Tòa án Tối cao Mỹ có thẩm phán mới: Bầu cử Tổng thống và hơn thế nữa

Thấm phán Amy Coney Barrett có thể mang tới chuyển biến đáng kể trong lập trường của Tòa án Tối cao Mỹ trước cuộc bầu cử Tổng thống tuần tới và xa hơn nữa.

Từng đón 15 người đồng nghiệp trong 31 năm làm thẩm phán Tòa án Tối cao, cố Thẩm phán Byron White đã nhận xét mỗi quyết định bổ nhiệm là một “thời kỳ mới” của Tòa án Tối cao. Tuy nhiên, hiếm có thay đổi nào hứa hẹn mang đến chuyển biến mạnh mẽ cho nền tư pháp Mỹ như quyết định bổ nhiệm bà Amy Coney Barrett - người có tư tưởng bảo thủ sâu sắc, làm Thẩm phán Tòa án Tối cao thay bà Ruth Bader Ginsburg, người hùng của phong trào pháp lý tiến bộ, qua đời trước đó ít lâu.

Thời khắc ấy khiến không ít người nhớ lại năm 1991, khi thẩm phán có lập trường Bảo thủ Clarence Thomas đã chiến thắng trước biểu tượng dân quyền Thurgood Marshall và giống như ông Thomas, bà Barrett có thể tác động đáng kể tới ‘cán cân’ của Tòa án trong nhiều thập kỷ tới.

Bà Amy Coney Barrett tuyên thệ nhậm chức Thẩm phán Tòa án Tối cao trước sự chứng kiến của Thẩm phán Clarence Thomas và Tổng thống Donald Trump. (Nguồn: AP)

Sóng gió thuở đầu

Hành trình của bà cũng là câu chuyện dài. Khác với nhiều ứng viên, bà Barrett tỏ ra tương đối thận trọng trong phiên điều trần trước Ủy ban Tư pháp Thượng viện, đơn cử là việc không đưa ra ý kiến về trước vụ kiện Rode v. Wade, phán quyết hợp pháp hóa quyền phá thai. Tuy nhiên, bà cũng im lặng về tính pháp lý của hành động đe dọa cử tri (dù Nghị viện đã coi đây là hành vi phạm tội) và từ chối nói về vai trò của bầu cử qua thư trong cuộc bầu cử lần này. “Đây là những vấn đề về chính sách mà tôi không thể bày tỏ quan điểm”, bà phát biểu với Thượng nghị sĩ Amy Klobuchar.

Bà cũng không thể hiện quan điểm về vụ kiện năm 1965, bảo vệ quyền mua biện pháp tránh thai của các cặp vợ chồng, một phán quyết làm tiền đề cho vụ Roe. Trong khi đó, tại phiên điều trần tương tự năm 2005, Chánh án Tòa án tối cao John Roberts khẳng định: “Tôi đồng ý với kết luận của tòa án Griswold rằng quyền riêng tư trong hôn nhân có thể bao gồm các biện pháp tránh thai.”

Kết thúc phiên điều trần, bà nhận được 52 phiếu thuận và 48 phiếu chống của Thượng viện, qua đó trở thành thẩm phán Tòa án Tối cao thứ ba dưới thời ông Donald Trump, trong một nước Mỹ ngày càng phân cực và một tuần trước cuộc bầu cử giữa dịch Covid-19. Trước bà, hai thẩm phán mới nhất là Neil Gorsuch và Brett Kavanaugh cũng trải qua quá trình phê chuẩn sóng gió, song đều nhận được phiếu bầu từ bên còn lại. Bà Barrett không được phiếu bầu nào từ đảng Dân chủ, thậm chí bị chính người đảng Cộng hòa, Thượng Nghị sỹ Maine, bà Susan Collins bỏ phiếu chống.

Song xét cho cùng, mọi chuyện đã an bài. Với 6/9 thẩm phán bảo thủ, Tòa án Tối cao có thể đảo ngược một số thắng lợi của phe tự do trong vài thập kỷ qua. Những phán quyết bảo vệ quyền của giới LGBTQ, cũng như quyền nạo phá thai, trở nên mong manh hơn bao giờ hết. Thẩm phán Clarence Thomas giờ đây sẽ có thêm đối tác để củng cố và mở rộng Tu chính án thứ Hai.

Từ bầu cử Tổng thống…

Bà Barrett có thể kín tiếng trong phiên điều trần, song khi đã được bổ nhiệm, quan điểm và lập trường của bà sẽ dần được hé lộ. Vấn đề cấp bách nhất với bà Barrett hiện nay là câu chuyện tái cử Tổng thống của ông Donald Trump. Hiện các thẩm phán đang cân nhắc xem xét các vụ kiện về cách thức tiến hành và đếm phiếu bầu qua thư điện tử ở một số bang. Với vài ngoại lệ, các thẩm phán đã đứng về phía phe Cộng hòa và phủ nhận tính hợp hiến các thay đổi về quy trình bỏ phiếu trong dịch Covid-19.

Với 6/9 thẩm phán bảo thủ, Tòa án Tối cao có thể đảo ngược một số thắng lợi của phe tự do trong vài thập kỷ qua. Những phán quyết bảo vệ quyền của giới LGBTQ, cũng như quyền nạo phá thai, trở nên mong manh hơn bao giờ hết.

Ngày 19/10, Chánh án Roberts cùng với ba đồng nghiệp phe tự do đã bác bỏ yêu cầu của phe Cộng hòa tại bang Pennsylvania về duy trì phán quyết của tòa án bang, kéo dài thời hạn nhận phiếu bầu qua thư điện tử thêm ba ngày sau ngày bầu cử. Tuy nhiên, các nguyên đơn đã thay đổi đơn kiện sang ngày 24/10, hy vọng rằng, Thẩm phán Barrett có thể nghiêng cán cân có lợi sang cho họ. Liệu Thẩm phán tối cao thứ 115 có thể chiều theo ý nguyện của những người theo Đảng cộng hòa ngay sau khoảnh khắc bà được bổ nhiệm?

Có lẽ bà Barrett, hay bất cứ thẩm phán nào, đều sẽ không bỏ phiếu để thay đổi quy định các bang chiến trường chỉ vài ngày trước bầu cử Tổng thống Mỹ, đặc biệt khi các tòa án bang đang tránh làm cử tri bối rối trước thềm cuộc bầu cử. Bà Barrett cũng có thể lựa chọn cứu mình khỏi vụ này và trường hợp tương tự, với lý do “xuất hiện không phù hợp”, qua đó không tham xét xử.

Bà Amy Coney Barrett tuyên thệ tại phiên điều trần trước Ủy ban Tư pháp Thượng viện tại Đồi Capitol ở Washington, D.C., ngày 12/10. (Nguồn: Reuters)

Tới tương lai nước Mỹ

Song hậu bầu cử, nhiệm vụ của bà còn phức tạp hơn. Sáng ngày 4/11, bà Barrett sẽ cùng 8 cộng sự thảo luận về mâu thuẫn giữa phe tự do tôn giáo và quyền LGBT trong vụ kiện Fulton v. Philadelphia: Một cơ quan cấp dưỡng Công giáo chỉ cho các cặp đôi dị tính nhận nuôi con, đi ngược lại với quy định chống phân biệt đối xử dựa trên xu hướng tình dục. Vụ Fulton cũng là cơ hội để bà cân nhắc lại vụ Employment Division v. Smith, được giải quyết bởi cố Thẩm phán Antonin Scalia, thầy dạy và cấp trên bà Barrett 30 năm trước.

Có lẽ bà Barrett, hay bất cứ thẩm phán nào, đều sẽ không bỏ phiếu để thay đổi quy định các bang chiến trường chỉ vài ngày trước bầu cử Tổng thống Mỹ, đặc biệt khi các tòa án bang đang tránh làm cử tri bối rối trước thềm cuộc bầu cử.

Ngày 10/11, Tòa án Tối cao sẽ xử vụ California v. Texas, với kết quả có thể vô hiệu hóa Đạo luật chăm sức khỏe (ACA), hay Obamacare. Đảng Dân chủ đã tập trung vào vụ kiện trong buổi điều trần bà Barrett, bởi bà phản đối lý lẽ của Chánh án Roberts trong hai vụ kiện trước của Đạo luật này. Tuy nhiên, các lý lẽ về mặt pháp lý lần này thiếu thuyết phục hơn, bất chấp sự ủng hộ mạnh mẽ của Chính quyền Tổng thống Donald Trump và chẳng có gì đảm bảo bà Barrett sẽ nhận được sự ủng hộ khi bãi bỏ tính pháp lý của đạo luật cung cấp bảo hiểm sức khỏe cho 23 triệu người Mỹ.

Ngày 22/10, “cuộc chiến” đầu tiên về vấn đề nạo phá thai trong nhiệm kỳ của bà Barrett đã bắt đầu, khi bang Mississipi ban hành lệnh cấm phá thai nhi đủ 15 tuần, song bị tòa án phúc thẩm ngăn chặn vì đối lập phán quyết của Tòa án Tối cao về cấm phá thai trước khi thai nhi thành hình (khoảng 24 tuần thai). Trong lần đâm đơn mới nhất, những người ủng hộ bãi bỏ vụ kiện đã chỉ ra sự chia rẽ trong phán quyết của tòa án phúc thẩm về cách hiểu và áp dụng phán quyết mơ hồ của Chánh án Roberts hồi tháng 6 về phòng khám ở Louisiana. Các thẩm phán dường như đang chờ bà Barrett để quyết xem có nên xử vụ kiện này hay không: Họ đã ba lần trì hoãn việc thảo luận kể từ khi bà Ginsburg qua đời. Nếu câu trả lời là có, vụ kiện Roe v. Wade, bước ngoặt trong ngành Tư pháp Mỹ, cũng có thể được xét xử lại.

Quyền LGBT, Obamacare hay quyền nạo phá thai đều là những vấn đề nóng trong xã hội Mỹ, có tầm ảnh hưởng lớn tới tương lai xứ cờ hoa và các vụ kiện sẽ giúp định hình chính sách của Washington trong ba chủ đề này.

Cuộc bầu cử có thể lắng xuống, song ảnh hưởng của bà Barrett tại Tòa án Tối cao còn đó, lan tỏa chậm rãi nhưng chắc chắn. Dù Tòa không ngần ngại thay đổi, song cơ quan tư pháp này chưa bao giờ xóa bỏ các quyền hợp hiến từng công nhận trước đó. Nhưng với nhiệm kỳ có thể kéo dài đến năm 2050, bà Barrett có đủ thời gian và nỗ lực thúc đẩy tiến trình này. Phát biểu ngày 25/10, Lãnh đạo đa số Thượng viện Mitch Connell từng thừa nhận rằng “sớm hay muộn, nhiều điều chúng ta làm 4 năm qua có thể bị đảo ngược vào cuộc bầu cử tới”, song việc bổ nhiệm 3 thẩm phán bảo thủ sẽ khiến Đảng Dân chủ không làm được nhiều trong “thời gian dài sắp tới”.

(theo The Economist)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/toa-an-toi-cao-my-co-tham-phan-moi-bau-cu-tong-thong-va-hon-the-nua-127594.html