Tổ quốc hiện lên sau mỗi cánh buồm

Tổ quốc hiện lên sau mỗi cánh buồm (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, năm 2019) là tên cuốn sách bao gồm 42 bút ký của nhà thơ Phạm Đương (tức nhà báo Trần Đăng) - phóng viên Báo Thanh Niên thường trú tại Nha Trang. Cuốn sách đã được tặng thưởng loại B - tặng thưởng văn học nghệ thuật tỉnh vào cuối năm qua.

Đây là cuốn sách có rất nhiều tư liệu quý hiếm, nhiều bức tranh sinh động của cuộc sống được chuyển tải bởi một ngòi bút khá linh hoạt, điêu luyện. Là nhà thơ, nhà báo, Phạm Đương có điều kiện đi đến nhiều vùng, miền của đất nước, do đó, nội dung phản ánh trong cuốn sách của anh khá phong phú, diễn ra ở nhiều địa phương, có khi là chuyện về những con người, những sự kiện trong những năm kháng chiến chống Mỹ (như các bút ký: Những lá cờ năm 73, Mì chính ở Trường Sơn, Anh Hai của tôi, Cọp đen ở Cồn Cỏ, Ron ở Sơn Mỹ, Chuyện ngoài trang sách…); có khi là cảnh phản ánh cuộc sống sinh động của đất nước trong sự phát triển hôm nay (Đèo tốt, Thăm hoa quả sơn, Giữ lửa cho làng, “Khỉ lửa” ở Hòn Hèo…); có khi là một đặc điểm của văn hóa truyền thống hoặc chuyện về cuộc đời và sự nghiệp của những văn nghệ sĩ (Đầu năm đi đánh bài chòi, Đi tìm “nàng Út” cùng Nguyễn Chí Trung, Làng của thi nhân, Thu xà với Bích Khê…).

Nói chung, đề tài rất đa dạng, nhưng có lẽ đậm nét nhất được tác giả đề cập trong cuốn sách là chủ đề về biển đảo quê hương. Ở nội dung này, dù khai thác ở khía cạnh nào, các trang viết của tác giả cũng luôn hiện lên lấp lánh bao sắc màu. Đó là những trang sử hào hùng của cha ông ta hàng trăm năm trước, mặc cho bão táp phong ba vẫn luôn bám biển, cho thuyền ra Hoàng Sa, khẳng định chủ quyền của đất nước và dấu ấn để lại là những trang sách, câu chuyện kể giàu chất bi tráng hay những ngôi mộ gió, những hình ảnh sôi động trong Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa… vẫn còn lưu giữ tại đảo Lý Sơn (Tổ quốc hiện lên sau mỗi cánh buồm, Hậu duệ lính Hoàng Sa, Gặp Hoàng Sa ở Lý Sơn, Báu vật của tiền nhân). Đó là sự hy sinh xương máu của những người con ưu tú đã nằm xuống Gạc Ma để bảo vệ cột mốc thiêng liêng của Tổ quốc giữa biển khơi (Nằm lại ở Gạc Ma)…

Không chỉ viết về truyền thống, khá nhiều bút ký đã đề cập, ghi lại những câu chuyện xúc động về cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ta trên khắp mọi miền đất nước những năm gần đây ngày đêm cống hiến sức mình trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo và phát triển kinh tế biển. Đó là chị Kinh, người con gái của vùng đất Bình Sơn (Quảng Ngãi) khi chồng mất đã thay chồng ra khơi cùng bạn thuyền để đánh bắt hải sản, mưu sinh (Chị Kinh đi biển); là Huệ, một thanh niên gặp tai nạn trên biển, hai chân bị liệt nhưng vẫn sắm chiếc lưới nhỏ, nhờ người cõng ra chiếc thuyền thúng để đi đánh bắt ven bờ cho vơi nỗi nhớ biển (Chiếc phao của Huệ). Đó là câu chuyện đầy niềm vui xen lẫn nỗi buồn của những người thợ lặn biển trong bút ký Trung đoàn thợ lặn; là những cảm xúc dạt dào trước bức tranh sinh hoạt của những người khai thác dầu trên tàu FSO Bạch Hổ giữa đại dương mênh mông trong bút ký Làm khách giàn khoan…

Ký của Phạm Đương thường không dài và nội dung luôn được thể hiện khá cô đọng. Với lối văn tường thuật, tác giả thường tập trung ngòi bút vào chủ đề chính của một câu chuyện, một sự việc nhưng vẫn tạo được sự mềm mại của văn chương, làm lôi cuốn người đọc. Ví dụ như bút ký Gặp Hoàng Sa ở Lý Sơn của anh có đoạn: “Bây giờ, đến Lý Sơn, nhìn vào đâu cũng thấy bóng dáng của Hoàng Sa. Hình như Hoàng Sa đã hóa thân vào từng ngọn dừa, từng con sóng nhỏ trên hòn đảo này. Cả câu hát ru em của những bà mẹ trẻ nơi đây, Hoàng Sa cũng hiện hữu trong đó: “Hoàng Sa trời nước mênh mông/Người đi thì có mà không thấy về”. Câu hát buồn như một góc biển đảo lúc hoàng hôn! Hàng trăm câu hát đã truyền đời qua nhiều thế hệ cư dân trên đảo, đã ăn sâu vào máu thịt của những người đàn bà nơi này, dù những cuộc ra đi đẫm nước mắt một thời hoàn toàn không có trong ký ức của họ hôm nay”…

Không chỉ nhiều về số lượng bút ký được tập hợp, chính những nội dung được chuyển tải cùng cách thể hiện của tác giả đã tạo cho Tổ quốc hiện lên sau mỗi cánh buồm trở thành một cuốn sách đáng đọc và cần đọc!

Hoàng Nhật Tuyên

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/202005/to-quoc-hien-len-sau-moi-canh-buom-8163679/