Tố tỷ phú hiếp dâm, nữ sinh bị dân mạng Trung Quốc gọi là 'gái điếm'

Sau khi Liu Jingyao cáo buộc tỷ phú Lưu Cường Đông cưỡng hiếp mình, cô sinh viên 21 tuổi đã hứng chịu vô số lời chỉ trích của cộng đồng mạng Trung Quốc.

Mùa hè năm 2018, cô Liu Jingyao, sinh viên Đại học Minnesota cáo buộc tỷ phú Lưu Cường Đông (Liu Qiangdong hay Richard Liu), nhà sáng lập kiêm CEO công ty thương mại điện tử JD.com, đối thủ lớn của Alibaba đã theo cô trở về căn hộ và cưỡng hiếp cô. Tháng 4/2019, cô Liu đã tố cáo ông Liu hiếp dâm tại tòa án dân sự ở bang Minnesota, đòi bồi thường hơn 50.000 USD.

Cô Liu đã hứng chịu sự chỉ trích của cộng đồng mạng Trung Quốc trong suốt nhiều tháng liền khi quyết tâm đòi lại công lý cho mình.

Hơn một năm sau đêm định mệnh, lần đầu tiên cô Liu, 22 tuổi, quyết định chia sẻ những gì mình đã phải chịu đựng với New York Times.

Trong suốt thời gian đó, những bức ảnh của cô Liu đầy rẫy trên mạng ở Trung Quốc. Cô là một trong những người phụ nữ được nhắc đến nhiều nhất ở Trung Quốc. Đoạn video an ninh quay lại cảnh cô đi trong tòa nhà cùng một người đàn ông theo phía sau được xem đi xem lại vài triệu lần. Trong đoạn phim, họ đi vào và đi ra nhiều thang máy. Dường như cô Liu không biết căn hộ của mình nằm ở đâu.

Tuy nhiên, trường hợp của cô Liu không phải là một câu chuyện của phong trào #MeToo nhận được sự ủng hộ điển hình. Sau khi câu chuyện của cô lan truyền trên mạng ở Trung Quốc, cô Liu bị gọi là gái điếm, gái bán hoa, kẻ nói dối, kẻ đào mỏ và nhiều từ cay độc khác.

New York Times nhận định những lời chỉ trích cô thực tập sinh Monica Lewinsky phải nhận sau vụ ngoại tình với cựu Tổng thống Bill Clinton cũng sẽ có quy mô tương tự nếu nó diễn ra ở đất nước tỷ dân như Trung Quốc.

"Có ai đó đang theo dõi tôi"

Trước khi bị cưỡng hiếp, cô Liu là một sinh viên 21 tuổi năng động thích đi du lịch. Những bức ảnh cô chụp ở Morocco, Hy Lạp và Tây Ban Nha cho thấy một cô gái trẻ với ánh mắt tươi vui và nụ cười rạng rỡ.

Cô nói với New York Times cô đã vứt đi một nửa số mỹ phẩm và không còn trang điểm nữa. Giống như nhiều thanh niên Trung Quốc khác, cô từng thích quần áo và túi xách hàng hiệu. Bây giờ, cô chủ yếu mặc một thương hiệu của Nhật Bản được xem là lỗi mốt ở Trung Quốc.

Khi cô Liu chuyển đến trường đại học một năm trước, cô đã chọn căn hộ trên tầng cao để ngắm nhìn một công viên và một tháp nước gần đó. Giờ đây, cô kéo rèm xuống cả ngày lẫn đêm.

“Tôi luôn có cảm giác ai đó đang theo dõi tôi từ bên ngoài”, cô Liu nói với New York Times. “Tôi muốn trở nên kín đáo nhất có thể”.

Nỗi sợ hãi của Liu vô cùng dễ hiểu khi cô là một trong những đối tượng được quan tâm nhiều nhất trên Weibo, mạng xã hội của Trung Quốc tương đương với Twitter, trong hai năm qua.

“Cô ta là gái điếm”, “Trông cô ta thật ghê tởm”, “Rõ ràng là họ không đồng ý về giá cả với nhau”, “Trông có vẻ như cô ta đã dựng lên toàn bộ câu chuyện” là những bình luận nói về cô Liu trên Weibo. Một số người cho rằng ông Lưu mới là nạn nhân thực sự: “Nhìn ngoại hình của cô ta, tôi hoàn toàn tin rằng Lưu Cường Đông bị hãm hiếp”.

Ông Lưu Cường Đông, người bị cáo buộc cưỡng hiếp cô Liu. Ảnh: New York Times.

Đó chỉ là một vài trong số 8.500 bình luận trên một bài đăng Weibo. Bài đăng này được đăng lại 14.000 lần và được 95.000 người dùng bấm thích. Những bài đăng như vậy với quy mô tiếp cận lớn hơn đã diễn ra trong suốt nhiều tháng liền.

Vụ việc của cô Lưu đang thu hút rất nhiều sự chú ý bởi vì cô đang buộc tội một trong những người đàn ông quyền lực nhất Trung Quốc. Quấy rối và tấn công tình dục diễn ra ở Trung Quốc và giới tinh hoa rất ít khi bị điều tra. Hoạt động của chính phủ và đời sống riêng tư của các nhà lãnh đạo nằm ngoài phạm vi đưa tin của các phương tiện truyền thông. Các tỷ phú công nghệ tự thân được ngưỡng mộ như những ngôi sao thực thụ.

Trong số các tỷ phú này, ông Lưu là một trong những người quyền lực nhất với khối tài sản 7,5 tỷ USD. Ông đã thành lập trang JD.com từ những ngày đầu của ngành thương mại điện tử Trung Quốc và biến công ty thành một đế chế khổng lồ. Vào năm 2015, ông Lưu trở nên nổi tiếng hơn nữa khi kết hôn với "hot girl trà sữa" Chương Trạch Thiên (Zhang Zetian) khi cô 21 tuổi.

27 ly rượu

Năm 2016, cô Liu đến một trường đại học ở Minnesota để học văn và luyện piano trong 2,5 giờ/ngày. Cô chuyển đến Trường Quản lý Carlson của Đại học Minnesota vào tháng 8/2018. Tại đây, cô tham gia làm tình nguyện viên trong một chuyến thăm của các giám đốc tập đoàn quốc tế, một trong những người đó là ông Lưu.

Cô Liu thường luyện piano hai tiếng rưỡi mỗi ngày. Ảnh: New York Times.

Vào ngày thứ năm của chuyến thăm, cô Liu như được mời đến một bữa ăn tối tại một nhà hàng Nhật Bản. Khi đến nơi, cô mới nhận mình là tình nguyện viên duy nhất - và là người phụ nữ duy nhất - được mời trong bàn ăn của khoảng một chục người đàn ông trung niên. Một trong những người đàn ông đã để cô ngồi cạnh ông Lưu, thành viên giàu có và thành đạt nhất trong nhóm.

Theo cảnh sát, những người trong bữa tiệc đã nâng ly ít nhất 27 lần. Cô Liu đã uống 19 lần. Người đàn ông ngồi đối diện với cô thậm chí gục xuống bất tỉnh trên bàn.

Sau đó, cô Liu rời khỏi bữa tiệc bằng xe limousine với ông Liu và hai nữ trợ lý của ông. Người tài xế nói với cảnh sát rằng ông ta thấy ông Lưu nắm lấy cánh tay cô Liu, chế ngự cô và đưa cô vào sau xe. Tôi nhìn vào gương chiếu hậu và thấy ông Lưu đã đè lên cô gái này, người tài xế nói. Sau đó, một trong những trợ lý của ông Lưu đã đẩy gương lên để tài xế không nhìn được nữa.

Ông Lưu đã theo cô Liu đến căn hộ của cô. Vài giờ sau, một người bạn của cô báo cảnh sát rằng cô Liu đã nhắn tin cho anh nói rằng cô đã bị hãm hiếp.

Một phát ngôn viên của ông Lưu đã phủ nhận cáo buộc này và cho rằng bằng chứng được đưa ra bởi Sở Cảnh sát Minneapolis, bao gồm cả những lời khai cảnh sát bằng và video an ninh không củng cố cáo buộc đã được đưa ra.

Đối đầu với cộng đồng mạng Trung Quốc

Theo WeChatscope, một dự án nghiên cứu tại Đại học Hong Kong, cáo buộc về các hành vi tình dục sai trái là một trong những chủ đề bị kiểm duyệt nặng nề nhất trên WeChat. Các từ khóa liên quan như #MeToo và #Woyeshi đã bị cấm. Một số tài khoản WeChat lên tiếng ủng hộ cô Liu đã bị xóa. WeChat thuộc sở hữu của Tencent, cũng là cổ đông lớn nhất của JD.com.

Vụ việc của cô Liu cho thấy cách xã hội Trung Quốc đối xử với những người phụ nữ dám lên tiếng về tấn công tình dục. Nạn nhân cần phải trông thật hoàn hảo nếu muốn nhận được sự đồng cảm từ công chúng.

Súng điện và bình xịt hơi cay cô Liu mua sau đêm bị cưỡng hiếp. Ảnh: New York Times.

Một trang tin tức lớn của Trung Quốc đã đăng bài báo có tiêu đề “Luật sư của ông Lưu: Mọi thứ xảy ra trong phòng là tự nguyện. Cô ta liên tục đòi tiền” viết về những bình luận từ luật sư của ông Lưu, nhưng không hề có tuyên bố gì từ phía cô Liu. Bài báo đã nhận được 14.000 bình luận.

Một cây bút của tờ Southern Weekly, tờ báo cấp tiến nhất của đất nước, đã chia sẻ bài viết này trên Weibo với lời bình luận: “Ông Lưu không phải là người có tội về mặt pháp lý mặc dù ông đã vi phạm đạo đức. Cô ta là gái điếm rẻ tiền. Cô ta đang tự biến mình thành trò cười”.

Cô Liu nói cô cảm thấy bất lực khi không thể khiến công chúng quan tâm tới việc một cô gái 21 tuổi ngồi giữa một nhóm những người đàn ông trung niên quyền lực đáng sợ như thế nào. Cô đã cảm thấy tức giận với ông Lưu, hai trợ lý và các giám đốc điều hành khác vì họ cũng là đồng lõa, nhưng hầu như họ không phải hứng chịu sự phẫn nộ của công chúng.

Hóa ra cô Liu lại kiên cường hơn cô nghĩ. Cô bị rối loạn tâm lý sau sang chấn (PTSD) và nhiều lần muốn tự tử. Tuy nhiên, cô Liu quyết tâm theo đuổi vụ kiện này. Cô nói rằng cô sẽ không bao giờ đồng ý ký một thỏa thuận bảo mật. Nếu tôi thắng, cô Liu nói, tôi sẽ quyên góp tất cả số tiền cho các nhà nữ quyền Trung Quốc, những người đã ủng hộ tôi ngoại trừ 1.000 USD cho riêng mình.

Cô đã chi tiền để bay đến New York tìm một luật sư. Cô cũng muốn được bồi thường cho quần áo và ga trải giường đã bị phá hỏng.

“Nếu tôi biết tôi có thể chịu đựng được nhiều như vậy, tôi đã không ngần ngại báo cảnh sát”, cô Liu nói.

Như Trần

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/to-ty-phu-hiep-dam-nu-sinh-bi-dan-mang-trung-quoc-goi-la-gai-diem-post1026304.html