Tòa buộc dừng Nghị quyết bầu HĐQT và Ban kiểm soát, nhà đầu tư 'bán tháo' cổ phiếu Vinaconex

TAND Quận Đống Đa vừa ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời tạm dừng thực hiện Nghị quyết ĐHĐCĐ bất thường của Vinaconex.

Quyết định trên được đưa ra sau khi Công ty TNHH Bất động sản Cường Vũ và Công ty TNHH Đầu tư Star Invest, 2 doanh nghiệp nắm lần lượt 21,28% và 7,57% vốn tại Vinaconex yêu cầu hủy bỏ Nghị quyết của Đại hội Đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường ngày 11/1/2019.

Ngày 27/3/2019, Tòa án Nhân dân (TAND) Quận Đống Đa ra Quyết định Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời buộc Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex – mã chứng khoán:VCG) tạm dừng Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông bất thường số 01/2019/NQ – ĐHĐCĐ ngày 11/01/2019.

TAND Quận Đống Đa cho biết, sau khi xem xét các chứng cứ tài liệu liên quan, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người yêu cầu của cổ đông Vinaconex và đảm bảo hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, TAND Quận Đống Đa quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời tạm dừng thực hiện Nghị quyết ĐHĐCĐ bất thường nói trên, bao gồm tờ trình về việc bầu cử thành viên Hội đồng Quản trị và Ban kiểm soát của công ty.

 Cổ phiếu VCG bị bán tháo phiên 28/3

Cổ phiếu VCG bị bán tháo phiên 28/3

Danh sách thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2019-2022: Ông Đào Ngọc Thanh, CEO Ecopark (nhóm cổ đông An Quý Hưng) được bầu làm Chủ tịch HĐQT; Ông Nguyễn Xuân Đông, CEO An Quý Hưng và CEO Vinaconex; Ông Thân Thế Hà (đại diện do Viettel ứng cử, Chủ tịch HĐTV Công ty Phát triển Đô thị mới An Khánh); Ông Nguyễn Quang Trung (đại diện do Viettel ứng cử, GĐ Công ty Phát triển Đô thị mới An Khánh); Ông Dương Văn Mậu; Ông Bùi Tuấn Anh; Ông Nguyễn Hữu Tới.

Danh sách thành viên Ban kiểm soát gồm: Ông Trần Trung Dũng; Ông Nguyễn Xuân Đại; Ông Vụ Văn Mạnh; Ông Chu Quang Minh; Bà Trần Thị Kim Oanh.

Phía sau tranh chấp nội bộ là gì?

Sau khi 2 cổ đông lớn Nhà nước là Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) và Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) thoái toàn bộ gần 80% vốn.

Cổ đông lớn của Vinaconex còn lại 3 cổ đông lớn. Thứ nhất là Công ty An Quý Hưng sở hữu 57,71% vốn sau khi chi 7.400 tỷ đồng để dành chiến thắng trong phiên đấu giá.

Nhóm còn lại gồm Công ty TNHH bất động sản Cường Vũ giữ 21,28% vốn sau khi mua cổ phần của Vietel và Công ty TNHH Đầu tư Star Invest đã nhanh chóng mua lại lượng cổ phiếu của Pyn Elite Fund để sở hữu 7,57% vốn VCG sau khi thất bại trong đợt đấu giá.

Sau khi kết quả đấu giá cổ phần Vinaconex được ngã ngũ, nhiều câu hỏi lớn đã được đặt ra là năng lực tài chính của An Quý Hưng. Tiền đâu để công ty này chi ra gần 7.400 tỷ đồng để giành chiến thắng trong phiên đấu giá 57,7% cổ phần của Tổng Công ty Vinaconex với mức giá cao hơn 36% giá khởi điểm?

An Quý Hưng được sở hữu bởi ông Nguyễn Xuân Đông. Tại thời điểm 31/12/2017, tổng tài sản và vốn chủ sở hữu của An Quý Hưng chỉ đạt lần lượt là 1.000 tỷ và 456 tỷ đồng. Do đó, cũng không loại trừ khả năng An Quý Hưng chỉ là đầu mối đứng ra "mua hộ" những nhà đầu tư khác.

Với việc 2 nhóm cổ đông đối nghịch và nhóm An Quý Hưng chưa thể nắm tỷ lệ chi phối, Vinaconex đã từng được dự báo sẽ còn nhiều biến động trong tương lai.

Phiên giao dịch ngày 28/3, cổ phiếu VCG đã bị nhà đầu tư bán tháo, VCG giảm sàn xuống 25.700 đồng với gần 5 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng và gần 3 triệu cổ phiếu chất bán giá sàn chưa thể khớp.

Hoàng Trung

Nguồn VTC: https://vtc.vn/toa-buoc-dung-nghi-quyet-bau-hdqt-va-ban-kiem-soat-nha-dau-tu-ban-thao-co-phieu-vinaconex-d465778.html