'Tổ tự quản về đường biên mốc giới' ở Bình Liêu

Đứng chân trên địa bàn huyện Bình Liêu, những năm qua Đồn Biên phòng Cửa khẩu (BPCK) Hoành Mô đã chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng các mô hình bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Trong đó mô hình 'Tổ tự quản về đường biên mốc giới' đã và đang phát huy hiệu quả.

Cán bộ Đồn BPCK Hoành Mô cùng nhân dân xã kiểm tra hiện trạng đường biên, cột mốc biên giới.

Có mặt tại vùng biên giới Hoành Mô vào những ngày đầu tháng 9 này, chúng tôi được chứng kiến nhiều hình ảnh đẹp về hoạt động của tổ tự quản đường biên, cột mốc, tình cảm quân dân nơi đây. Trò chuyện với chúng tôi, Đại úy Nguyễn Việt Hà, Đội trưởng Đội vận động quần chúng của Đồn, cho biết: Đồn BPCK Hoành Mô có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ trên 43km đường biên với 41 mốc giới, 68 cột mốc thuộc 6 xã. Dân cư trên địa bàn chủ yếu là người dân tộc thiểu số, sinh sống ở 88 thôn, khe, bản; trong đó có 24 bản giáp biên. Trước đây, do đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, trình độ cũng như nhận thức về pháp luật còn hạn chế nên thường diễn ra tình trạng người dân tự ý vượt biên trái phép qua biên giới...

Để nâng cao nhận thức của người dân về trách nhiệm, nghĩa vụ của mình trong tham gia quản lý, bảo vệ biên giới, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm, Đội đã chủ động tham mưu cho Đảng ủy, Chỉ huy Đồn chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ đơn vị tăng cường xuống từng thôn, bản biên giới nắm bắt tâm tư nguyện vọng, vận động nhân dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp. Đặc biệt, thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 9/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ "Về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”, đơn vị đã chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền các xã biên giới phát động phong trào "Toàn dân tham gia các mô hình tự quản đường biên, cột mốc biên giới". Đến nay, huyện có 12 tổ tự quản với 116 thành viên và 278 hộ gia đình tham gia tự quản đường biên, cột mốc biên giới.

Cán bộ Đội vận động quần chúng Đồn BPCK Hoành Mô giúp dân thu hoạch nông sản.

Gia đình ông Voòng Phúc Hiệp (bản Nà Sa, xã Hoành Mô), tham gia tổ tự quản đường biên, cột mốc từ những ngày đầu thành lập. Hằng ngày, ngoài công việc trồng trọt, chăn nuôi trên phần đất của gia đình gần đoạn biên giới, ông Hiệp còn cùng với bà con trong thôn thường xuyên kiểm tra hiện trạng cột mốc và đoạn biên giới được giao bảo vệ. Ông Hiệp cho biết: “Từ ngày được giao tự quản đường biên, cột mốc, người dân trong thôn vui lắm. Bà con nhận thức đây vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm của người dân vùng biên. Vì vậy, khi đi lao động tại khu vực biên giới, bà con luôn nhắc nhở nhau, không phát rừng, làm rẫy xâm phạm vào đường biên giới; nếu phát hiện người lạ vào khu vực biên giới phải báo ngay với chính quyền địa phương và bộ đội biên phòng để kịp thời xử lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới”.

Thượng tá Bùi Đức Hạnh, Chính trị viên Đồn BPCK Hoành Mô, đánh giá: Các tổ tự quản đã góp phần thắt chặt mối quan hệ khăng khít giữa bộ đội biên phòng với nhân dân các dân tộc vùng biên giới; xây dựng thế trận biên phòng toàn dân ngày càng vững chắc. Thông qua của các tổ tự quản, hằng năm nhân dân đã phát hiện, cung cấp cho lực lượng biên phòng và các lực lượng chức năng khác hàng trăm nguồn tin có giá trị. Riêng từ đầu năm đến nay, từ nguồn tin của nhân dân, Đồn đã kịp thời phát hiện, bắt giữ 22 vụ/18 đối tượng vận chuyển trái phép pháo nổ, gạch men, gia súc, gia cầm qua biên giới, trộm cắp xe máy đưa sang Trung Quốc tiêu thụ; phát hiện, yêu cầu 8 đối tượng (6 nam, 2 nữ) ở tỉnh Nghệ An có ý định vượt biên trái phép sang Trung Quốc để làm thuê quay trở về địa phương...

Nguyễn Chiến

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/chinh-tri/201909/to-tu-quan-ve-duong-bien-moc-gioi-o-binh-lieu-2453941/