Tổ trinh sát trong căn hầm bí mật

Cựu chiến binh (CCB) Lê Văn Chớ ở thị trấn Thạch Hà, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, nguyên chiến sĩ trinh sát Đại đội 17, Trung đoàn 812, Sư đoàn 324, Quân khu 4.

Dù tuổi đã cao, sức khỏe có phần giảm sút, nhưng khi kể về chuyện chiến đấu năm xưa ông rất hào hứng, nhất là khi kể với chúng tôi về căn hầm bí mật và tinh thần chiến đấu của tổ trinh sát do ông làm tổ trưởng, tại xã Phong Phú, huyện Phong Điền (Thừa Thiên-Huế) trong những năm kháng chiến.

CCB Lê Văn Chớ (thứ tư, từ trái sang) dự Lễ truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho liệt sĩ Nguyễn Phi Hùng, cán bộ Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 812, Sư đoàn 324.

Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, để đánh chiếm thị xã Quảng Trị (Quảng Trị), chỉ huy Trung đoàn 812, Sư đoàn 324 cử tổ trinh sát do đồng chí Lê Văn Chớ làm tổ trưởng có nhiệm vụ trinh sát địa hình, nắm tình hình địch tại thị xã Quảng Trị. Tổ cùng cán bộ cách mạng địa phương xây dựng căn hầm trú ẩn gần chợ Đại Lộc, thuộc xã Phong Phú (nay là xã Điền Lộc, huyện Phong Điền). Hầm gồm 2 tầng, sâu dưới lòng đất, có 4 lỗ thông hơi làm bằng ống pháo sáng được luồn sâu trong bụi tre. Ban ngày các chiến sĩ ẩn nấp dưới hầm, ban đêm bí mật cơ động vượt sông đến gần các trại lính của địch khu vực thị xã Quảng Trị thu thập thông tin về vũ khí, trang bị, quân số, khu vực bố trí bãi mìn, vật cản... rồi báo về sở chỉ huy trung đoàn. Nằm vùng được 4 ngày, thì tổ trinh sát bị lộ nơi trú ẩn.

Sáng 12 tháng Giêng năm Mậu Thân-1968, địch sử dụng một tiểu đoàn chia thành 4 mũi càn quét vào xã Phong Phú, chúng dùng súng bắn và xăm tìm hầm bí mật của tổ trinh sát. Hôm ấy, địch đặt máy thông tin 15W để liên lạc ngay trên nóc hầm bí mật. Tổ trưởng Lê Văn Chớ và đồng đội ngồi phía dưới nghe rõ tiếng bước chân của địch, anh bình tĩnh nói nhỏ với đồng đội: "Với khí tiết của người cách mạng, chúng mình quyết tâm chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, chấp nhận hy sinh". Nòng súng hướng về cửa hầm, lựu đạn cài vào thắt lưng... tổ trinh sát quyết chiến đấu với địch nếu bị chúng phát hiện.

Sau một thời gian không tìm ra hầm của tổ trinh sát, địch đã rút quân. Khi không còn nghe thấy tiếng bước chân của địch, đồng chí Lê Văn Chớ và các chiến sĩ trong tổ trinh sát cơ động ra trú ẩn ở căn hầm dự bị ngoài bờ biển ở thôn Mỹ Hòa, xã Phong Phú, huyện Phong Điền để tiếp tục hoạt động. Những tài liệu mà tổ trinh sát thu được góp phần rất lớn để Trung đoàn 812 cơ động tiêu diệt nhiều sinh lực địch ở chiến trường Quảng Trị. Sau trận đánh, đồng chí Lê Văn Chớ được tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”.

Bài và ảnh: LÊ TƯỜNG HIẾU

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/tiep-lua-truyen-thong/to-trinh-sat-trong-can-ham-bi-mat-545829