Tổ quốc nơi đầu sóng - Bài 5

Trên chuyến hành trình ra các đảo phía Bắc quần đảo Trường Sa, chúng tôi đã tiếp xúc với nhiều cán bộ, sĩ quan đang công tác tại Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân và được nghe nhiều câu chuyện thú vị về người lính đảo. Đặc biệt, chúng tôi được trò chuyện cùng Phó chỉ huy trưởng đảo Nam Yết là Trung tá Nguyễn Văn Thắng (SN 1971) khi anh theo tàu ra đảo. Những lúc uống trà với anh, chúng tôi may mắn được nghe nhiều về một Nam Yết anh hùng giữa trùng khơi sóng cả.

NAM YẾT ANH HÙNG

Sau khi ta giải phóng Song Tử Tây, quân tăng viện của ngụy quyền Sài Gòn chạy sang đảo Nam Yết tổ chức phòng thủ. Thế nhưng, trước sức mạnh của quân ta, ngày 27-4-1975, đảo Nam Yết được giải phóng. Trong quá trình xây dựng, chiến đấu và bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, đảo nhỏ Nam Yết được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào ngày 22-12-2004. Trong chuyến công tác lần này, chúng tôi được đặt chân lên đảo và nghe kể, đọc những tư liệu tại nhà truyền thống càng thêm tự hào về Nam Yết anh hùng của Tổ quốc giữa biển cả mênh mông.

“Mắt thần” giữa biển Đông

Trung tá Nguyễn Văn Thắng cho hay, tuy ở hướng Bắc nhưng đảo Nam Yết gần như ở vị trí trung tâm của quần đảo Trường Sa nên có vị trí chiến lược rất quan trọng trong bảo vệ chủ quyền đất nước. Nhìn từ trên cao, Nam Yết thon, dài hình bầu dục và xanh mướt, các bãi cát xung quanh trắng càng làm cho đảo thêm lung linh, huyền diệu giữa biển cả. Đảo có rất nhiều dừa cùng các loại cây phong ba, mù u, bàng vuông cổ thụ nên Nam Yết luôn dịu mát quanh năm. Nhìn từ xa, Nam Yết như viên ngọc xanh giữa biển khơi. Bước vào đảo, các con đường được trải bê tông xi măng thẳng tắp. Hai bên đường, những hàng cây cảnh, vườn hoa được cắt tỉa gọn gàng đẹp mắt.

2 trạm ra đa và Hải đăng Nam Yết như mắt thần canh vùng trời và biển, đảo của Tổ quốc (ảnh lớn). Bình yên trên đảo Nam Yết anh hùng

Theo nhiều tài liệu tại nhà truyền thống của đảo, Nam Yết cách đảo Ba Bình do Đài Loan chiếm giữ trái phép khoảng 11 hải lý về phía Nam, cách đảo chìm Ga Ven do Trung Quốc chiếm giữ khoảng 7 hải lý về phía Đông. Trước năm 1975, Nam Yết là trung tâm chỉ huy của ngụy quyền Sài Gòn ở quần đảo Trường Sa. Sau ngày giải phóng, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ trên đảo cùng sự chung tay góp sức của cả nước xây dựng Nam Yết mạnh về phòng thủ, hiện đại về hạ tầng và xanh, sạch, đẹp về môi trường. Các công trình như hội trường, bệnh xá, nhà ở chiến sĩ, chùa Nam Huyên, trạm hải đăng, trung tâm văn hóa, cầu tàu, đường giao thông... được đầu tư xây dựng rất bài bản. Đặc biệt, từ những thửa rau xanh, chuồng nuôi heo, gà, vịt, giếng nước lợ, hệ thống máy năng lượng mặt trời, ăng-ten thu phát tín hiệu qua vệ tinh... tạo cho Nam Yết khung cảnh thôn quê trù phú như trong đất liền. Cuộc sống được cải thiện, sinh hoạt tinh thần nâng cao, cơ sở hạ tầng được đầu tư, người lính trên đảo có thêm nhiều thời gian để thực hiện các nhiệm vụ tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn. Nhiệm vụ này không chỉ ngư dân nước ta mà còn đối với ngư dân các nước trong khu vực khi bị sự cố trôi dạt trên biển và bảo vệ các hoạt động an toàn hàng hải. Cùng với đó, 2 trạm ra-đa có độ phủ sóng rộng hàng trăm hải lý và ý chí kiên trung, bản lĩnh phi thường của người lính đảo, Nam Yết đã trở thành “Mắt thần” trên biển Đông.

Dạo quanh đảo, chúng tôi thấy đây trạm ra-đa, kia ngọn hải đăng, cầu cảng, kho tàng, bến bãi, giữa là tượng đài Trần Hưng Đạo, cuối đảo là sân bay... càng làm những vị khách đến từ đất liền thêm vững tâm vào ý chí, sức mạnh của người lính đảo Nam Yết trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền đất nước.

Niềm tự hào của người lính đảo

Trong chuyến công tác ra Nam Yết, chúng tôi vinh dự được dự lễ kết nạp đảng viên. Tại lễ kết nạp, chúng tôi cảm nhận sâu sắc hơn niềm vinh dự, tự hào của những quần chúng ưu tú nơi đảo xa khi được đứng vào hàng ngũ của Đảng.

Lễ kết nạp quần chúng ưu tú Đỗ Trịnh Tuế vào Đảng trên đảo Nam Yết anh hùng

Sau thời gian theo dõi, giúp đỡ quần chúng ưu tú trong đơn vị, Chi bộ Cụm chiến đấu số 3, Đảng bộ cơ sở Nam Yết tổ chức lễ kết nạp Đảng cho hạ sĩ Đỗ Trịnh Tuế (24 tuổi, quê ở xã Vĩnh Hiệp, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi). Năm 2017, sau khi tốt nghiệp Khoa sư phạm Vật lý Trường đại học Phạm Văn Đồng, Tuế viết đơn tình nguyện nhập ngũ tại Vùng 4 Hải quân. Sau 1 năm rèn luyện, Tuế được cấp trên điều động ra đảo Nam Yết làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Tuế chia sẻ: Lần đầu tiên lên đảo, em rất bỡ ngỡ vì môi trường, cuộc sống, sinh hoạt hoàn toàn khác so với đất liền. Nhiều đêm nằm nghe sóng vỗ hay những lúc tuần tra, gác chốt lòng rất nhớ đất liền, bạn bè, người thân và gia đình. Nhưng được sự quan tâm giúp đỡ của đồng đội, lãnh đạo đơn vị, em bắt nhịp cuộc sống rất nhanh và luôn nỗ lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Thời gian qua, trong vai trò là Ủy viên Ban Chấp hành Chi đoàn Cụm chiến đấu số 3, em đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và có nhiều đóng góp trong hoạt động đoàn.

Trong hội trường nhỏ, xung quanh rì rầm sóng vỗ, trước Quốc kỳ, cờ Đảng và chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đỗ Trịnh Tuế đã dõng dạc tuyên thệ: Tuyệt đối trung thành với mục đích, lý tưởng cách mạng của Đảng; chấp hành nghiêm cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật Nhà nước; hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao; phục tùng tuyệt đối sự phân công, điều động của Đảng... Những lời tuyên thệ của Đỗ Trịnh Tuế vang vọng giữa đảo xanh Nam Yết anh hùng đã tạo sự xúc động không chỉ riêng đảng viên mới hay những người tham dự lễ kết nạp Đảng như chúng tôi, mà còn lay động đến niềm tự hào của những người lính trẻ khác đang ngày đêm canh giữ vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Đêm ở Nam Yết

Ở đảo, bình minh đến thật nhanh thì màn đêm buông xuống cũng vội vàng không kém. Mới gần 5 rưỡi chiều mà đảo đã tối mịt. Nhìn ra biển phía Tây, ráng chiều đỏ rực nhưng chỉ xuất hiện trong chốc lát bởi màn đêm đã bao phủ.

Sau bữa cơm tối, Nam Yết tổ chức lễ mừng sinh nhật đồng đội trong tháng. Các tổ gác, tổ tuần tra, tổ chiến đấu đã vào vị trí, những người còn lại tập trung trước cột chủ quyền dự lễ sinh nhật đồng đội. Sau giới thiệu lý do và nhân vật chính của lễ sinh nhật, các tiết mục văn nghệ tự biên tự diễn của người lính đảo bắt đầu. Xen giữa những tiết mục văn nghệ là lời chúc mừng của Ban chỉ huy đảo và những món quà sinh nhật được trao trong sự ấm áp nghĩa tình đồng đội. Đêm sinh nhật đồng đội trở thành bữa tiệc văn nghệ đậm chất lính, người nhảy điệu hip hop, người giả tiếng kêu của những loài vật, có người thể hiện tài năng ca nhạc, kịch câm...

Thực hiện chỉ đạo của Tư lệnh Binh chủng Hải quân về việc toàn quân không có khói thuốc, những năm qua, Vùng 4 đã quán triệt toàn bộ các đơn vị phải chấp hành nghiêm. Các đơn vị huấn luyện tân binh phải vận động chiến sĩ mới bỏ thuốc lá và quyết liệt xử lý vi phạm. Nhờ đó, mấy năm qua Nam Yết không còn tình trạng cán bộ, chiến sĩ hút thuốc lá. Riêng về rượu ở đảo, đơn vị cấm tuyệt đối. Từ cán bộ, chiến sĩ phải nghiêm túc thực hiện, nếu vi phạm sẽ bị kỷ luật rất nặng.

Trung tá Nguyễn Văn Thắng,
Phó chỉ huy trưởng đảo Nam Yết

Chúng tôi theo các chiến sĩ đến thăm nơi ở, thật bất ngờ mỗi dãy nhà đều có cách sinh hoạt riêng. Có dãy tổ chức hát karaoke, có dãy xem truyền hình, nơi đọc sách báo, nơi mang bánh kẹo, trà ra ghế đá “đàm đạo”, một số chiến sĩ ra sân tượng đài Trần Hưng Đạo luyện những thế võ đã học... Tuyệt nhiên, đảo không có khói thuốc, không điện thoại di động, không rượu, bia, chỉ có nước ngọt.

Ở Trường Sa tuy đã phủ sóng Viettel với mạng 2G nhưng sĩ quan được phép sử dụng điện thoại (cùi bắp), cấm dùng smartphone. Chiến sĩ không được phép sử dụng điện thoại riêng (kể cả cùi bắp) nhưng các đảo đều có máy để bộ đội gọi về thăm gia đình. Chính nhờ quân lệnh như sơn, Nam Yết không có khói thuốc lá, rượu và không có smartphone. Những bữa cơm trên đảo, chiến sĩ nấu rất ngon nên các thành viên trong đoàn cứ xuýt xoa, giá như có thêm ly rượu... thế nhưng chỉ nhận được những cái lắc đầu nghiêm nghị của Ban chỉ huy đảo, trong đó có Nam Yết.

Tấn Phong

Nguồn Bình Phước: http://baobinhphuoc.com.vn/content/to-quoc-noi-dau-song---bai-5-41910