Tổ quốc không bao giờ quên những người con anh dũng

Hàng năm cứ đến ngày 27-7, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cả nước lại tưởng nhớ đến các anh hùng thương binh liệt sĩ và thêm tự hào về bước phát triển của công tác chăm sóc thương binh, liệt sỹ theo tư tưởng và sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Dù chiến tranh đã đi qua nhiều năm nhưng những hậu quả và dư âm của nó còn sót lại vẫn rất lớn lao và khốc liệt, ghi dấu mãi mãi trong tâm trí mỗi thế hệ người dân Việt Nam, ngày 27-7 lại đang đến gần, đó là ngày mà nhân dân cả nước đã dành riêng để tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống hi sinh vì đất nước, vì độc lập tự do của dân tộc. “Uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa”… đó là những đạo lý tốt đẹp của dân tộc và chúng ta có được hòa bình độc lập như ngày hôm nay chính là nhờ một phần lớn công lao của các thế hệ đi trước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói, sự hy sinh xương máu của các thương bệnh binh, liệt sĩ là vô cùng thiêng liêng và cao đẹp, những dòng “máu nóng của các liệt sĩ đã nhuộm lá Quốc kỳ vẻ vang càng thêm thắm đỏ. Tiếng thơm của các liệt sĩ sẽ muôn đời lưu truyền với sử xanh”, đã làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi. Vì thế, thấm nhuần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Các chiến sĩ đã hy sinh xương máu để giữ gìn đất nước... Các chiến sĩ thật xứng đáng với Tổ quốc và Tổ quốc sẽ không bao giờ quên những người con yêu quý như thế”.

Ngày Thương binh liệt sĩ 27-7 là ngày truyền thống đền ơn đáp nghĩa ở Việt Nam, qua đó, giáo dục thế hệ trẻ về lòng biết ơn đối với những người có công với cách mạng. Ảnh: Thủy Liên

Các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh, nhưng chí khí dũng cảm của các liệt sĩ với lòng yêu nước nồng nàn của họ đã thấm sâu vào tâm hồn của toàn quân và toàn dân ta, tiếp thêm tinh thần và sức mạnh cho cuộc đấu tranh giành độc lập, hòa bình, thống nhất và đi lên chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta. Góp phần bày tỏ tấm lòng “Đền ơn đáp nghĩa”, quyết định chọn ngày 27-7 hàng năm làm ngày “Thương binh toàn quốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng, Chính phủ và nhân dân ta đối với những người con thân yêu đã mất một phần thân thể, thậm chí hy sinh cả tính mệnh của mình cho độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân chính là cách làm thiết thực, để “tấm lòng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ cùng toàn thể quân đội và nhân dân” luôn ở bên cạnh, tiếp sức, chia sẻ với những đau thương mất mát mà họ từng gánh chịu.

Tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng, Chính phủ và nhân dân ta, cùng với những việc làm thiết thực, phát huy truyền thống “thương người như thể thương thân” của đạo đức, tâm hồn Việt, đã làm phong phú hơn những hoạt động đầy ý nghĩa của các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”. Tấm lòng và những hoạt động có hiệu quả đối với các thương bệnh binh và gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng đó không chỉ làm dịu đi phần nào nỗi đau trong họ, mà còn góp phần làm cho khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng được củng cố và phát triển.

Từ những căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn xã hội với công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và ưu đãi người có công, trong những năm qua, nhất là trong những năm tiến hành sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng, có thể thấy phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” ngày càng trở thành một nét đẹp tinh thần trong đời sống văn hóa của nhân dân ta, có ý nghĩa chính trị - xã hội to lớn. Các chủ trương, chính sách nhân đạo, phù hợp của Đảng và Nhà nước như xã hội hóa công tác chăm sóc người có công đã phát huy được nội lực và là giải pháp cơ bản, đầy hiệu quả trong việc huy động sức mạnh của toàn xã hội.

Những chương trình lớn: xây dựng nhà tình nghĩa, lập quỹ đền ơn đáp nghĩa, lập sổ tiết kiệm, lập quỹ tấm lòng vàng, giúp đỡ thương bệnh binh ổn định đời sống, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, chăm sóc bố mẹ, con liệt sĩ cô đơn, truy tìm đồng đội... đã, đang và sẽ ngày một phát triển sâu rộng trong cộng đồng. Trong 73 năm qua, hệ thống chính sách, pháp luật về ưu đãi người có công đã không ngừng được hoàn thiện và được thực hiện để đảm bảo người có công có một cuộc sống tốt và không bỏ sót người có công. Trong đó, đối tượng người có công ngày một mở rộng, chế độ ưu đãi ngày một nâng cao gắn liền với sự đảm bảo công bằng và sự đồng thuận của toàn xã hội.

Thủy Liên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/to-quoc-khong-bao-gio-quen-nhung-nguoi-con-anh-dung-202600.html