Tổ hợp Tornado: Một lữ đoàn NАТО bị diệt trong vài phút

Các tổ hợp phản lực phóng dàn: Nga đi hàng đầu, Trung Quốc đuổi theo sau...

Xin giới thiệu bài viết của chuyên gia quân sự Nga quen thuộc Vladimir Tuchkov về các hệ thống tên lửa phóng dàn (cách gọi khác- pháo phản lực phóng loạt – viết tắt tiếng Anh: MLRS) và một số nhận định so sánh các hệ thống Nga với những hệ thống cùng lớp của Mỹ và Trung Quốc. Bài đăng trên “Svobodnaia Pressa” ngày 25/11/2018.

Trên ảnh: hệ thống phản lực phóng loạt “Tornado-G” (Ảnh: Xergey Bobylev/ТАSS)

Mới đây, trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình “Zvezda” (Ngôi sao), Tổng công trình sư Tập đoàn khoa học- công nghiệp “Splav” Boris Belobragin đã hé lộ một số thông tin mật về hệ thống pháo phản lực phóng loạt “Tornad-G” – một hệ thống đang được đưa vào trang bị để thế chỗ cho hệ thống “Grad” đến tuổi “nghỉ hưu”.

Quân đội Xô Viết, và sau đó là Quân đội Nga được trang bị một số lượng lớn hai (2) hệ thống phản lực phóng loạt các cỡ khác nhau: hệ thống “Grad” cỡ 122 ly và hệ thống “Smerch” cỡ 300 ly.

Hệ thống “Grad” với tầm bắn 42 km và 40 ống phóng đạn phản lực lắp trên khung gầm xe bánh lốp được đưa vào trực chiến năm 1963. Do có hiệu quả tác chiến rất cao, cụ thể - một dàn phóng của “Grad” “hủy diệt” các mục tiêu trên một khu vực có diện tích tới 145.000m2 nên tổng cộng đã có tới 90 nước mua hệ thống này.

Đến thời điểm hiện tại, sau nửa thế kỷ, hệ thống “Grad” vẫn có trong trang bị của quân đội hơn 60 nước trên thế giới. Lý do khiến “Grad” được “mến mộ” như vậy- do cả hiệu quả tác chiến lẫn độ tin cậy của nó đều rất cao.

Còn về hệ thống “Smerch”- nó trẻ hơn “Grad” nhiều, “Smerch” bắt đầu trực chiến năm 1987. Hệ thống “Smerch” có 12 ống phóng, các đầu tác chiến của một dàn phóng “trùm” một khu vực diện tích 670.000m2. Cự ly bắn tối đa- 100km. Hiệu quả tác chiến của hệ thống này cao đến mức- một dàn phóng của 6 xe chiến đấu đủ để chặn đứng đợt tấn công của một sư đoàn bộ binh cơ giới.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, đã có những công nghệ mới trong lĩnh vực điều khiển đường bay của các đầu đạn phản lực ra đời , cũng đã có những loại nhiên liệu hỗn hợp mới hiệu quả hơn, các tổ hợp liên lạc và chỉ mục tiêu cũng có những tính năng mới.

Chính vì vậy mà Tập đoàn “Splav” (trước đây là Viện khoa học- nghiên cứu chế tạo máy chính xác Tula (thành phố Tula-ND) đã thực hiện dự án hiện đại hóa sâu hai hệ thống pháo phản lực phóng loạt này.

Kết quả thực hiện - tập đoàn “Splav” đã chế tạo “Tornado-G” (phát triển từ “Grad”- lấy chữ cái đầu G-ND) và “Tornado-S”(phát triển từ “Smerch”- lấy chữ cái đầu-ND)- những phiên bản mới này có các tính năng kỹ chiến thuật vượt trội so các mẫu cơ sở (“Grad” và “Smerch”- ND). Hệ thống “Tornado-G” được đưa vào trang bị trong năm 2012, còn “Tornado-S”- mới trong năm 2016.

Các xe chiến đấu của cả hai hệ thống này đều là các xe thế hệ mới. Tất cả các công đoạn đều được tự động hóa tối đa. Trước kia, kíp chiến đấu cần phải trực tiếp cài các dữ liệu về cự ly và các tham số khác vào mỗi quả đạn.

Hiện nay, sỹ quan điều khiển ngồi trong sở chỉ huy trên xe chiến đấu để thực hiện công đoạn này. Xe chiến đấu khi di chuyển liên tục tự động cập nhật tọa độ và góc nghiêng của xe. Sở dĩ phải làm như vậy là để giảm tối đa thời gian chuẩn bị phóng. Thời gian làm công tác chuẩn bị phóng giảm từ 3 phút xuống còn 20 giây.

Hệ thống mạnh nhất- “Tornado-S”- do sử dụng kiểu đạn siêu xa mới nên tầm bắn được nâng lên đến 200 km hoặc hơn. Đầu đạn được lắp thiết bị thu tín hiệu GLONASS để hiệu chỉnh quỹ đạo bay, nhờ vậy mà độ lệch mục tiêu (sai số xác xuất vòng tròn) chỉ còn nằm trong khoảng dưới một (1) mét.

Hệ thống pháo phản lực phóng loạt “Tornado-S”

Ngoài phóng đạn siêu xa, hệ thống còn có thể phóng nhiều kiểu đạn có các chức năng khác nhau với tầm bắn nằm trong khoảng từ 120 đến 140km. Có đạn xuyên thép, đạn chùm, đạn bộc phá- nổ mảnh, đạn nổ mảnh- định hướng với 588 phần tử (mảnh) tác chiến có khả năng xuyên thủng lớp thép dày 160 ly.

Các đầu đạn bộc phá- nổ mảnh có khả năng tiêu diệt các phương tiện thiết giáp hạng nặng, kể cả xe tăng, bởi vì hướng tiếp cận mục tiêu của đạn là từ trên xuống- nó lao gần vuông góc với nóc xe- nơi có vỏ thép bảo vệ mỏng nhất. Có cả đạn nhiệt áp hoạt động theo nguyên lý bom chân không. Trọng lượng đầu tác chiến của các quả đạn- khoảng 280kg.

Các kỹ sư thiết kế “Tornado-S” đã thành công trong việc tăng độ chụm khi phóng một loạt đạn “Smerch”. Bây giờ thì độ tản mát của một dàn phóng không vượt quá 0,3% cự ly phóng.

Tất cả 12 quả đạn sẽ “nằm gọn” trong một hình tròn (chính xác hơn- hình ellipse) có đường kính 300m. Còn có thể còn bắn chính xác hơn nữa nếu sử dụng máy bay không người lái cũng được phóng từ xe chiến đấu của hệ thống. Dĩ nhiên, mỗi quả đạn còn có cả khả năng được “phân công phụ trách riêng một mục tiêu”.

Cơ số đạn của “Tornado-G” cũng có thay đổi đáng kể (so với phiên bản gốc- tức “Frad”-ND). Xuất hiện 3 kiểu đạn mới về nguyên tắc, nhờ vậy mà sức mạnh hỏa lực của “Tornagdo-G” lớn hơn mẫu cơ sở (“Grad”) tới 4 lần.

Lần đầu tiên, các quả đạn 122 ly được lắp đầu tác chiến định hướng- nổ mảnh. Trong mỗi quả đạn có 70 (mảnh) phẩn tử sát thương. Một dàn phóng của một xe chiến đấu dội xuống đầu các phương tiện kỹ thuật của đối phương tới 2.800 phần tử sát thương có thể khoan thủng lớp vỏ thép dày tới 140 mm.

Còn một kiểu đạn nữa mang phần tác chiến tự tách. Đầu tác chiến của nó hạ độ cao bằng dù và có khả năng sát thương rất lớn. Sức công phá của kiểu đạn này gấp 10 lần các loại đạn hiện có.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/luc-luong-vu-trang/to-hop-tornado-mot-lu-doan-n-bi-diet-trong-vai-phut-3370032/