Điển

- Tổ hợp tên lửa chống tàu RBS15 Mk3 do Công ty Saab Bofors Dynamics của Thụy Điển chế tạo, có khả năng tiêu diệt các loại tàu có kích thước nhỏ, tốc độ cơ động cao của đối phương ngoài biển khơi, tại căn cứ hoặc ven bờ.

Đây là phương án phát triển kế tiếp của tổ hợp tên lửa RBS15 Mk2. Cụ thể, RBS15 Mk3 kế thừa một số thành phần như đầu đạn tác chiến, hệ thống dẫn đường và phần mềm điều khiển. Tuy nhiên, tên lửa của tổ hợp RBS15 Mk3 có cự ly bắn xa hơn, khả năng nhận biết mục tiêu chính xác và bảo đảm tiêu diệt hệ thống phòng không của đối phương hiệu quả hơn. Năm 2007, Thụy Điển đã tiến hành thử nghiệm tổ hợp tên lửa RBS15 Mk3 tại chiến trường của Bộ Quốc phòng ở thành phố Vidzel. Khi đó đã cho thử tất cả các hệ thống tên lửa trên khoang RBS15 Mk3; bao gồm hệ thống lập kế hoạch đánh chặn, kiểm tra khả năng của đầu tự dẫn phát hiện mục tiêu, kiểm tra độ cơ động của tên lửa trong chu kỳ quỹ đạo cuối cùng với tải trọng cao. Kết quả của cuộc thử nghiệm này được đánh giá rất thành công. Tên lửa RBS-15Mk3 được thiết kế theo sơ đồ khí động lực học “con vịt” với việc bố trí cánh hình chữ thập, động cơ tuabin phản lực Microturbo TRI 60-2 và 02 máy gia tốc phóng nhiên liệu rắn. Cự ly bay của tên lửa đạt 200km, trong tương lai nhà sản xuất dự định cải tiến tên lửa tăng cự ly hoạt động lên gấp đôi (400km). Để giảm mặt phản xạ hiệu dụng trong kết cấu, khi chế tạo nhà sản xuất đã sử dụng các chất hấp thụ vô tuyến và điều khiển góc nghiêng của gương anten đầu tự dẫn. Thiết bị trên khoang của tên lửa gồm hệ thống điều khiển quán tính, hệ thống lái tự động số hóa mới, thiết bị đo độ cao thích ứng, máy tính cá nhân và đầu tự dẫn. Khi bay ở tầm quỹ đạo thấp, hệ thống quán tính và thiết bị đo độ cao sẽ đảm nhiệm việc dẫn đường cho tên lửa, bảo đảm dẫn đường cho tên lửa đến mục tiêu theo các điểm cho trước và bay qua các chướng ngại vật. Hệ thống điều khiển cho phép tên lửa tiến hành tìm kiếm và tấn công khi đánh chặn mục tiêu, phòng không theo phương thẳng đứng và nằm ngang ở vùng quỹ đạo cuối. Đầu tự dẫn vô tuyến đơn xung dải tần mm với khẩu độ anten rộng và tổng hợp khẩu độ cho phép phân biệt chính xác các mục tiêu trên biển. Việc sử dụng đầu tự dẫn tổng hợp nâng cao khả năng chống nhiễu và xác suất tiêu diệt mục tiêu trong các điều kiện bị chế áp điện tử mạnh. Ngoài ra, tên lửa còn được trang bị hệ thống dẫn đường theo địa hình và máy thu của hệ thống dẫn đường vô tuyến vũ trụ NAVSTAR. Đầu đạn tác chiến phá mảnh của tên lửa có trọng lượng 200kg, có khả năng nổ khi đầu đạn tiếp xúc trực tiếp với mục tiêu hoặc bằng các bộ cảm biến không tiếp xúc. Hệ thống tự động điều khiển bắn MEPS (Missile Engagement Planning System) có nhiệm vụ xử lý các dữ liệu từ các nguồn chỉ thị mục tiêu khác nhau, lập kế hoạch tiêu diệt hỏa lực, chuẩn bị và phóng tên lửa. Hệ thống này có thể làm việc trong 4 chế độ cơ bản (tác chiến, luyện tập, kiểm tra tên lửa thường xuyên, mô phỏng tình hình chiến thuật). Hệ thống MEPS còn cho phép tính toán số lượng tên lửa cần thiết bắn loạt, quỹ đạo bay của mỗi tên lửa. RBS15 Mk3 có thể bố trí trên các tàu tên lửa, tàu tuần tiễu, tàu hộ tống, chiến hạm, máy bay, các tổ hợp phòng thủ bờ biển cơ động và cố định. Hiện nay, tổ hợp tên lửa chống tàu RBS15 Mk3 đã được trang bị cho tàu hộ tống Visby của Thụy Điển, tàu hộ tống dự án 621 của Ba Lan, chiến hạm triển vọng F-125 của Hải quân Đức. Nguyễn Hoàng (Tổng hợp)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://bee.net.vn/channel/3724/201004/To-hop-ten-lua-chong-tau-RBS15-Mk3-cua-Thuy-Dien-1750217/