Tò mò loại nấm ẩn mình cực hiếm, đại gia ráo riết săn lùng

Matsutake là loại nấm đắt thứ ba trên thế giới, chúng không những quý hiếm mà có hương vị vô cùng thơm ngon và mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.

Matsutake, tiếng Việt gọi là nấm Tùng Nhung là loại nấm vô cùng quý hiếm. Nấm Tùng Nhung chỉ xuất hiện ở trong những rừng thông đỏ và chúng mọc trên rễ của những cây thông lớn.

Loại nấm này có biệt tài ẩn mình cực tốt, phải để ý rất kĩ người săn nấm Tùng Nhung mới có thể tìm ra chúng. Loại nấm này trở nên nổi tiếng nhờ các món ăn Nhật Bản và trong ẩm thực Trung Hoa.

Hương vị phong phú của loại nấm này khiến nó trở thành một trong những loại gia vị tốt nhất trên thế giới, tuy nhiên việc chế biến chúng cũng rất công phu khiến cho giá tăng cao.

Nấm Tùng Nhung là loại nấm đắt thứ ba trên thế giới sau Yartsa Gunbu (50.000 USD/500 gram) và nấm cục trắng châu Âu (1500-4500 USD/500 gram). Thu hoạch hàng năm của nấm Matsutake ở Nhật Bản không vượt quá 1.000 tấn mỗi năm, vì vậy một cây nấm Matsutake đơn lẻ có thể có giá lên đến 100 USD và giá có thể lên đến hơn 2000 USD/kg.

Vì đặc tính riêng biệt là nấm Tùng Nhung chỉ bám vào phần rễ nhỏ của cây thông sống nên rễ tạo ra khuẩn, nhờ khuẩn đó mà cây nấm mọc lên. Con người vẫn chưa thể tạo ra loại nấm này được mà chỉ có thể thu hoạch ngoài tự nhiên.

Nấm Tùng Nhung chứa tám axit amin thiết yếu mà còn có một lượng lớn vitamin B1, B2, C và PP, không chỉ là món ăn giá trị dinh dưỡng cao mà được xem là loại dược liệu đặc biệt.

Loại nấm này có tác dụng kiện thân, có lợi cho đường ruột, giảm đau, ích khí, tiêu đờm, chống viêm, tẩy giun và các giá trị khác.

Matsutake thường được bán trong 3 tuần vào cuối tháng 9 và đầu tháng 10. Nếu có nhiều mưa, nấm bắt đầu nảy mầm vào cuối tháng 8. Vì loại nấm này rất nhạy cảm với sự thay đổi thời tiết và vận chuyển, nên 2-3 ngày sau khi hái cần được tiêu thụ.

Matsutake là một loại nấm ngon, có mùi và vị độc đáo, có thể ăn sống. Nó có kết cấu đàn hồi, hương vị béo ngậy, thơm phức và mùi như thông. Nó kết hợp giữa mùi của gia vị (quế), trái cây (lê, táo) và vị hơi đắng của nhựa thông, vì thế nó được những người sành ăn vô cùng đánh giá cao.

Matsutake thường được dùng làm món ăn kèm. Trong các nhà hàng truyền thống của Nhật Bản, đây là một món cơm với gà cắt hạt lựu và nấm Matsutake. Nấm Matsutake thường được thêm vào súp, cũng như món salad và các món thịt.

Quý hiếm là vậy, đến khi chế biến để giữ được đúng giá trị của nó còn quý hơn. Mùi thơm của nấm Tùng Nhung tập trung nhiều nhất ở phần vỏ bên ngoài.

Trước khi những cây nấm xù xì này được gột rửa, người đầu bếp phải nhẹ nhàng lau sạch bằng khăn ẩm, cắt đi phần gốc bẩn. Kế tiếp là đem nấm đi rửa thật nhanh tay, rửa quá lâu chúng sẽ bị mất đi mùi thơm và nước vốn có.

Mời các bạn xem video: Khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp tại các quốc gia ít dân nhất thế giới. Nguồn: VTC

Thùy Dung (T.H)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/khoa-hoc-cong-nghe/to-mo-loai-nam-an-minh-cuc-hiem-dai-gia-rao-riet-san-lung-1632993.html